Đột Phá Vào Giống Và Thức Ăn
Trong mấy năm gần đây, nhất là 6 tháng đầu năm nay ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá đầu vào liên tục tăng còn đầu ra thì bấp bênh, giá giảm...
Giải quyết những khó khăn này như thế nào? Phóng viên NTNN trao đổi với TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ NNPTNT).
Tiến sĩ Sơn cho biết: Vai trò của Viện là tạo ra con đầu dòng, cụ kỵ, ông bà và bố mẹ, vì thế nếu nói cung ứng về mặt số lượng, chúng tôi khó có thể cạnh tranh với các đơn vị, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài. Nhưng chúng tôi có thể cung cấp một số dòng giống chuyên biệt, những giống mà Việt Nam có lợi thế.
Rất nhiều khó khăn của ngành chăn nuôi những năm gần đây và 6 tháng đầu năm 2013 đã được phản ánh. Theo ông cần làm thế nào để vực dậy ngành chăn nuôi, giúp ngành phát triển và phát triển bền vững?
- Chúng ta phải thừa nhận rằng, 6 tháng đầu năm nay bà con nông dân phải gồng mình lên chống chọi với “bão giá” mà là “bão giá” đi xuống chứ không phải đi lên. Đây là xu thế chung của ngành chăn nuôi không chỉ trong nước mà còn là của thế giới do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
Nhiều trang trại chăn nuôi lợn ở Canada, Pháp cũng bị lỗ, có khoảng 10- 15% trang trại phải đóng cửa. Tuy nhiên, liên tiếp những khó khăn của chăn nuôi trong nước cho thấy ngành đã bộc lộ những tồn tại và yếu kém nhất. Khả năng cạnh tranh thấp vì năng suất thấp, giá đầu vào cao (giá thức ăn cao hơn thế giới từ 10- 15%; giá giống cũng cao…).
Bây giờ đã qua thời kỳ “đếm trứng ăn tiền” như một số thời điểm trước đây. Vì thế, trước mắt và lâu dài, tôi cho rằng cần đột phá vào 2 yếu tố quan trọng là giống và thức ăn. Thực tế, chúng tôi tham mưu cho Bộ trưởng Bộ NNPTNT là, trong những năm tới giống chăn nuôi phải là khâu đột phá. Viện chúng tôi sẽ tập trung vào các nhóm giống như gà thả vườn, lợn và những dòng chuyên biệt, bò chất lượng cao phục vụ gia trại, trang trại, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ.
Phát triển chăn nuôi tập trung
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đặt mục tiêu: Từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (trung du, miền núi), hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
T.L
Như thế liệu có đủ điều kiện để các gia trại, trang trại của nông hộ đủ sức “đối đầu” với các tập đoàn mạnh, nhất là của nước ngoài đầu tư?
- Chúng tôi sẽ khai thác những giống nội địa mà các tập đoàn nước ngoài không thể có. Đồng thời, đi vào nghiên cứu các dòng giống mang thương hiệu và phù hợp với từng địa phương, vùng miền như gà đồi Yên Thế, một số giống lợn. Có thể không đáp ứng được thị phần 70- 80% thì chí ít cũng đạt khoảng 45- 50%.
Về thức ăn thì hiện nay giá bán cao và liên tục tăng, nhiều nguyên liệu phải nhập khẩu. Để giảm giá thành chăn nuôi, Bộ NNPTNT có yêu cầu Cục Chăn nuôi và các đơn vị phải công bố công thức phối trộn thức ăn. Vậy đến nay chúng ta đã có công thức này chưa?
- Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào lĩnh vực dinh dưỡng, nghiên cứu khẩu phần ăn hợp lý nhất cho chăn nuôi nông hộ, theo hướng là sử dụng những nông sản sẵn có như ngô, lúa, khoai… cộng với các chất phụ. Đặc biệt, tới đây chúng tôi tôi sẽ đưa ra công thức phối trộn thức ăn trước hết để phục vụ cho chăn nuôi nông hộ và gia trại; đồng thời nghiên cứu các giống cỏ, các khẩu phần thức ăn thô xanh vỗ béo cho gia súc nhai lại. Tăng cường giống chất lượng cùng với việc sử dụng khẩu phần ăn hợp lý sẽ giúp giá đầu vào giảm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt. Với riêng lĩnh vực chăn nuôi, trong bối cảnh như hiện nay, Viện sẽ tái cơ cấu như thế nào góp phần vào thành công của đề án tái cơ cấu của ngành nông nghiệp?
- Có thể nói chưa bao giờ ngành nông nghiệp được Chính phủ và người dân quan tâm như hiện nay. Sau khi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Thủ tướng phê duyệt, Viện chúng tôi cũng được Bộ NNPTNT giao một số nhiệm vụ. Trước mắt, chúng tôi sẽ xem xét, rà soát lại chiến lược nghiên cứu, sớm hoàn thiện căn cứ vào đề án của Chính phủ, của Bộ NNPTNT làm cơ sở pháp lý nghiên cứu trung hạn và dài hạn. Mục tiêu của Viện là trong từng giai đoạn (5 năm), các trung tâm, bộ môn phải có sản phẩm cụ thể để gắn với đề án tái cơ cấu. Đây cũng là nhu cầu tất yếu và là sự sống còn đối với các trung tâm, bộ môn và của Viện Chăn nuôi
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, thương lái từ các nơi đổ về Đồng Nai hỏi mua củ mì tươi tại ruộng với giá 2.600 đồng/kg, tăng hơn 1 ngàn đồng/kg so với cuối năm 2012. Giá củ mì tươi tăng cao là do nhu cầu sử dụng mì lát khô tại các nhà máy trong nước tăng và nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện nay ít hộ nông dân có mì để bán.
Trong 3 tháng qua, Trạm Khuyến nông huyện Hoà Thành (Tây Ninh) tổ chức trình diễn sản xuất nấm sò tại 2 điểm ở xã Trường Hòa và Trường Tây.
Trong khuôn khổ đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm linh chi”, vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Định tổ chức hội thảo để phát triển sản phẩm nấm linh chi.
Rau VietGAP ra chợ truyền thống vừa giải quyết đầu ra cho người trồng và các HTX vừa hướng người tiêu dùng đến sử dụng sản phẩm an toàn
Bình Đại có diện tích vườn dừa khá lớn của tỉnh Bến Tre, với hơn 5.991ha, trong đó diện tích cho trái chiếm 5.234ha, sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt 50 triệu trái.