Hiệu Quả Từ Nuôi Bò Nhốt Chuồng Vỗ Béo
Nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo thành công, nhiều hộ nông dân ở xã Điện Quang (Điện Bàn) đã có cuộc sống sung túc hơn trước.
Ngồi trong căn nhà 3 gian rộng rãi, khang trang vừa mới xây dựng xong, ông Phan Mười ở thôn Bảo An Tây hồ hởi nói: “Gia đình tôi có được cơ ngơi trị giá gần 400 triệu đồng như hôm nay đều nhờ vào đàn bò mà nhiều năm qua nhọc công chăm sóc”.
Lão nông này cho hay, trước đây ngoài mấy sào đất màu, vợ chồng ông phải bươn chải đủ nghề để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Nhận thấy chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao lại phù hợp với điều kiện thôn quê, ông vay mượn được hơn 30 triệu đồng mua 3 con bò con về nuôi từ năm 2009. Thức ăn cho chúng là các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có và nguồn cỏ dồi dào tại địa phương.
Chỉ sau hơn 10 tháng nuôi, ông cho xuất chuồng và thu được gần 90 triệu đồng. Trả nợ ngân hàng xong, gia đình kiếm lãi gần 60 triệu đồng. Vừa áp dụng vừa rút kinh nghiệm, mỗi năm ông nuôi 6 con, thu lãi bình quân 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ông Mười có của ăn của để như ngày hôm nay.
Hoàn thành quân ngũ trở về địa phương, anh Trần Công Cường ở thôn Phú Đông không có việc làm ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Vậy là, anh quyết định chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Được chăm sóc bằng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như lá bắp, lá khoai và các loại thân cây đậu sẵn có, đàn bò phát triển rất nhanh.
Trung bình mỗi con bò có trọng lượng trên 400kg với 10 tháng nuôi, giá xuất bán từ 35 - 40 triệu đồng/con. Hiện tại, chuồng nhà anh có 4 con bò thịt đang chuẩn bị trao cho thương lái. Giá cả đầu ra đối với con bò hiện nay khá ổn định, gia đình anh có thể cầm chắc trên tay cả trăm triệu đồng tiền lãi.
Xã Điện Quang hiện có trên 1.000 hộ chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt với tổng đàn dao động từ 3.000 - 3.200 con/năm. Trong đó, hàng trăm hộ dân nuôi từ 5 con trở lên, cá biệt có gia đình nuôi đến 15 con bò. Nuôi vỗ béo từ 8 - 10 tháng, người nông dân thu lãi xấp xỉ 2 triệu đồng/con.
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Quang, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của địa phương đạt bình quân 120 tỷ đồng/năm thì giá trị chăn nuôi bò chiếm hơn một nửa. Do vậy, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ để đẩy mạnh mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con.
Có thể bạn quan tâm
Ông Trần Văn Lâm (sinh năm 1977), hiện cư ngụ ấp 17, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, đã mạnh dạn chuyển đổi giống vật nuôi, từ đó kinh tế gia đình khá lên nhờ mô hình sản xuất ếch Thái Lan.
Đông Hải có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản. Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 38.500 ha, hằng năm cho sản lượng hơn 60.000 tấn, trong đó sản lượng tôm là hơn 33.000 tấn, cá và thủy sản khác sản lượng hơn 26.000 tấn.
Không những thành công từ mô hình ươm cây, tạo cảnh quan bóng mát, anh Nguyễn Văn Thi (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) còn mạnh dạn thuê 2ha đất để trồng chuối, thu lợi gần 300 triệu đồng/năm.
Nhờ chịu khó làm ăn và biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông Đỗ Hữu Bạch ở thôn Đông Phước, xã Hòa An (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đã thoát nghèo, có thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Giống lợn DuDa - S500 là một trong những dòng lợn siêu nạc mới nhất được Công ty TNHH Lợn giống hạt nhân Dabaco (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) nhập và chọn tạo thành công từ Đài Loan (Trung Quốc). Ưu điểm nổi trội của giống lợn này là tỷ lệ nạc cao, lên tới 64%; khi nuôi từ lúc có trọng lượng 8kg tăng lên 120kg, chỉ mất từ 130 đến 136 ngày, tương đương với giống lợn Duroc Mỹ và Ca-na-đa.