Vay vốn phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp nơi chờ đợi, chỗ thờ ơ
Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, hầu hết nông dân trong tỉnh vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.
Nơi chờ đợi… Theo Quyết định 68, bên cạnh việc mở rộng đối tượng danh mục máy móc, thiết bị được vay vốn ưu đãi thì các điều kiện để nhận hỗ trợ cũng đơn giản hơn.
Các Hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc hộ nông dân chỉ cần được chính quyền cấp xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất thì có thể làm hồ sơ vay vốn đầu tư mua máy móc.
Đây có thể xem là cơ hội lớn để người nông dân và HTX đang thiếu vốn có thể tiếp cận vốn vay.
Đa số nông dân trong tỉnh chưa tiếp cận được vốn vay theo Quyết định 68 để mua sắm máy móc.
Theo đó, cá nhân, tổ chức trực tiếp sản xuất có thể vay để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa và Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất trong vốn vay 2 năm đầu, 50% năm thứ 3.
Tuy nhiên, dù đã được triển khai gần 2 năm, nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn có rất ít nông dân tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi này.
Trong khi đó, vụ đông xuân năm 2015 – 2016 đã sắp bắt đầu và nhu cầu của nông dân trong tỉnh là rất cao.
Ông Đỗ Văn Miền, thôn Giao Thủy, xã Bình Thới (Bình Sơn) cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Bình Thới chỉ có một chiếc máy làm đất, nên đến mùa là phải đi hợp đồng máy ở các nơi khác.
Do đó, khi nghe Hội Nông dân xã thông báo là Nhà nước có chính sách cho vay vốn và hỗ trợ lãi suất để mua máy móc phục vụ nông nghiệp, tôi đã quyết định làm đơn xin vay.
Tuy nhiên, đơn đã gửi từ lâu mà vẫn chưa thấy thông tin gì, trong khi mùa vụ thì đã đến rồi”. Ông Võ Việt Chính – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, thời gian qua việc tiếp cận chính sách vay vốn theo Quyết định 68 của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, để người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn này, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết với Vietcombank Quảng Ngãi trong việc cho vay theo Quyết định 68.
Sắp tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiến hành triển khai xuống các huyện, xã để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn này.
Mặt khác, một trong những điều khiến ông Miền và nhiều nông dân quan tâm nữa là, nếu được vay vốn mua máy phục vụ sản xuất thì mua ở đâu, theo hình thức nào, do Hội Nông dân giới thiệu hay người dân tự mua… Bởi hiện nay, các thông tin về hình thức, cách mua, giá của từng loại máy bao nhiêu vẫn còn rất mập mờ nên nông dân rất khó để quyết định.
… chỗ thờ ơ
Mặc dù Quyết định 68 đã được sửa đổi khá nhiều, nhưng trên thực tế vẫn chưa triệt để, chưa xuất phát từ thực tiễn của nhiều địa phương.
Lâu nay nông dân chuộng các loại máy móc đã qua sử dụng của Nhật Bản.
Vì họ cho rằng, máy cũ có giá hợp lý, chất lượng lại đảm bảo.
Song, những loại máy này không nằm trong danh mục được hỗ trợ lãi suất vay của Nhà nước.
Chính vì thế, nhiều nông dân ở một số địa phương lại tỏ ra thờ ơ với chính sách này. Ông Huỳnh Quận, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) chia sẻ: “Tôi có nghe chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng để tiếp cận được với nguồn vốn này phải mất thời gian lâu.
Trong khi đó, lại bắt buộc phải mua máy mới 100%.
Thế nhưng, máy mới nhập khẩu ở nước ngoài thì giá rất cao.
Hơn nữa, nếu như hư hỏng thì lấy linh kiện đâu để thay thế.
Còn nếu mua máy mới ở trong nước thì chắc gì đã bằng máy cũ của Nhật mà giá thành lại cao hơn gấp hai, ba lần.
Chính vì vậy, tôi thà vay tiền theo các gói tín dụng thương mại bình thường khác để mua máy còn hơn”.
Vietcombank Quảng Ngãi cam kết cho vay
Bà Phạm Thị Thúy Kiều – Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi cho biết: "Hiện tại ngân hàng đã tiến hành cho vay một số trường hợp.
Vì vậy bất cứ đối tượng nào đủ điều kiện vay theo Quyết định 68 thì ngân hàng sẽ tạo mọi điều kiện, hướng dẫn giúp người vay sớm tiếp cận với nguồn vốn".
Để chính sách đi vào thực tiễn, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp thì cần sự linh hoạt hơn nữa trong quy định danh mục các loại máy móc.
Đồng thời, ngân hàng cần tạo cơ chế thông thoáng hơn khi xem xét thế chấp cho vay vốn.
Theo đó, tài sản thế chấp có thể bao gồm máy móc hình thành từ nguồn vốn vay; gắn việc cho vay với các hình thức kinh tế hợp tác...
Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm về trang bị máy móc phù hợp với năng lực sản xuất của địa phương; phối hợp với các tổ chức tín dụng lập kế hoạch cho vay vốn, tránh tình trạng “nhà nhà mua máy, người người mua máy”, gây mất cân đối, không phát huy hết hiệu quả, khó hoàn trả vốn.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, tôm nuôi trước lịch xảy ra hiện tượng bị chết hàng loạt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, như Bình Nam (Thăng Bình), Tam Xuân 1 (Núi Thành), Tam Thanh (Tam Kỳ)... Các mẫu tôm bệnh thu được qua kiểm tra, xét nghiệm đã có 2 mẫu dương tính với vi rút đốm trắng (Tam Kỳ).
Hiện nay, các địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương cấy nốt diện tích lúa còn lại, tiếp tục chăm sóc lúa mới cấy và cây màu vụ Hè - Thu. Đồng thời với việc gieo trồng cây lúa, màu vụ mùa, bà con nông dân còn khẩn trương thu hoạch được 24.699 cây mầu vụ Chiêm - Xuân năm 2008 để kịp thời giải phóng đất cho sản xuất vụ mùa đúng thời vụ.
Sóc Trăng nằm trong vùng biển bồi, hệ thống rừng phòng hộ trên 6.000 ha, mức độ nhiễm mặn khác nhau nên tạo ra điều kiện tốt nhất để các giống loài thủy sản sinh sản, phát triển, tái tạo nguồn lợi cho biển, cho vùng nội đồng.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng tháng 7 ước đạt 2,38 tỉ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 7 tháng đầu năm 2014 lên 17,43 tỉ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản quý I/2013 đã có sự bứt phá mạnh với mức tăng 35% so với năm trước. Tuy nhiên, sang quý II, các DN thủy sản đang vấp phải trở ngại khi cước vận tải biển đi EU đã tăng từ 600 – 1.200 USD/container tùy loại 20 feet hoặc 40 feet.