Điểm Sáng Tổ Hợp Tác Trồng Rau An Toàn Đai Tèn (Trà Vinh)
Tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn (RAT) ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành (Trà Vinh) thành lập năm 2010, có 56 thành viên tham gia, trên diện tích 12,5ha. THT chuyên canh tác các loại rau màu như: khổ qua, dưa leo, bầu, bí, ớt chỉ thiên… hàng năm đem về lợi nhuận cho các thành viên khoảng 200 triệu đồng/ha, từ đó đời sống kinh tế của các thành viên ngày càng ổn định.
Chú Võ Thanh Tuấn, thành viên THT cho biết, những năm trước chưa vào THT gia đình chỉ có 0,2ha đất chuyên trồng màu, lợi nhuận không cao, hay còn lỗ vốn do thời tiết không thuận lợi, do không tiếp cận được khoa học kỹ thuật. Năm 2010, khi vào THT trồng RAT Đai Tèn, cũng từ 0,2ha đất trên, hàng năm gia đình thu lợi nhuận trung bình khoảng 60 triệu đồng, cứ sau vụ trồng dưa leo hay các loại rau màu khác, khi thu hoạch song thì tiếp tục cải tạo đất trồng lại, vụ vừa rồi gia đình trồng dưa leo trên 0,2ha đất bán được 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu về lợi nhuận được 30 triệu đồng.
Chú Trương Ngọc Định, thành viên THT cho biết, gia đình tôi chuyên trồng màu thuộc họ dây leo (dưa leo, khổ qua), lúc trước trồng theo kiểu truyền thống, không áp dụng màng phủ nông nghiệp, năng suất bấp bênh. Sau khi vào THT được THT phối hợp với ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng màu theo hình thức an toàn. Điều mà tôi “tâm đắc” nhất: so với cách trồng truyền thống, trồng màu theo hình thức an toàn có áp dụng màng phủ nông nghiệp chiếm nhiều ưu thế hơn, vì kinh phí đầu tư thấp, mà năng suất lại cao. Việc trồng màu bằng màng phủ hạn chế sâu bệnh đến gây hại, giảm lượng phân bón, tiết kiệm một phần chi phí đáng kể trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất cao hơn so với cách trồng thông thường khoảng 40%. Theo cách tính toán của chú Định, nếu như sản xuất theo hình thức thông thường, với 0,2ha đất, một năm chỉ trồng được 02 vụ, còn áp dụng trồng màu an toàn sẽ nâng lên khoảng 03 - 04 vụ/năm. Hiện nay, với giá bán sản phẩm dưa leo, khổ qua tương đối ổn định, từ 3.000 - 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/0,2ha. Chú Định cho biết thêm, trồng màu theo hình thức này không khó, chỉ cần nắm vững các yếu tố kỹ thuật và tiêu chí trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đảm bảo thời gian cách ly sau khi thu hoạch là đạt. Nhờ trồng theo hình thức an toàn nên dư lượng thuốc, phân của sản phẩm luôn được đảm bảo.
Trồng RAT hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật từ 02 - 04 lần/vụ, hệ số sử dụng đất tăng lên 02 lần/năm. Như vậy, việc phun thuốc giảm được 08 - 16 lần/năm, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, ý thức xử lý rác thải của các thành viên được nâng lên… người trồng RAT xây dựng được vườn ươm cây con giống, xác định nguồn gốc và ghi chép quá trình sinh trưởng, giúp việc quản lý dịch hại trên cây trồng tốt hơn. Đặc biệt, những nông dân đã biết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đây là hiệu quả rất lớn từ mô hình RAT an toàn ở Đai Tèn. Trước mắt, xác định trồng RAT là bảo vệ sức khỏe cho người trồng, hạn chế tiếp xúc thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường do những độc tố, chất thải của nông dược, mà nông dân có tập quán canh tác không đúng phương pháp “4 đúng”… Hàng năm, xã Lương Hòa A đều phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn trồng RAT theo nhu cầu của nông dân, để nâng cao kiến thức cho người trồng rau.
Ông Nguyễn Phước Tho, Tổ trưởng THT trồng RAT Đai Tèn nói: Cái hay của THT là được Nhà nước hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, vốn sản xuất, trước khi vào vụ trồng màu, THT đều phối hợp với Công ty giống cây trồng Chánh Nông thành phố Hồ Chí Minh cho các thành viên mua giống trả chậm sau khi bán sản phẩm, ngoài ra các thành viên còn được các ngành chuyên môn tổ chức hội thảo, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây màu, cách tưới nước, bón phân…
Chủ tịch UBND xã Lương Hòa A, ông Lý Văn Tư cho rằng, THT trồng RAT Đai Tèn, đây là một trong những THT đang làm ăn có hiệu quả, cần nhân rộng, THT không những đem về lợi nhuận cao cho người dân mà còn giải quyết được việc làm, chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả trở thành những mảnh đất đem lại kinh tế cao cho gia đình, góp phần xóa nghèo tại địa phương.
Qua khảo sát, các hộ trồng RAT đều lo lắng là sản phẩm RAT bán ra ngoài thị trường khó phân biệt đối với các loại rau thông thường khác. Vì thế, muốn khuyến khích nông dân trồng RAT, trong thời gian tới các ngành chức năng phải có biện pháp, giải pháp như thế nào để khẳng định được giá trị sản phẩm rau an toàn so với các sản phẩm rau thông thường. Mặt khác, hầu hết các sản phẩm RAT sau khi đưa ra thị trường tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu khẳng định sản phẩm đạt chuẩn an toàn để giúp người tiêu dùng mạnh dạn mua.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Văn Tê, ở ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An bắt đầu khởi nghiệp cách đây khoảng 20 năm, gia đình ông chuyên sản xuất lúa, với diện tích khoảng 1,7 ha. Do đặc điểm vùng đất Đức Huệ là vùng đất xám bạc màu, nhiễm phèn, có những nơi nhiễm phèn nặng không thể sản xuất nông nghiệp.
Khi chuẩn bị vào vụ chế biến mía đường 2013-2014, hầu hết nông dân trồng mía tỏ ra không vui khi các nhà máy công bố chính sách thu mua với giá thấp hơn vụ trước gần 10%. Một số người trồng mía dự tính sau khi thu hoạch xong sẽ chuyển sang trồng mì.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh vừa tổng kết mô hình “Trình diễn khắc phục bệnh chổi rồng trên cây nhãn tiêu da bò” trên diện tích 3ha tại ấp Phú An (xã Bình Hòa Phước - Long Hồ - Vĩnh Long).
Bước vào mùa nắng, dừa uống nước tăng giá từ 30.000 - 35.000 đồng/chục 12 trái tháng trước lên 50.000 - 55.000 đồng/chục hiện nay.
Trong khi người dân đang loay hoay trên vùng đất đai rộng lớn nhưng không biết trồng cây gì thì mô hình trồng cây chanh leo của gia đình anh Nguyễn Văn Minh và chị Võ Thị Thu Hồng được mọi người quan tâm vì tính hiệu quả đem lại của nó.