Hiện Trạng Và Triển Vọng Phát Triển Của Cây Sơ Ri Gò Công (Tiền Giang)
Nguồn gốc và phân bố của cây sơ ri
Cây sơ ri (tên khoa học là Malpighia emarginata DC, tiếng Anh là acerola) có nguồn gốc ở Yucatan (Đông Nam Mexico), đã được trồng ở nhiều nơi như: Nam Peru, Đông Nam Brazil, các Bang Texas và Florida (Hoa Kỳ), Quần đảo Canary, Ghana, Ethiopia, Madagascar, Zanzibar, Sri Lanka, Taiwan, India, Indonesia, Hawaii, Australia, Việt Nam…
Theo Alves e. Ricardo (2004), tổng diện tích trồng sơ ri của Brazil là 10.000 ha, có lẽ là nước trồng sơ ri nhiều nhất trên thế giới và đã xuất khẩu các sản phẩm từ trái sơ ri sang các nước: Nhật, Hoa kỳ, Đức, Pháp, ước tính sản lượng xuất khẩu chiếm từ 37 - 43%, tương ứng 12.800 tấn
Tại Việt Nam, cây sơ ri được trồng nhiều nhất ở khu vực Gò Công (Tiền Giang) và một số xã thuộc tỉnh Bến Tre. Tại khu vực Gò Công, theo Trung tâm Nghiên cứu cây sơ ri, trong năm 2012, diện tích trồng sơ ri của khu vực này khoảng 276 ha; trong đó giống sơ ri chua truyền thống của Gò Công là 134 ha, giống sơ ri ngọt là 104 ha và giống sơ ri chua nhập nội là 38 ha (bắt đầu trồng thử nghiệm tại khu vực Gò Công từ năm 2007, được bà con nông dân gọi là giống sơ ri chua mới, giống sơ ri chua Brazil...).
Tại Bến Tre, giống sơ ri ngọt được trồng chủ yếu tại các xã thuộc TP. Bến Tre, huyện Châu Thành và một ít ở huyện Giồng Trôm, tổng diện tích 233 ha.
Cây sơ ri có ưu điểm là cho thu hoạch trung bình 7 - 8 đợt trái trong năm, do vậy khả năng mất trắng thu hoạch trong năm là gần như không có. Trong điều kiện đất đai và sinh thái của vùng Gò Công, cây sơ ri chua truyền thống có thể cho trái từ tháng thứ 8 - 9 sau khi trồng, năng suất sẽ tăng dần theo thời gian, với tuổi cây từ 3 năm trở lên, năng suất trái có thể đạt trung bình từ 30 - 50 tấn/năm.
Một vấn đề khó cho người trồng là có thể không đủ công hái trái cho mỗi đợt thu hoạch, nếu trồng với diện tích lớn (hơn 1 ha). Trái sơ ri chua Gò Công của Việt Nam đã được xuất khẩu chủ yếu sang Nhật từ hơn 20 năm qua, một ít sang Trung Quốc và châu Âu thường dưới dạng trái đông lạnh và nước quả cô đặc.
Chất lượng trái sơ ri
Cây sơ ri được quan tâm nhiều vì cực kỳ giàu vitamin C. Các kết quả phân tích tại Brazil cho thấy hàm lượng vitamin C của trái sơ ri biến đổi từ 900 - 3.000 mg/100g nước ép, tùy theo giống. Tại Việt Nam, kết quả phân tích cho thấy hàm lượng vitamin C cũng thay đổi tùy theo giống và mùa vụ thu hoạch, thường từ 400 - 1.100 mg/ 100g nước ép quả sơ ri, theo thứ tự hàm lượng vitamin C từ thấp đến cao của các giống trồng ở khu vực Gò Công là: Giống sơ ri ngọt từ 400 - 600 mg, giống sơ ri chua Gò Công truyền thống từ 600 - 800 mg, giống sơ ri chua Brazil từ 800 - 1.100 mg/ 100g nước ép của trái sơ ri.
Trái sơ ri thu hoạch trong mùa khô thường có hàm lượng vitamin C cao hơn trong mùa mưa. Một so sánh khá thú vị là chỉ cần một giọt nước ép của trái sơ ri là có lượng vitamin C bằng với lượng vitamin C của cả trái cam, trong khi đó vitamin C tự nhiên trong trái cây được cho là tốt hơn nhiều so với vitamin C tổng hợp. Nước ép trái sơ ri cũng còn được dùng phối trộn với nước ép của các loại trái khác nhằm tăng hàm lượng vitamin C.
Một yếu tố quan trọng khác về chất lượng trái sơ ri là chất chống oxy hóa. Kết quả phân tích ở Brazil cho thấy, trong 11 loại trái được trồng phổ biến tại nước này, trái sơ ri được xếp hạng 1 về số lượng chất chống oxy hóa.
Trọng lượng trung bình của trái sơ ri chua Gò Công từ 4 - 5g, trọng lượng hạt phải bỏ đi là 0,5 g, với hàm lượng vitamin C từ 600 - 800 mg/100g nước ép. Theo USDA, nhu cầu vitamin C trong 1 ngày của một người trưởng thành khoảng 50 mg, như vậy mỗi ngày một người chỉ cần ăn 4 trái sơ ri chua hoặc 5 trái sơ ri ngọt là có dư nhu cầu Vitamin C của cơ thể.
Triển vọng của việc trồng cây sơ ri tại vùng Gò Công
Về thu nhập của người trồng sơ ri, đặc biệt là ở khu vực Gò Công, trong nhiều năm qua (nhất là trong các năm 2011- 2013) đã không ổn định. Nguyên nhân là do giá thu mua luôn biến động, vì thế diện tích và năng suất vườn cây sơ ri cũng theo chiều hướng giảm; do nhà vườn ít bỏ công đầu tư chăm sóc và bón phân.
Một so sánh đơn giản giữa việc canh tác lúa và trồng cây sơ ri trong cùng địa phương thuộc khu vực Gò Công cho thấy: 1 ha lúa với 3 vụ/năm, nông dân có thể thu hoạch được từ 15-18 tấn/năm, so với 1 ha sơ ri từ 3 năm tuổi trở lên, nhà vườn có thể thu được từ 30 - 50 tấn/năm.
Với giá lúa trung bình 5.000 đồng/kg và sơ ri trung bình 4.000 đồng/kg, ta có thể thấy thu nhập của người trồng sơ ri cao hơn nhiều so với người trồng lúa, trong khi chi phí cho việc canh tác một vụ lúa thường cao hơn so với việc đầu tư cho vườn cây sơ ri đang thời kỳ thu hoạch.
Hiện nay, Công ty Nichirei Suco Việt Nam (thuộc Tập đoàn Nichirei của Nhật Bản) đang xây dựng nhà máy chế biến trái sơ ri tại xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông. Khi hoàn thành vào năm 2014, công ty sẽ tổ chức mua trái sơ ri chua Gò Công thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sơ ri hoặc các đại lý. Khi nhà máy hoạt động ổn định, sản lượng trái tươi nhà máy mua sẽ từ 3.000 - 4.000 tấn/năm.
Các nông hộ trồng sơ ri sẽ được sự hỗ trợ về chuyên môn (kỹ thuật chăm sóc để gia tăng năng suất và quản lý sâu bệnh hại để bảo đảm an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của Trung tâm Nghiên cứu cây sơ ri (Tọa lạc tại ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, trực thuộc Công ty Nichirei Suco Việt Nam).
Hy vọng người trồng sơ ri sẽ có thu nhập khá, cây sơ ri sẽ phát triển ổn định, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 28/8/2015, tại xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh thanh long bền vững.
Bộ NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp cận các thị trường tiềm năng để xuất khẩu (XK) thủy sản. Nhiều thị trường đã thông suốt về thủ tục, nhưng XK được nhiều hay ít còn phụ thuộc nhu cầu thực sự của các thị trường này.
Ngành chăn nuôi sẽ khó trụ vững khi nhiều dòng thuế nhập khẩu sẽ chạm mức bằng không.
Đang chính vụ khai thác, nhưng không khó để bắt gặp cảnh tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân miền Trung nằm bờ san sát. Nhiều đội tàu thiếu bạn thuyền hàng tháng trời vì chi phí không bù lỗ nổi.
Mặc dù hàng Việt hiện đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối ở Việt Nam nhưng nhiều ý kiến chuyên gia nhận định con số này chưa thực sự bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay.