Hiệu Quả Từ Nuôi Cá Trê Vàng Lai

Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện U Minh (Cà Mau) đang phát triển việc nuôi cá trê vàng lai, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao.
Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Nhiệm ở ấp 11, xã Khánh Thuận được xem là một trong những gia đình khó khăn, cuộc sống quanh năm chỉ biết trông chờ vào việc khai thác gỗ và các sản vật dưới tán rừng. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, trong 1 lần tham quan mô hình nuôi cá trê vàng lai của người dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, anh Nhiệm quyết định cải tạo ao đầm xung quanh nhà để nuôi loại cá này.
Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên anh nuôi thử 5 kg cá giống. Sau hơn 2 tháng, đàn cá của anh đã đạt trọng lượng từ 4 - 5 con/kg và bắt đầu cho thu hoạch. Với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, anh Nhiệm còn lãi hơn 5 triệu đồng. Thấy mô hình hiệu quả, anh Nhiệm tiếp tục mở rộng ao nuôi. Vụ thứ hai anh thả hơn 20kg cá giống, nhờ siêng năng chăm sóc và tận dụng tốt các phụ phẩm dư thừa từ nông nghiệp làm thức ăn cho cá nên đàn cá tiếp tục cho mùa bội thu, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 20 triệu đồng. Sau đó, anh Nhiệm tiếp tục thả nuôi 20kg giống, hiện đàn cá của anh đang bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Nhiệm chia sẻ: “Cá trê vàng lai là rất dễ nuôi, lớn mau và ít bệnh, vả lại rất ít tốn chi phí. Chỉ cần đầu tư con giống, còn thức ăn cho cá chủ yếu tận dụng cá tạp, ốc bươu vàng, các loại rau vườn và bèo ở địa phương, ăn mồi này không chỉ cá mau lớn mà còn tốt cho đường ruột so với cho ăn thức ăn. Nhờ nuôi cá trê vàng mà 2 năm nay cuộc sống gia đình tôi khá ổn định”.
Với đặc tính dễ nuôi nên cá trê vàng lai có thể nuôi với bất kỳ hình thức nào, như: thả lan trong ao, nuôi trong màng lưới hay trong bể xi-măng cá đều phát triển tốt. Chính vì thế mà diện tích nuôi cá trê được người dân trên địa bàn huyện U Minh phát triển nhanh chóng. Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở ấp 1, xã Khánh Hội cũng là một trong những gia đình tận dụng tốt lợi thế này.
Do sống ven theo tuyến đê quốc phòng thường xuyên bị nước mặn tràn vào nên gia đình chị Hồng chỉ giữ lại được 2 ao nước ngọt hơn 200 m2. Hơn 1 năm nay chị Hồng đã tận dụng số diện tích này bao màng lưới để nuôi cá trê vàng lai. Nhờ thế, mỗi năm cho gia đình chị thu nhập hàng chục triệu đồng. Từ đó điều kiện kinh tế gia đình chị cải thiện đáng kể, thoát được nghèo.
Cũng là một trong những hộ nghèo ở ấp 12, xã Khánh Thuận, gia đình chị Lê Thị Tuyết vươn lên từ nghề nuôi cá trê vàng lai. Do không có đất sản xuất nên chị tận dụng 1 ao duy nhất của gia đình để bao màng lưới nuôi cá. Với diện tích màng lưới ngang 3m, dài 5m, sâu 3m, chị Tuyết thả nuôi mỗi vụ từ 15 - 20 kg cá giống. Tranh thủ thời gian rảnh chị Tuyết đi bắt ốc, rồi bằm chuối cây nấu với cám cho cá ăn. Nhờ vậy gia đình chị vụ nào cũng thu lợi khá cao.
Không chỉ có anh Nhiệm, chị Tuyết, chị Hồng, hiện nay nhiều hộ dân ở các xã: Khánh Lâm, Khánh Thuận, Khánh An và thị trấn U Minh cũng đang thực hiện mô hình này. Bởi hiện nay khi nguồn cá đồng đang khan hiếm thì việc nuôi cá trê vàng lai được xem là một giải pháp tối ưu nhằm cung ứng nguồn thực phẩm phục vụ tốt bữa ăn hằng ngày của người dân trong và ngoài huyện. Chính vì thế mà đầu ra của cá trê vàng lai cũng ổn định.
Nguồn bài viết: http://www.baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=34935
Có thể bạn quan tâm

Sáng 3.7, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Định phối hợp Trạm Khuyến nông Hoài Ân tổng kết Mô hình trồng bắp lai thâm canh trên đất lúa chuyển đổi. Mô hình được triển khai thực hiện tại thôn An Chiểu, xã Ân Phong với quy mô 3 ha, sử dụng giống SSC586, có 32 hộ nông dân tham gia.

Chuyển từ hình thức trồng dưa hấu lấy trái truyền thống, thời gian gần đây, nông dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thực hiện trồng dưa hấu lấy nụ cho lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/ha.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc thù miền núi, UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình trồng nấm. Sau gần ba năm thực hiện, từ hiệu quả kinh tế cao, nghề trồng nấm đã mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

Đầu năm 2015, gia đình chị Đỗ Thị Diễm Vân ở thôn Phước Thiện 3 (xã Phước Sơn, Ninh Phước, Ninh Thuận) đầu tư 300 triệu đồng mua máy liên hợp thu hoạch bắp phục vụ sản xuất.

Theo tổng hợp từ Sở NN&PTNT, đợt nắng hạn gay gắt vừa qua đã làm trên 2.260 ha chè cháy lá, thiệt hại từ 30 - 70%; gần 850 ha chè coi như “xóa sổ” hoàn toàn. Tại các vùng chè trên địa bàn tỉnh Nghệ An, người dân và chính quyền các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp “cứu chè”.