Hiệu quả bước đầu từ cây thanh long

Chúng tôi đến nhà anh Sơn khi anh đang cùng kỹ thuật viên chăm sóc vườn thanh long rộng lớn, trải dài ngút tầm mắt.
Anh Sơn cho biết, cách đây hơn 10 năm, anh mua đất làm trang trại nuôi bò nhưng không hiệu quả. Hơn 5ha đất đành bỏ trống một thời gian dài.
Năm 2014, trong một lần về thăm người thân ở Bình Thuận, thấy hiệu quả của cây thanh long, anh nuôi ý tưởng đưa loại cây này về trồng ở quê.
Tháng 3-2014, anh nhờ người thân từ Bình Thuận ra Vạn Ninh tìm hiểu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng xem nơi này có hợp với cây thanh long hay không để trồng.
“Ban đầu cũng khá vất vả, tôi phải mua cây giống, thuê khuôn đúc trụ từ Bình Thuận chuyển về và đưa máy xúc, ủi cải tạo đất đai. Trong vòng hơn 1 tháng, 1.100 trụ thanh long đã được trồng trên diện tích hơn 1ha, chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng.
Do chưa có kinh nghiệm nên tôi phải thuê một người chuyên trồng thanh long ở Bình Thuận ra hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây”, anh Sơn chia sẻ.
Cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Sơn
Để trồng thành công cây thanh long, theo anh Sơn, có thể dùng trụ bê tông, trồng 4 thân chia đều theo 4 hướng, nên cắt bỏ phần thịt của dây thanh long giống, chỉ giữ lại phần lõi giữa để tránh úng thối làm chết cây.
Mùa mưa nên khơi thông nước, tránh tù đọng; mùa khô tưới nước phù hợp, dùng cỏ hoặc rơm để ủ giữ ẩm gốc cây; nên tỉa cành sao cho tán cây tỏa đều, cắt tỉa theo nguyên tắc “1 mẹ - 2 con” (1 cành mẹ - 2 cành con).
Khi thanh long ra bông, chỉ nên duy trì 1 trái/dây thanh long để cho quả to, chất lượng ngon nhất. Hiện gia đình anh Sơn đã áp dụng chong điện cho cây thanh long ra trái theo ý muốn.
Sau 1 năm rưỡi, vườn thanh long của anh Sơn phát triển tốt và đã cho trái. Anh Nguyễn Văn Đông, kỹ thuật viên chăm sóc thanh long cho biết:
“Vùng đất Vạn Khánh thổ nhưỡng tốt, đất cát pha khá phù hợp với cây thanh long. Vì vậy, cây phát triển nhanh và đọt to. Cây thanh long thường phải năm thứ 3 mới để trái thu hoạch, có như vậy cây mới khỏe và cho trái đều, bền.
Vườn của anh Sơn mới 1 năm rưỡi đã cho trái với số lượng nhiều nên chúng tôi hầu như cắt bỏ, chỉ giữ lại số ít”. 9 tháng qua, vườn thanh long đã ra trái tới 5 lần, tuy đã cắt bỏ nhiều nhưng anh Sơn cũng thu được hơn 3 tấn, với giá bán ra 15.000 đồng/kg. Chất lượng thanh long thơm ngon, mềm, ngọt dịu.
Anh Sơn cho biết, bước đầu cây thanh long đã mang lại hiệu quả kinh tế. Trung bình mỗi trái đạt 0,5 - 0,7kg, cá biệt có những trái đạt hơn 1kg.
Để tăng hiệu quả của cây thanh long, anh còn mua 28 con bò về nuôi, vừa bán thịt, vừa lấy phân bón. Việc bón phân hữu cơ sẽ giúp cho cây khỏe, ít sâu bệnh và chất lượng trái đậm đà hơn.
Nhận thấy hiệu quả ban đầu từ vườn thanh long nên anh đang cải tạo tiếp hơn 2ha để trồng thêm 1.500 trụ thanh long.
Ông Trần Văn Đệ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Khánh cho biết: “Mô hình trồng thanh long của gia đình anh Sơn thực sự là bước đột phá trong chuyển đổi cây trồng. Bởi trước đây vùng đất thôn Suối Hàng, Vạn Khánh người dân chủ yếu trồng rau củ quả nhưng không hiệu quả và đành bỏ hoang.
Tuy nhiên, khi anh Sơn mạnh dạn đầu tư vào cây thanh long và bước đầu mang lại giá trị kinh tế, chúng tôi rất vui. Đây có thể là hướng đi mới mở ra cơ hội phát triển sản xuất cho bà con vùng đất này”.
Có thể bạn quan tâm

Nắng hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng, trong đó có mía và mì. Nông dân địa phương đang đứng trước nguy cơ thiếu giống mía, mì cho vụ sản xuất mới.

Dịch bệnh trên cây màu tăng Các loại cây chuyển đổi là: mít, dừa, bưởi, cam, xoài, nhãn Ido, chôm chôm, ổi, thanh long, đu đủ…

Ông Đinh Đoan Lởi, ngụ tại xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) là một trong những nông dân đi tiên phong ở tỉnh Đồng Nai thành công trong việc ghép cải tạo, trẻ hóa vườn xoài già cỗi. Ông Lởi chia sẻ: “Những gốc xoài ba mùa mưa gần 20 năm già cỗi, giá giống xoài này lại thấp nên thường phải chặt bỏ. Nhưng tôi đã tận dụng những gốc xoài này để ghép các giống xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái đang được thị trường ưa chuộng, bán với giá cao”.

Trong nuôi hàu, việc chọn vị trí nuôi rất quan trọng, quyết định thắng lợi của việc nuôi. Vùng nuôi phải là ở vùng cửa sông, ít sóng gió, có độ mặn 20-30 phần nghìn, pH thích hợp 7,5-8,5. Nguồn nước sạch, nước lưu thông (có dòng chảy nhẹ), màu nước xanh có nhiều sinh vật phù du. Độ sâu nên chọn vùng hạ triều, chất đáy tương đối cứng.

Nuôi cá trong bồn có nhiều thuận lợi hơn so với nuôi trong ao đất. Trên cùng một diện tích, nuôi cá trong bồn tuy đầu tư chi phí ban đầu có cao hơn nhiều nhưng năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi trong ao đất.