Hiệu Quả Mô Hình Nho - Trôm
Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phương Bảo Toàn là nông dân đầu tiên trên địa bàn huyện Ninh Sơn thực hiện mô hình xen canh nho- trôm. Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 2 năm 2011, anh vượt qua cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh”. Thấy sức khỏe suy giảm, anh bàn với vợ chuyển 500 mét vuông đất vườn nho sát bên nhà bị lụt ngâm chết gốc sang trồng trôm. Anh mua 80 cây trôm giống về trồng. Tiếc khoảng đất trống giữa hai hàng trôm, anh mua 90 gốc nho đỏ trồng xen canh. Thấy kiểu làm ăn “lạ đời” của anh Toàn, bà con trong xóm nói: “Thằng Toàn bệnh quá hóa khùng, cây trôm trồng xen cây nho làm sao có trái”.
Với quyết tâm của người nông dân gắn bó đồng đất quê nhà, anh Toàn nỗ lực đầu tư chăm sóc vườn cây xen canh nho - trôm. Anh mua phân chuồng bón đất nền kết hợp chạy nước tưới, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây nho và cây trôm. Cả hai loài cây tuy không họ hàng nhưng “đồng hành” phát triển xanh tốt trên đất vườn nhà anh Toàn. Đất đai không phụ công người vun xới, sau một năm xuống gốc nho, anh thu hoạch trái chiến 5 tạ bán được 5 triệu đồng. Cây trôm vượt lên khỏi giàn tỏa cành che bóng mát vườn nho đơm bông kết trái cho thu hoạch 5 - 7 tạ/vụ. Vườn nho thực hiện mô hình xen canh kiểu “lạ đời” của anh Toàn đang mang trái vụ thứ 7 ước đạt 7 - 8 tạ. Cơn mưa lớn trong hai ngày 11 và 12 tháng 5 vừa qua gây thiệt hại đáng kể cho bà con nông dân khu vực xã Nhơn Sơn do trái non bị rụng 50 - 60%. Riêng vườn nho nhà anh Toàn nhờ có “mái che” tán trôm nên trái rụng không đáng kể.
Cây trôm sau hai năm trồng đến nay thân cao khoảng 3,5 mét, đường kính gốc 20 cm. Anh Toàn bắt đầu thu hoạch mủ trôm mỗi ngày 3 - 4 kg bán tại gốc, chủ vựa thu mua trả tiền liền với giá 40 ngàn đồng/kg. Chỉ với 80 cây trôm trồng xen canh nho trên diện tích 500 mét vuông đất, mỗi tháng anh Toàn có thu nhập 3- 4 triệu đồng bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.
“Hồi mới trồng nho kết hợp cây trôm, tui hy vọng thu hoạch một vài vụ nho đến khi trôm khép tán thì chặt bỏ gốc. Đâu ngờ tán trôm che mát giàn nho cho thu hoạch mỗi vụ 5 - 7 tạ trái bằng sản lượng nho tơ của bà con quanh vùng. Nhờ tán trôm làm “mái che” nên vườn nho không bị háp bông khi trời nắng nóng hoặc ít bị rụng trái khi mưa lớn kéo dài. Tui mong được cán bộ khuyến nông đến nghiên cứu mô hình xen canh nho - trôm nếu thấy hiệu quả thì phổ biến cho bà con nông dân áp dụng nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác”, anh Phương Bảo Toàn phấn khởi nói.
Có thể bạn quan tâm
Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, năng suất bình quân mỗi công từ 60 - 100kg. Nếu giá ở mức 68.000 đ/kg như hiện nay thì người trồng sẽ lời khoảng 2 triệu/công. Cây é rất thích nắng và khô ráo. Trước khi thu hoạch mà gặp vài đám mưa, năng suất và chất lượng sẽ bị giảm sút.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Long Phước, hiện xã có khoảng 30ha tiêu; trong đó 25ha đã cho thu hoạch từ 5 đến 7 năm và 5ha trồng mới. Diện tích tiêu chết đến thời điểm này là hơn 1ha; xảy ra tại ấp Phong Phú. Trước đây, hiện tượng tiêu chết cũng đã xảy ra trên địa bàn xã với diện tích ít và nguyên nhân được xác định là do ngập úng.
Trong thời gian qua, nông dân tỉnh Hậu Giang thu lợi nhuận rất cao từ cây cam sành có hạt. Bình quân mỗi ha cam sành vào giai đoạn cho trái rộ có thể giúp cho nhà vườn thu nhập 700 đến 800 triệu đồng/năm, có hộ lên đến cả tỷ đồng. Vì thế, nhiều nhà vườn trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi, thậm chí đốn bỏ các loại cây ăn trái khác để trồng cam sành.
Thực ra, gốc gác của những đàn trâu rong giữa rừng núi miền biên ải này vốn dĩ là trâu nhà được chủ thả tự do vào rừng. Đó là tập quán chăn nuôi tự bao đời nay của những người dân các xã nằm sâu trong vùng lõi VQG Vũ Quang.
Có thể nói mai vàng từ lâu đã là một loại hoa truyền thống, là biểu tượng của mùa xuân phương Nam. Từ ý nghĩa và giá trị nhân văn đó mà người người đều thích chưng mai trong ngày tết. Đó cũng là cơ hội tốt nhất cho các nhà vườn giới thiệu những đặc sản tết của mình.