Trồng Đậu Phộng Dại Trong Vườn Tiêu
Trong khi nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai) còn e ngại khi đưa đậu phộng dại (còn gọi là lạc dại, cỏ lạc, cỏ đậu phộng, cỏ đậu, lạc tiên...) vào trồng xen trong vườn tiêu và các loại cây trồng khác vì nghĩ rằng đậu phộng dại sẽ hút hết chất dinh dưỡng của các loại cây trồng, thì tại vườn tiêu của gia đình ông Hoàng Văn Lập ở ấp Trường An, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), đậu phộng dại đã được ông trồng phủ xanh kín cả khu vườn, giúp cho cây tiêu phát triển tốt hơn.
Ông Hoàng Văn Lập cho biết: “Tôi bắt đầu trồng đậu phộng dại trong vườn tiêu từ mùa mưa năm 2009, lúc đầu tôi chỉ trồng thử nghiệm 2 ngàn m2. Tôi nhận thấy trồng đậu phộng dại giúp giữ ẩm cho tiêu, cả tuần không tưới mà cây tiêu vẫn tươi tốt không bị héo. Thấy hiệu quả nên tôi đã trồng hết toàn bộ diện tích vườn 1,5 hécta còn lại vào mùa mưa năm 2010 đến nay”.
Việc trồng đậu phộng dại trong vườn tiêu mang lại rất nhiều lợi ích, bởi cây đậu phộng dại không hút chất dinh dưỡng và không gây hại cho cây khác, trái lại cây đậu phộng dại cải tạo đất rất tốt. Trồng đậu phộng dại cũng giống như trồng dây khoai lang, tỷ lệ sống gần như đạt 100%.
Sau khi trồng khoảng 1 năm, đậu phộng dại phát triển xanh tốt, người trồng tiêu có thể cắt và ủ vào gốc tiêu để giữ độ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây tiêu. Kỹ sư Nguyễn Viết Thê, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Trảng Bom, cho biết: “Trồng đậu phộng dại trong vườn tiêu giúp nông dân tiết kiệm được lượng nước ngầm đang ngày một khan hiếm tại địa phương. Hiện chúng tôi đang khuyến cáo nông dân nhân rộng mô hình này”.
Ngoài việc giữ độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới vào mùa khô, việc trồng đậu phộng dại còn có một số tác dụng khác, như: tổng hợp chất dinh dưỡng, giúp chuyển đổi đạm khó hấp thu thành đạm dễ hấp thu cung cấp lại cho cây trồng, giúp cải tạo đất, làm đất tơi xốp hơn.
Ngoài ra, đậu phộng dại cũng có thể làm thức ăn cho bò, dê, tăng vẻ mỹ quan cho khu vườn vì lạc dại nở hoa vàng rất đẹp.
Có thể bạn quan tâm
5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Đại Tự, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã hoàn thành 19 tiêu chí, cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt hơn 94%...
Tôi cho rằng, 3 vấn đề cốt lõi trong việc tái cơ cấu ngành lúa gạo hiện nay là: Giống, hệ thống canh tác và việc phát triển hậu cần, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Xã Hồng Thái (Na Hang - Tuyên Quang) nằm ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, địa hình núi cao có độ dốc lớn.
Cà phê, hồ tiêu được bón phân bón Văn Điển sẽ hồi phục nhanh, bộ rễ tái sinh mạnh, đặc biệt bộ rễ cám tiếp thu nhiều chất dinh dưỡng vào các đợt bón phân đầu mùa mưa, giúp cây phát triển khoẻ, từ đó cho năng suất và chất lượng cao.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng vào ngày 13.11.