Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ghép Tôm Thẻ Chân Trắng Với Cá Rô Phi
Trước tình hình người dân địa phương đang tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng và thường thả nuôi với mật độ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường ao nuôi dễ biến động và khó quản lý. Để giúp quản lý tốt môi trường ao nuôi, nhằm đảm bảo hiệu quả cho người nuôi tôm, trong năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật “Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá rô phi” tại hộ ông Lê Công Dư, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông với diện tích 0,5ha.
Qui trình thực hiện mô hình: Giữa tháng 4/2014, ông Dư tiến hành cải tạo ao, sên vét bùn đáy ao và bón vôi liều lượng 100kg/1.000m2. Sau đó đặt vèo có kích thước 5m x 2,5m x 1m tại giữa ao để nuôi cá. Kế tiếp, tiến hành lấy nước vào ao qua túi lọc và xử lý cho đến khi các yếu tố môi trường ao nuôi đạt yêu cầu để nuôi tôm thẻ công nghiệp, cụ thể độ mặn đạt 10‰; pH đạt 8,0 và độ kềm đạt 100mg/l. Cá rô phi có kích cỡ 100con/kg được thả vào vèo nuôi trước khi thả tôm thẻ 5 ngày với mật độ 10con/m2. Tổng lượng tôm thẻ giống thả nuôi là 400.000 con (mật độ 80con/m2) cỡ tôm Post 12 và được kiểm dịch an toàn.
Trong suốt quá trình nuôi 4 tháng cho thấy tôm phát triển tốt, nước ao nuôi luôn có màu xanh ổn định, các yếu tố môi trường ít biến động, ít sử dụng thuốc, kháng sinh, tôm lớn nhanh. Kích cỡ tôm thu hoạch đạt 39con/kg, tổng sản lượng tôm thu hoạch đạt 7.500kg, tỷ lệ sống đạt 73,1%, năng suất 15tấn/ha, giá bán 160.000đ/kg thu được 1.200.000.000đ sau khi trừ chi phí 644.850.000đ ông Dư còn thu lãi 555.150.000đ. Chưa kể phần cá rô phi (đạt cỡ 2 – 3con/kg) không đưa vào hạch toán vì ông đã biếu toàn bộ số cá thu hoạch được cho bà con xung quanh. Đây là mức thu rất lý tưởng so với người nuôi tôm có cùng diện tích ở huyện Tân Phú Đông trong năm 2014.
Ở góc độ kỹ thuật có thể lý giải các yếu tố giúp mô hình thành công là:
- Trong quá trình nuôi ao có màu nước xanh ổn định, các chỉ số môi trường nước ít biến động, điều này chứng tỏ việc nuôi cá rô phi đã giúp duy trì sự ổn định của môi trường nước, nhờ đó tôm phát triển tốt.
- Vèo nuôi cá rô phi được đặt giữa ao nuôi là rất hợp lý do đây là nơi thường tập trung các chất lơ lững, cặn bã, chất thải của tôm nuôi do dòng xoáy của quạt nước gom vào. Nhờ đó cá rô phi có thể tận dụng làm thức ăn, vừa giúp hạn chế các chất thải phân hủy có thể sinh khí độc trong ao nuôi.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá rô phi” với mật độ thả nuôi từng loại ở mức vừa phải, hợp lý sẽ giúp bảo vệ tốt môi trường ao nuôi nhờ ít sử dụng đến thuốc và hóa chất. Có thể nói đây là mô hình sản xuất có tính bền vững cao, cần được nghiên cứu triển khai nhân rộng trong thời gian tới nhằm góp phần mang lại hiệu quả ổn định và bền vững cho cộng đồng người nuôi tôm tỉnh nhà.
Có thể bạn quan tâm
Cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nổi tiếng với bạt ngàn vườn cây ăn trái. Đặc biệt là 2 loại cây “chủ lực”: chôm chôm và nhãn. Sau này, có thêm cây chanh tàu cũng đã từng cho thu nhập khá cao.
Nông dân xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh, Hải Dương) bắt đầu thu hoạch thanh long ruột đỏ. Giá bán tại gốc 40 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với thanh long ruột trắng.
Toàn phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu - Đà Nẵng) có 22 tàu cá công suất nhỏ (20-30CV), khai thác ở vùng biển ven bờ. Năm nay, bà con ngư dân rất phấn khởi vì được mùa cá giò.
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho biết cá điêu hồng đang tăng giá trở lại sau một thời gian tuột dốc vì tin đồn thất thiệt. Giá bán tại bè từ 26.000 - 28.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 5.500 đồng/kg so với 3 tháng trước.
Các hộ nuôi cá lóc ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) đang đối mặt cá nuôi bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Điều đáng lo ngại là tuy triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng trị nhưng không đạt hiệu quả, có nguy cơ lan rộng.