Sâm bảy lá - nguồn dược liệu quý cần bảo vệ
"Chảy máu" dược liệu
Theo người dân địa phương, sâm “bảy lá” chỉ mọc trên núi cao ở những khu rừng rậm rạp, ẩm thấp, có bảy lá, một hoa và có chiều cao khoảng từ 30-35cm.
Lá của loại sâm này rất to, giống như lá khoai môn.
Hàng năm cứ vào tháng 9 và tháng 10 dương lịch, cây bắt đầu nảy mầm.
Tuy nhiên, sau thời gian ngắn ra lá và hoa, cây sẽ trụi lá “nằm lỳ” dưới đất và đợi vào đúng thời điểm năm sau mới lại nảy mầm, phát triển.
Củ sâm có vỏ màu nâu, có hình dạng xoắn hơi dài, khác với các loại sâm bán trên thị trường hiện nay.
Thông thường mỗi củ sâm nặng khoảng 200-500g.
Ông Hồ Quang Đà- người dân ở thôn Quế, xã Trà Bùi- nơi có nhiều dược liệu này cho biết: Sâm “bảy lá” rất bổ dưỡng, từ xưa đến nay, đồng bào Cor ở đây sử dụng loại sâm này ngâm với rượu uống có tác dụng làm mát gan, nhuận tràng… nhưng nếu uống quá thì dễ bị tiêu chảy.
Thời gian gần đây, nhiều thương lái săn lùng mua sâm “bảy lá” nên người dân ở thôn Quế cũng rủ nhau vào rừng để tìm và bán cho thương lái với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/kg củ tươi.
Mặc dù, người dân trực tiếp đi khai thác cũng như thương lái đều không hiểu người ta thu mua loại dược liệu này với mục đích gì.
Chỉ biết chung chung là mua về làm thuốc.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngày trước, loại sâm “bảy lá” trên khu vực núi Cà Đam rất nhiều, nhưng hiện nay, do giá loại sâm này thương lái thu mua với giá cao nên hàng ngày có hàng chục người dân đi vào rừng sâu để “săn” lùng, khiến cho sâm “bảy lá” cũng ngày càng ít dần.
“Trước đây, mỗi chuyến đi vào rừng từ 2-3 ngày, một người cũng kiếm được 3-4kg sâm, nhưng giờ giỏi lắm cũng chỉ kiếm được hơn 1kg, song phải lặn lội vào tận rừng sâu rất nguy hiểm”- ông Hồ Văn Hùng ở thôn Quế, xã Trà Bùi cho hay.
Sẽ có hướng bảo tồn và phát triển
Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn sâm “bảy lá” tự nhiên, để giữ và phát triển nguồn cây dược liệu quý của vùng núi Cà Đam, huyện Trà Bồng đang tiến hành các biện pháp tuyên truyền cho người dân khai thác có ý thức nhằm bảo tồn, nhân giống tiến tới mở rộng, phát triển sâm “bảy lá” nhằm bảo vệ nguồn dược liệu quý;
Đồng thời tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế dựa vào điều kiện sẵn có của địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Bắc- Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Sâm “bảy lá” là nguồn dược liệu quý, chính vì vậy, huyện đang khuyến khích người dân tại chỗ trồng, chăm sóc và phát triển loại sâm này để bảo tồn nguồn giống, đảm bảo nguồn giống chất lượng cao.
Từ đó, huyện sẽ có hướng hỗ trợ người dân để phát triển mở rộng nhanh diện tích trồng sâm “bảy lá” sớm trở thành vùng chuyên canh cung cấp nguyên, dược liệu nhằm tăng giá trị kinh tế của cây sâm.
Hiện một số dân ở thôn Quế cũng đang tiến hành đem trồng thử nghiệm cây sâm “bảy lá” xung quanh vườn nhà.
Trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, bước đầu cho thấy, cây sâm có hướng sinh trưởng và phát triển tốt.
“Đây là loại cây có giá trị kinh tế, nên chúng tôi rất kỳ vọng, cây sâm sẽ góp phần giúp bà con phát triển kinh tế và xóa nghèo bền vững cho người dân”- ông Hồ Quang Đà ở thôn Quế, xã Trà Bùi hy vọng.
Có thể nói, việc định hướng phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý tại núi Cà Đam trong đó có cây sâm “bảy lá" là hướng đi phù hợp của chính quyền địa phương huyện Trà Bồng.
Bởi, đây không chỉ góp phần bảo tồn, tránh “chảy máu” những loại dược liệu quý mà còn giúp người dân đồng bào vùng cao chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh về khí hậu và thổ nhưỡng, nâng cao thu nhập cho người dân, cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù Đà Lạt đã vào vụ thu hoạch khoai tây nhưng một số cơ sở kinh doanh khoai tây tại chợ nông sản Đà Lạt vẫn ồ ạt nhập khoai tây Trung Quốc rồi “tái xuất” ra thị trường (chủ yếu là TPHCM).
Từ đầu năm đến nay, các trại nuôi tôm giống trên địa bàn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) xuất bán được 1.583 triệu con tôm post. Trong đó tôm sú giống 728 triệu con; tôm thẻ giống 855 triệu con.
Tiền Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng ca cao lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 6 năm triển khai dự án ca cao trồng xen trong vườn dừa, đến nay dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng người dân trồng ca cao vẫn kiên quyết giữ vững, tăng thêm diện tích và không còn diễn ra điệp khúc “đốn - trồng” như trước đây.
Năm 2012, dịch cúm A H5N1 xảy ra ở một số loài gia cầm trên địa bàn huyện như gà, vịt, ngan, ngỗng, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi và giảm về số lượng tổng đàn.
Thời gian gần đây, tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn - Dak Lak) đã xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt khiến bà con trồng tiêu lo lắng.