Thương Hiệu Là Chìa Khoá Cho Phát Triển Sản Xuất
Hiện nay, diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng toàn tỉnh Cà Mau đạt trên 1.200 ha, phấn đấu đến năm 2015 đạt 1.800 ha và 2.100 ha vào năm 2020. Đồng thời, bảo tồn và phát triển các loại cá đồng khoảng 8.000 ha (chủ yếu là cá lóc).
Do đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cá chình, cá bống tượng, mắm cá lóc là cần thiết và vô cùng quan trọng để tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng này cũng như tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Nguyên liệu dồi dào
Bà con nông dân trong tỉnh năng động phát triển đa dạng các loại hình sản xuất cho thu nhập cao. (Trong ảnh: Phân cỡ cá bống tượng thương phẩm của bà con nông dân Đầm Dơi). - Ảnh: HOÀNG DIỆU
Hình thành và phát triển cách đây hơn 15 năm, mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng hiện nay mang lại giá trị kinh tế cao. Chính gì vậy, không chỉ vùng Tân Thành mà hiện nay hai đối tượng nuôi này đã có mặt ở nhiều xã, phường của TP Cà Mau, huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.
Chủ tịch UBND phường Tân Thành, TP Cà Mau, vừa là người đã gắn bó với con cá chình, cá bống tượng hơn 14 năm qua, anh Trần Thanh Liêm cho biết, 2 loại vật nuôi này rất phù hợp với thổ nhưỡng của vùng Tân Thành cũng như một số vùng khác của tỉnh. “Cá chình, cá bống tượng đã giúp người dân trong phường khá lên đáng kể. Nếu so với trồng lúa thì nghề nuôi cá chình, cá bống tượng có thể cho lợi nhuận gấp 10 lần”, anh Liêm thông tin.
Phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết cũng như lợi nhuận cao nên từ một số hộ nuôi ban đầu (năm 1998-1999), giờ đây toàn tỉnh đã có trên 1.200 ha và đang tiếp tục được mở rộng. Chính tiềm năng và lợi thế đó, cách đây không lâu Chính phủ cũng đã có quyết định quy hoạch tổ chức làng nghề cá chình, cá bống tượng Tân Thành. Tuy nhiên, do vướng dự án mở rộng thành phố và Sân bay Cà Mau nên làng nghề cá chình, cá bống tượng Tân Thành không thể triển khai thực hiện. Tuy nhiên, về phía địa phương, anh Liêm cho biết, phường cũng đã quy hoạch vùng nuôi cá chình, cá bống tượng khoảng 400 ha, đang đầu tư đường giao thông, điện và hệ thống thuỷ lợi để phục vụ nghề nuôi cho bà con.
Bên cạnh con cá chình, cá bống tượng, mắm cá lóc là một đặc sản nổi tiếng của người dân Cà Mau từ bao đời nay. Không chỉ có truyền thống lâu đời với hương vị đặc trưng mà Cà Mau còn có vùng nguyên liệu rộng lớn để có thể sản xuất hàng hoá.
Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Thanh Triều cho biết, không chỉ có nguyên liệu từ cá tự nhiên dưới tán rừng, mà hiện nay nhiều nông dân trong huyện còn tổ chức nuôi cá lóc để làm nguyên liệu. Hiện toàn huyện đã thả nuôi trên 1.200 ao cá lóc, ước tính sẽ có khoảng 5 tấn. Ngoài ra, huyện còn mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn người dân mở rộng vùng nuôi tạo nguyên liệu ổn định cho nghề làm mắm mà huyện đang hoàn tất thủ tục để xin công nhận thương hiệu sản phẩm.
Thương hiệu – nền tảng cho sự phát triển
Lợi thế là vậy, nhưng hiện nay các loại sản phẩm này vẫn chưa có một thương hiệu để khẳng định thêm vị thế của mình trên thị trường và chịu sự chi phối lớn của thương lái. Anh Trần Thanh Liêm chia sẻ, do con cá chình, cá bống tượng ở Tân Thành chưa được công nhận thương hiệu nên đầu ra sản phẩm còn nhiều bấp bênh. Nhất là giá cá đang phải chịu sự chi phối lớn của các vựa cá ở TP Hồ Chí Minh cũng như thương lái trên địa bàn. Sản lượng cá hằng năm khá lớn nhưng chỉ có khoảng 10 thương lái thu mua, do đó giá cá lên xuống thất thường.
Anh Dương Công Nghiệp, ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau, chia sẻ, cá giống mua vào cũng từ thương lái nên họ nắm lượng cá và cỡ cá trong lòng bàn tay. Biết trong ao cá cỡ nào nhiều là lập tức họ cho giá cá loại đó giảm xuống, có những lúc giá cá lên xuống không biết đường nuôi loại nào cho hiệu quả nhất.
Trước vấn đề giá cả và đầu ra sản phẩm bấp bênh, anh Liêm kiến nghị, các ngành chức năng nên sớm xây dựng thương hiệu cho con cá chình, cá bống tượng để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế nhanh và ổn định.
Ông Thái Văn Tính, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Cà Mau, cho biết, đang tiến hành các thủ tục cần thiết để đề nghị công nhận thương hiệu sản phẩm tập thể không chỉ cho cá chình, cá bống tượng Tân Thành mà cho cả tỉnh.
Cá chình, cá bống tượng thời gian qua đã mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Dương Công Nghiệp cũng như nhiều hộ dân khác ở xã Tân Thành. (Trong ảnh: Anh Dương Công Nghiệp cho cá ăn).
Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Thanh Triều cho biết, huyện đã đưa mắm lóc vào danh mục đăng ký thương hiệu trên thị trường. Theo đó, huyện đang triển khai các bước tổ chức sản xuất sản phẩm, hoàn tất các thủ tục cần thiết để đến năm 2015 đề nghị cơ quan chức năng công nhận mắm lóc, thương hiệu đặc sản của vùng đất U Minh Hạ. Sau thời gian phát động đăng ký sản xuất mắm cá lóc, có trên 700 hộ dân ở huyện U Minh đăng ký.
Với sản lượng ước tính mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh 20 tấn sản phẩm. Theo tính toán, nghề làm mắm lóc sẽ tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.300 lao động. Nếu thuận lợi đây là nghề giúp nông dân cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, xoá đói giảm nghèo. Do đó, thời gian qua huyện U Minh mở nhiều lớp đào tạo nghề, hướng dẫn người dân cách làm mắm truyền thống nhằm đáp ứng các tiêu chí thị trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, tỉnh cũng có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm tập thể. Tuy nhiên, sau khi được công nhận đến nay các sản phẩm này vẫn chưa thể tạo được bước đột phá. Ðể duy trì và phát huy hiệu quả sản phẩm khi được công nhận thương hiệu sản phẩm, Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Huỳnh Thanh Phong nhận định, xây dựng thương hiệu trước tiên là phải đầu tư để mang lại những sản phẩm có chất lượng, uy tín.
Muốn làm được như vậy, cần chú trọng hơn nữa tới công tác đào tạo nghề, đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Bên cạnh đó là sự thay đổi tư duy sản xuất của người dân, xây dựng chiến lược phát triển trước mắt, trung và dài hạn.
Xây dựng thương hiệu đã khó, phát triển thương hiệu còn khó hơn, đòi hỏi sự đầu tư cả tiền của lẫn công sức. Ðồng thời, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như mở rộng thị trường. Nhưng quan trọng nhất là nâng cao và duy trì được chất lượng sản phẩm sau khi được công nhận, đây là chìa khoá tăng sức cạnh tranh, mở rộng đầu ra, góp phần đẩy mạnh sản xuất sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều ý kiến cho rằng, một khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nông sản Việt Nam, nhất là chăn nuôi sẽ “hết cửa” khi bị các sản phẩm nước ngoài tràn vào cạnh tranh... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nông sản chúng ta vẫn còn một “cánh cửa hẹp” để lách qua nếu nỗ lực khắc phục khó khăn.
Vài năm gần đây, giống lúa thơm Thuần Việt 1 do Cty CP Giống cây trồng Thanh Hóa nghiên cứu và lai tạo đã có mặt ở trên nhiều đồng ruộng, mang đến cho người nông dân những vụ mùa bội thu.
Không chỉ nổi tiếng là nơi du lịch lý tưởng của miền Bắc, hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) còn đang được quy hoạch đầu tư thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Một khuôn viên rộng 4.000 m2 kín cổng cao tường, tọa lạc giữa khu đô thị sầm uất, tấp nập. Đó là trang trại động vật hoang dã Thanh Long (số 9, đường 11, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM) của anh Cao Thanh Long…
Máy cắt rau của anh Tiền rất đơn giản: 1 cái thùng bằng tôn chống rỉ, 4 chân sắt, 1 mô tơ đặt cố định, 1 máng tôn đưa rau vào máy. Nhiệm vụ cắt rau thuộc về 3 cái lưỡi bằng thép.