Hiệu Quả Mô Hình Nho - Trôm

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phương Bảo Toàn là nông dân đầu tiên trên địa bàn huyện Ninh Sơn thực hiện mô hình xen canh nho- trôm. Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 2 năm 2011, anh vượt qua cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh”. Thấy sức khỏe suy giảm, anh bàn với vợ chuyển 500 mét vuông đất vườn nho sát bên nhà bị lụt ngâm chết gốc sang trồng trôm. Anh mua 80 cây trôm giống về trồng. Tiếc khoảng đất trống giữa hai hàng trôm, anh mua 90 gốc nho đỏ trồng xen canh. Thấy kiểu làm ăn “lạ đời” của anh Toàn, bà con trong xóm nói: “Thằng Toàn bệnh quá hóa khùng, cây trôm trồng xen cây nho làm sao có trái”.
Với quyết tâm của người nông dân gắn bó đồng đất quê nhà, anh Toàn nỗ lực đầu tư chăm sóc vườn cây xen canh nho - trôm. Anh mua phân chuồng bón đất nền kết hợp chạy nước tưới, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây nho và cây trôm. Cả hai loài cây tuy không họ hàng nhưng “đồng hành” phát triển xanh tốt trên đất vườn nhà anh Toàn. Đất đai không phụ công người vun xới, sau một năm xuống gốc nho, anh thu hoạch trái chiến 5 tạ bán được 5 triệu đồng. Cây trôm vượt lên khỏi giàn tỏa cành che bóng mát vườn nho đơm bông kết trái cho thu hoạch 5 - 7 tạ/vụ. Vườn nho thực hiện mô hình xen canh kiểu “lạ đời” của anh Toàn đang mang trái vụ thứ 7 ước đạt 7 - 8 tạ. Cơn mưa lớn trong hai ngày 11 và 12 tháng 5 vừa qua gây thiệt hại đáng kể cho bà con nông dân khu vực xã Nhơn Sơn do trái non bị rụng 50 - 60%. Riêng vườn nho nhà anh Toàn nhờ có “mái che” tán trôm nên trái rụng không đáng kể.
Cây trôm sau hai năm trồng đến nay thân cao khoảng 3,5 mét, đường kính gốc 20 cm. Anh Toàn bắt đầu thu hoạch mủ trôm mỗi ngày 3 - 4 kg bán tại gốc, chủ vựa thu mua trả tiền liền với giá 40 ngàn đồng/kg. Chỉ với 80 cây trôm trồng xen canh nho trên diện tích 500 mét vuông đất, mỗi tháng anh Toàn có thu nhập 3- 4 triệu đồng bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.
“Hồi mới trồng nho kết hợp cây trôm, tui hy vọng thu hoạch một vài vụ nho đến khi trôm khép tán thì chặt bỏ gốc. Đâu ngờ tán trôm che mát giàn nho cho thu hoạch mỗi vụ 5 - 7 tạ trái bằng sản lượng nho tơ của bà con quanh vùng. Nhờ tán trôm làm “mái che” nên vườn nho không bị háp bông khi trời nắng nóng hoặc ít bị rụng trái khi mưa lớn kéo dài. Tui mong được cán bộ khuyến nông đến nghiên cứu mô hình xen canh nho - trôm nếu thấy hiệu quả thì phổ biến cho bà con nông dân áp dụng nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác”, anh Phương Bảo Toàn phấn khởi nói.
Related news

Theo tin từ Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội, sau 4 ngày (từ 4/9) tập trung dập ổ dịch sâu róm hại thông trên 27,5ha rừng tại 2 xã Nam Sơn và Phù Linh (huyện Sóc Sơn) bằng thuốc trừ sâu sinh học Kuraba WP, tỷ lệ sâu róm bị diệt trừ đạt 95%. Tỷ lệ này đạt hiệu quả cao so với sử dụng thuốc truyền thống.

Tháng 6-2011, Tổ sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) được công nhận đạt bộ tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), với diện tích hơn 22ha, có 36 hộ tham gia. Đây là tổ sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên của huyện được công nhận. Thế nhưng mô hình rất khó nhân rộng, bởi chi phí quá cao và còn nhiều chuyện phải bàn.

Theo quyết định được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào cuối tuần trước, vải và nhãn tươi của Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng được 1 số tiêu chuẩn về vệ sinh-an toàn thực phẩm.

Bệnh chổi rồng - hay còn gọi là chùn đọt, đầu lân - gây hại chủ yếu trên cây nhãn, bắt đầu xuất hiện ở Sóc Trăng từ năm 2007, nhưng đến năm 2011 bùng phát thành dịch gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất, nhiều nhất ở các huyện Kế Sách, Long Phú…

Kể từ khi bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện đến nay, những vườn cam sành bạt ngàn nằm ven các con lộ nông thôn chạy qua địa bàn các xã, thị trấn của huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy ngày nào đã nhanh chóng thay màu lá mới, khi màu xanh tươi tốt dần biến mất và để lại một màu vàng nhạt nhẽo ngoài mong đợi.