Hiệu Quả Từ Nuôi Bò Nhốt Chuồng Vỗ Béo
Nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo thành công, nhiều hộ nông dân ở xã Điện Quang (Điện Bàn) đã có cuộc sống sung túc hơn trước.
Ngồi trong căn nhà 3 gian rộng rãi, khang trang vừa mới xây dựng xong, ông Phan Mười ở thôn Bảo An Tây hồ hởi nói: “Gia đình tôi có được cơ ngơi trị giá gần 400 triệu đồng như hôm nay đều nhờ vào đàn bò mà nhiều năm qua nhọc công chăm sóc”.
Lão nông này cho hay, trước đây ngoài mấy sào đất màu, vợ chồng ông phải bươn chải đủ nghề để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Nhận thấy chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao lại phù hợp với điều kiện thôn quê, ông vay mượn được hơn 30 triệu đồng mua 3 con bò con về nuôi từ năm 2009. Thức ăn cho chúng là các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có và nguồn cỏ dồi dào tại địa phương.
Chỉ sau hơn 10 tháng nuôi, ông cho xuất chuồng và thu được gần 90 triệu đồng. Trả nợ ngân hàng xong, gia đình kiếm lãi gần 60 triệu đồng. Vừa áp dụng vừa rút kinh nghiệm, mỗi năm ông nuôi 6 con, thu lãi bình quân 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ông Mười có của ăn của để như ngày hôm nay.
Hoàn thành quân ngũ trở về địa phương, anh Trần Công Cường ở thôn Phú Đông không có việc làm ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Vậy là, anh quyết định chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Được chăm sóc bằng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như lá bắp, lá khoai và các loại thân cây đậu sẵn có, đàn bò phát triển rất nhanh.
Trung bình mỗi con bò có trọng lượng trên 400kg với 10 tháng nuôi, giá xuất bán từ 35 - 40 triệu đồng/con. Hiện tại, chuồng nhà anh có 4 con bò thịt đang chuẩn bị trao cho thương lái. Giá cả đầu ra đối với con bò hiện nay khá ổn định, gia đình anh có thể cầm chắc trên tay cả trăm triệu đồng tiền lãi.
Xã Điện Quang hiện có trên 1.000 hộ chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt với tổng đàn dao động từ 3.000 - 3.200 con/năm. Trong đó, hàng trăm hộ dân nuôi từ 5 con trở lên, cá biệt có gia đình nuôi đến 15 con bò. Nuôi vỗ béo từ 8 - 10 tháng, người nông dân thu lãi xấp xỉ 2 triệu đồng/con.
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Quang, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của địa phương đạt bình quân 120 tỷ đồng/năm thì giá trị chăn nuôi bò chiếm hơn một nửa. Do vậy, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ để đẩy mạnh mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con.
Related news
Dù DN xuất tiểu ngạch đang điêu đứng nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo xuất chính ngạch sang Trung Quốc vẫn bình thường.
Điều đáng nói là, cùng với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác như nhau, trong khi người dân các xã vùng thấp lụt huyện Đức Thọ “lúa đã đầy bồ” thì hầu hết diện tích lúa hè thu của các địa phương trên toàn tỉnh chưa đến kỳ thu hoạch, thậm chí, đến thời điểm này, nhiều diện tích mới trổ bông!
Hiện nay, toàn tỉnh Đác Lắc có tổng diện tích cà-phê hơn 202.500ha, trong đó có 190 nghìn ha cà-phê kinh doanh cho thu hoạch với sản lượng khoảng 430 nghìn tấn cà-phê nhân/niên vụ. Tuy nhiên, theo khảo sát, diện tích cà-phê già cỗi cần tái canh từ nay đến năm 2020 lên tới 30.442 ha.
Từ bỏ cách làm nông nghiệp truyền thống, hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân và nông dân Lâm Đồng sẵn sàng dốc hầu bao đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Điều gì đã khiến cho "làn sóng đầu tư" bùng lên trên vùng đất nam Tây Nguyên này?
Là tổ chức tập hợp và đại diện quyền lợi của người nông dân, Hội Nông dân huyện Nghi Xuân luôn thể hiện chức năng và vai trò của mình trong việc định hướng, hỗ trợ phát triển kinh tế và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Hàng trăm mô hình SXKD của hội viên cho thu nhập cao ra đời, đều có sự song hành của các cấp hội nông dân từ huyện đến cơ sở.