Cam Bù Hương Sơn Trước Nguy Cơ Suy Thoái
Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ xưa đến nay vốn là quê hương của đặc sản cam bù nổi tiếng. Xuất phát từ Sơn Bằng, cây cam bù đã được người dân nhiều xã nghiên cứu, đầu tư và phát triển thành những mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những đặc tính phát triển và sinh trưởng của cam bù cùng bệnh vàng lá xanh gân... đã và đang khiến nhiều hộ trồng cam lo lắng...
Thực trạng buồn…
Vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, cam bù chính là sản phẩm tạo nên thương hiệu của vùng đất trù phú Sơn Bằng. Thế mà giờ đây, cây cam bù đã “bỏ đất, xa người”. Ông Hồ Cao Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bằng cho biết: “Cam bù là loại cây khó tính, chỉ cho quả ngon và đẹp trong thời gian từ 3 - 5 năm đầu, hơn nữa, gốc mới cũng không phát triển trên chỗ đất của gốc cũ nên không thể tái tạo lại vườn cam. Chính vì thế, khi quỹ đất hết thì Sơn Bằng cũng không còn là quê hương của đặc sản này nữa”.
Rơi vào trường hợp tương tự Sơn Bằng là các xã Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thủy… Ông Lê Xuân Cúc - Chủ tịch UBND xã Sơn Trường cho biết: “Đến nay, toàn xã có 1.000 hộ trồng cam, trong đó 50% trồng từ 100 gốc trở lên. Tuy nhiên, tình trạng vườn cam bị suy thoái đang phổ biến ở tất cả những hộ tiên phong”.
Bên cạnh đó, cây cam bù còn bị bệnh vàng lá xanh gân. Bệnh này được người trồng cam ví là bệnh “ung thư” bởi các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân cũng như thuốc đặc trị. Bất kỳ cây cam nào cũng có thể bị vàng lá xanh gân và dẫu người trồng đã cắt bỏ cành bệnh chống lây lan thì cũng chỉ một thời gian sau những cành khác cũng bị “di căn”.
Đứng giữa vườn cam 8.000m2 với vô số gốc cam khẳng khiu, trơ trọi của gia đình ông Lê Đình Dược (xóm 10 - Sơn Phúc), tôi cảm nhận được nét buồn trên gương mặt ông khi được hỏi về tình trạng của vườn cam. Cả vườn cam xanh tốt, tết nào cũng vàng hươm, lúc lỉu quả, giờ đây, đồng loạt bị suy thoái, chỉ còn khoảng 500 m2 (80 gốc) cho quả chất lượng cao.
Vườn cam hơn 2 ha của gia đình ông Lê Phúc, Nguyễn Quốc Hoàn (xóm 6), Nguyễn Trọng Thành (xóm 8) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hầu hết các chủ vườn cam này đều đã tìm giải pháp thay thế tạm thời bằng cây chanh, cam chanh hoặc cỏ V6. Cảnh thương lái tấp nập tìm đến trong dịp tết, niềm vui mùa thu hoạch đã và đang “từ bỏ” bà con…
Giải pháp nào bảo vệ nguồn gen cam bù?
Với hiệu quả kinh tế cao, hiện nay, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã nghiên cứu, học hỏi, đầu tư trồng cam bù; song chẳng hiểu vì nguyên cớ nào, chỉ ở đất Hương Sơn thì quả cam bù mới có được hương vị đặc biệt nhất. Sau Sơn Bằng thì Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thủy và gần đây với quy mô nhỏ hơn là Sơn Phúc, Sơn Tiến, Sơn Diệm… đang trở thành những vùng cam bù thơm ngon nổi tiếng.
Tuy nhiên, “thời hoàng kim” của cây cam bù không kéo dài, lại phổ biến bệnh vàng lá xanh gân nên việc loay hoay tìm giải pháp là tình trạng chung của các xã này. Ông Nguyễn Mạnh Thường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Mai cho biết: “Mặc dù cây cam bù chỉ có thời hạn thu hoạch từ 3 - 5 năm nhưng hiệu quả kinh tế cao nên người dân không muốn thay thế bằng các loại cây khác.
Cam bù không thể sinh trưởng được trên đất cũ nên giải pháp tạm thời của chúng tôi là hướng dẫn bà con chuyển đổi đất trồng keo hoặc khai hoang trong thung sâu để phát triển diện tích cam bù. Đến nay, toàn xã có 100 ha cam bù cho hiệu quả kinh tế cao. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà khoa học sớm tìm ra giải pháp để “bà chúa” cam tiếp tục ở lại trên vùng đồi núi này”.
Thực hiện Quyết định 24 và 26 của UBND tỉnh, vừa qua, xã Sơn Trường đã tạo điều kiện cho 100 hộ vay vốn hỗ trợ lãi suất nhằm phát triển kinh tế gia trại. Trong số đó, có khá nhiều hộ đầu tư khai phá đất hoang, trồng cam trên diện tích đất nằm sâu trong lòng núi.
Nhờ đó, tổng diện tích trồng cây cam bù của Sơn Trường vẫn được duy trì. Tuy nhiên, diện tích này không lớn do những vùng này có độ dốc cao, rất khó cho cây cam bù bám rễ. Hơn nữa, việc trồng cam xen lẫn với cây lâm nghiệp dẫn tới tình trạng côn trùng và sâu bệnh phá hại. Những vườn cam phát triển trong lòng núi, sau vài năm cho hiệu quả kinh tế cao, đều đã nhiễm bệnh và đứng trước nguy cơ suy thoái.
Hiện nay, giải pháp khai mở quỹ đất đồi núi đã và đang được nhiều xã áp dụng nhằm níu giữ cây cam bù. Nguồn gen loài cây đặc sản này cũng đang theo chân những nông dân tâm huyết, có chí làm giàu vào tận thung sâu núi rừng dựng lán lập trại. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi với đặc trưng sinh trưởng và bệnh vàng lá xanh gân chưa tìm được thuốc chữa thì cây cam bù không thể tồn tại lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
Loài cá leo to lớn, phàm ăn, ăn thịt động vật, sống trong các khu vực bờ cỏ, chủ yếu ẩn nấp trong các hang hốc dọc bờ sông và kênh rạch. Đây là loài cá đẻ trứng vào mùa hè. Trong lưu vực sông Mê Kông, chúng di cư vào các sông suối nhỏ và vùng bị ngập lụt để sinh tồn.
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả VN, các công ty xuất khẩu trái cây ở phía Nam đang làm việc với các đối tác ở Bắc Giang để chuẩn bị xuất khẩu trái vải tươi sang thị trường Mỹ trong vụ vải năm nay, sau khi Mỹ cho phép nhập trái vải VN vào thị trường này (tháng 10-2014).
Dự kiến, hội chợ Vifa - Expo 2015 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14-3 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM, với hơn 900 gian hàng (tăng gần 50% so với năm ngoái) của gần 200 doanh nghiệp tham gia.
Trước thực trạng xuất khẩu rau quả của VN liên tục tăng trong những năm gần đây, đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỉ USD năm 2014, nhưng có đến 80% giống rau đang phải nhập khẩu, TS Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc, đang tích cực nghiên cứu và phát triển các giống rau, hoa để dần giảm sự phụ thuộc nguồn giống nước ngoài.
Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn, thôn Ngò 1, xã Đồng Kỳ như vui hơn. Mấy năm trước, không may ông Sơn mắc bệnh, sức khỏe suy giảm, gánh nặng cơm áo dồn cả lên vai người vợ tảo tần. Cuộc sống gia đình vì thế càng khó khăn. Ðược chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ngoài chăn nuôi bò sinh sản, vợ chồng ông tận dụng diện tích ruộng sẵn có luân canh gối vụ lúa, củ đậu, khoai tây…