Hiệu Quả Mô Hình Chuyển Đổi Diện Tích Chè Già Cỗi Sang Trồng Cây Keo Lấy Gỗ
Thời gian qua, nông dân ở Hạ Hòa đã đầu tư canh tác và chăm sóc chè trên diện tích đồi núi thấp và trong vườn nhà. Tuy vậy, cây chè qua 10 đến 15 năm cho thu hái đã chuyển sang giai đoạn già cỗi, tỷ lệ cho búp thấp, hiệu quả kinh tế không cao so với diện tích chè mới cho thu hái.
Trước thực trạng này, nông dân ở Hạ Hòa đã nhanh chóng, linh hoạt chuyển đổi diện tích cây chè già cỗi, cho thu nhập thấp sang trồng chè cành cho năng suất cao hoặc thay thế bằng cây keo lấy gỗ.
Trong quá trình chuyển đổi, tại những vùng đất thấp người dân trồng lại các giống chè mới để duy trì diện tích chè của địa phương; ở vùng đồi núi cao trồng xen cây keo lấy gỗ để dần thay thế cho cây chè đã già cỗi hoặc đã chết. Bởi cây keo lai lấy gỗ chịu hạn tốt, thích nghi với đất núi, thời gian cho thu hoạch ngắn.
Hiện nay Hạ Hòa đang phát triển tiểu thủ công nghiệp chế biến, sơ chế gỗ xẻ, gỗ ván ép xuất khẩu với gần 200 xưởng chế biến lớn nhỏ. Vì vậy, nhu cầu về gỗ nguyên liệu là khá lớn. Việc trồng thay thế cây keo lai trên diện tích cây chè đã già cỗi là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người nông dân ở Hạ Hòa.
Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, nông dân ở Hạ Hòa đã khảo sát diện tích chè già cỗi trên địa bàn để thực hiện trồng cây lấy gỗ thay thế.
Các xã như Ấm Hạ, Gia Điền, Phương Viên, Yên Kỳ, Hà Lương, Đại Phạm, Quân Khê… là những địa phương có diện tích chè già cỗi khá lớn và được đưa vào trồng thay thế bằng cây keo lấy gỗ theo quy mô lớn. Chỉ sau 5-7 năm, nhờ sự chăm sóc đúng kỹ thuật cây keo đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Trung ở khu 2 xã Ấm Hạ cách đây khoảng 10 năm, được coi là một trong những gia đình có diện tích chè lớn của xã và là hộ dân có thu nhập cao từ chè. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cây chè của gia đình ông đã thoái hóa dần do chè đã quá già và khả năng phát triển kém.
Vì vậy, gia đình ông Trung quyết định chuyển đổi mô hình cây chè đã già, kém chất lượng với diện tích gần 2 ha sang trồng cây keo lấy gỗ. Sau 7 năm, toàn bộ diện tích cây keo xen lẫn cây bồ đề, mỡ, bạch đàn của gia đình ông đã cho thu hoạch. Trừ chi phí cây giống, phân bón và công chăm sóc, gia đình ông Trung thu về gần 200 triệu đồng. Như vậy, so với việc đầu tư chăm sóc chè, việc trồng cây keo thay thế sẽ cho lợi nhuận cao hơn.
Trồng rừng kết hợp với trồng chè đã cho thấy sự nhạy bén của nông dân Hạ Hòa trong quá trình canh tác và sử dụng diện tích đất đã được giao.
Có thể bạn quan tâm
Điều kiện đất đai, thị trường, trình độ SX... dĩ nhiên mỗi nơi mỗi khác. Tuy nhiên, câu chuyện về sự thay đổi táo bạo từ cây lúa sang SX rau màu, tạo nên diện mạo sáng lạng, năng động cho SX nông nghiệp lẫn đời sống nông dân ở huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đáng để suy ngẫm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.
Khoảng 5 năm trở lại, nhiều diện tích nuôi tôm ở vùng hạ triều thường xuyên xảy ra dịch bệnh và chết do ô nhiễm môi trường, khiến hàng ngàn hộ lao đao. Bà con ngư dân mạnh dạn chuyển những vùng nuôi tôm bị ô nhiễm sang nuôi xen ghép tôm và các loại cá, cua. Hình thức nuôi này hạn chế dịch bệnh và mang lại hiệu quả khả quan.
Giá lợn thịt, gà thịt chìm dài trong tình trạng giá bán thấp hơn giá thành sản phẩm khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Cùng với đó, xuất hiện việc các thương lái thu gom lợn mỡ, trọng lượng hơn 1 tạ tại các trang trại, gia trại xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thực tế này khiến nhiều người chăn nuôi lo ngại.
Với nghề sản xuất hương thơm, ông Nguyễn Văn Khoa (54 tuổi), trú tại khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị, đã có thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm.
Phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung theo hình thức bán công nghiệp đang là sự lựa chọn của nhiều hộ gia đình, giúp duy trì và ổn định nguồn cung sản phẩm ra thị trường. Từ hướng phát triển kinh tế này đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, điển hình là mô hình chăn nuôi gà bán công nghiệp kết hợp thả vườn đồi của gia đình bà Nguyễn Thị Thu thôn Cường Bắc, Xã Nam Cường, TP Yên Bái.