Làm giàu từ nuôi bò
Xác định chăn nuôi là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua Hội Nông dân xã Đại Hồng đẩy mạnh việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Đồng thời, chú trọng việc chuyển dịch những diện tích đất lúa có năng suất thấp sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi bò, mở rộng các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn nhằm tiếp cận thị trường.
Hiện toàn xã có 2.657 hộ nhưng có đến 200 hộ phát triển kinh tế từ nuôi bò.
Ông Nguyễn Phông (thôn Ngọc Kinh Tây) với kinh nghiệm 20 năm nuôi bò cho hay, trước đây chỉ nuôi từ 5 - 7 con bò, thức ăn chính chủ yếu vẫn là cỏ, rơm.
Nhận thấy việc nuôi bò thịt đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, ít bị rủi ro, dễ chăm sóc, cách nay 5 năm ông Phông mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại với quy mô thường xuyên từ 15 - 20 con, trong đó chủ yếu là giống lai Sind.
Theo kinh nghiệm của ông, để nuôi bò đạt kết quả thì việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định.
Ngoài việc tận dụng rơm thì 8ha đất trồng rừng của ông đủ để làm thức ăn cho số lượng bò trên.
Ngoài ra để bò mau lớn, đẹp, ông còn kết hợp cho bò ăn hèm, cám và tắm bò thường xuyên.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi cần tiêm ngừa ít nhất 2 lần để bò không bị bệnh.
Mỗi con bò ông xuất bán ở mức 30 - 35 triệu đồng, trừ các chi phí thu lãi khoảng 15 triệu đồng/con.
Nhờ nuôi số lượng nhiều, mỗi năm ông thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng.
Không riêng gì gia đình ông Phông mà nhiều gia đình ở Đại Hồng đã xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố và mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt từ nguồn thu nhập từ nuôi bò kết hợp với trồng rừng và sản xuất nông nghiệp.
Ông Thia (thôn Ngọc Thạch) cho biết: “Đàn bò của tôi có thời điểm lên đến 20 con, đủ cả bò giống, bò thịt, bò đẻ.
Nhưng vừa rồi gia đình tôi đã xuất chuồng một lứa vì sợ mùa mưa nên hiện còn khoảng 10 con”.
Để có nguồn thức ăn ổn định cho đàn bò, ngoài việc chăn thả ngoài bãi bồi, trên rẫy, gia đình ông còn tận dụng thêm các phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm, lá mía, bắp, đậu… chế biến sử dụng làm thức ăn dự trữ vào mùa mưa.
Ngoài ra, chuồng bò được ưu tiên xây ở vị trí cao ráo, thoáng đãng, đổ trụ bê tông kiên cố, nền láng xi măng, mái lợp tôn, rộng rãi đủ cho cả chục con.
Theo ông Nguyễn Bá Hiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng, hiện toàn xã có 1.600 con bò, trên 500 con trâu.
Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung phát triển đàn bò, tăng đàn bò lai lên 80% tổng đàn.
Đồng thời, chú trọng việc hỗ trợ, kỹ thuật cho người dân, nhân rộng các mô hình nuôi bò sinh sản, bò thịt nhằm đưa nghề chăn nuôi bò trở thành thế mạnh kinh tế của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Còn hơn 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2016, nhưng hiện nay nông dân Làng hoa Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã tất bật xuống giống một số loại hoa dài ngày để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp tết.
Từ năm 2013 đến nay các vùng rau tại Đà Lạt xuất hiện loài chân khớp "lạ" được người dân gọi là "siêu nhân". Đây là đối tượng gây hại khá nghiêm trọng cho nhiều cây rau, hoa, dâu tây.
Sáng 12-10, tại hội nghị giao ban xuất khẩu chín tháng của năm 2015 diễn ra ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bày tỏ lo lắng khi cho rằng hoạt động xuất khẩu trong ba tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Nhờ liên kết chặt chẽ với một công ty trên địa bàn mà nông dân Trần Trung Thứ (52 tuổi, Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã vươn lên làm giàu với việc trồng hoa lan vũ nữ xuất khẩu sang Nhật.
Những ngày qua, các hộ dân sống ven đầm Thủy Triều thuộc bắc bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa đều rất phấn khởi trước vụ nuôi hải sâm năm nay được mùa.