Từ khi hiện diện tại khu vực Tây Nguyên cho đến nay, chưa bao giờ giá hồ tiêu lại cao như niên vụ thu hoạch 2012. Nhiều nông hộ ở các vùng trọng điểm hồ tiêu tại các tỉnh Gia Lai, Đắc Nông, Đắc Lắc đã vụt trở thành tỷ phú chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đi liền với việc đổi đời mau chóng này là tình trạng phá rừng, phá vườn cà phê để mở rộng diện tích hồ tiêu.
Hồ tiêu lấn cà phê
Dù đang vào cuối mùa khô, nhưng thời tiết ở Tây Nguyên dường như càng nóng hơn bởi cơn sốt hồ tiêu. Giá tiêu cao ngất ngưởng, lãi cao, khiến người nông dân phải cân nhắc với cây cà phê. Vì thế, đã có hàng trăm hécta cà phê bị phá bỏ để chuyển sang hồ tiêu.
Có mặt tại vùng hồ tiêu nổi tiếng Chư Pưh, Chư Sê (tỉnh Gia Lai), chúng tôi chứng kiến hàng trăm hộ nông dân trồng tiêu phất lên thành tỷ phú một cách nhanh chóng chỉ sau một vụ thu hoạch. Chỉ vào những bao tiêu đã được phơi khô, đóng gói đang chờ thương lái đến chở đi, anh Nguyễn Văn Hiền, ngụ tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) hồ hởi khoe: “Gia đình tôi có khoảng 5 sào tiêu đang cho thu hoạch, với hơn 500 trụ tiêu, năng suất bình quân đạt hơn 5 tạ/sào.
Với giá tiêu đang ở mức cao như hiện nay (gần 130.000 đồng/kg), sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, gia đình thu lãi cả trăm triệu đồng. Nếu tất cả diện tích đất của gia đình đều được trồng tiêu thì đã giàu to rồi”. Trong niềm vui được mùa, được giá, anh Hiền không ngần ngại bật mí về kế hoạch phá bỏ hơn 2 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh để lấy đất trồng tiêu.
Theo anh Hiền, trồng cà phê lúc này “không ăn” bằng hồ tiêu. Với cây hồ tiêu, nếu may mắn được mùa, được giá, thì chỉ cần một vụ thắng lợi, cơ hội đổi đời đã nằm trong tầm tay.
Còn ông Lê Đình Tiệp ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắc Lắc) đã phá gần 1 ha cà phê đang thời kỳ cho trái. Tính cả cuối năm ngoái, diện tích cà phê ông chặt bỏ đã hơn 1,5 ha để thay thế bằng cây hồ tiêu. Ông Tiệp cho biết, trồng tiêu lãi hơn cà phê rất nhiều. Giờ giá cà phê trồi sụt liên hồi, bán được giá may ra lãi chỉ được 1/4, phần lớn nông dân trồng cà phê lấy công làm lãi. Còn tiêu dù có rớt giá vẫn lời, không có chuyện ế hàng.
Vì vậy, không chỉ riêng hộ ông Tiệp, hàng chục hộ dân ở đây cũng đã chuyển đổi cà phê sang trồng tiêu. Nhiều người còn chặt luôn cả vành đai cây che bóng mát để trồng thêm mấy trụ tiêu.
Ngày trước, để trồng hồ tiêu người nông dân tạo trụ bằng cây sống nhằm mang tính lâu dài. Nhưng với giá hồ tiêu đang nhích lên từng ngày như hiện nay, việc trồng tiêu bằng trụ sống không còn hợp thời do mất nhiều thời gian. Thay vào đó là trụ tiêu làm bằng gỗ và xi măng. Vì thế, người dân lại đổ xô vào rừng chặt cây làm trụ tiêu.
Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đến nay, người dân ở huyện biên giới Chư Prông (tỉnh Gia Lai) ồ ạt vào các cánh rừng thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng hộ Ia Mơr đốn những cây gỗ lớn về làm trụ tiêu. Trong những ngày này, đi qua các xã Ia Ga, Ia Tôr, Ia Pia (huyện Chư Prông), người đi đường sẽ bắt gặp cảnh dân địa phương lái xe công nông chở cây rừng về nhà đông như... trẩy hội.
Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Nông, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 300 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại hơn 200 ha rừng tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk R’lấp, Krông Nô... Phần lớn các vụ phá rừng đã bị lực lượng chức năng phát hiện là để lấy gỗ làm trụ tiêu.
Vỡ quy hoạch
Tỉnh Gia Lai hiện có gần 6.000 ha hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh, tập trung phần lớn ở hai huyện Chư Sê và Chư Pưh. Niên vụ 2009 - 2010, giá tiêu tăng đột biến từ 35.000 đồng/kg đầu vụ lên 90.000 đồng/kg cuối vụ. Đến vụ 2010 - 2011, giá tiêu tiếp tục tăng lên đến đỉnh điểm là 120.000 đồng/kg. Cho đến đầu vụ tiêu năm nay, giá đang dao động ở mức trên dưới 130.000 đồng/kg và đang có chiều hướng tiếp tục tăng.
Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn còn lãi hơn 2/3. Còn theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Nông, từ đầu năm 2011 đến nay, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã trồng mới gần 600ha hồ tiêu. Trong đó, địa phương có diện tích cây hồ tiêu trồng mới nhiều nhất là huyện Đắk Song với 378 ha, kế đến là huyện Krông Nô 45 ha, Cư Jút 40 ha, Đắk Glong 20 ha…
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Lắc, trong quy hoạch của tỉnh, diện tích cây hồ tiêu chỉ ở mức 5.000 ha, nhưng hiện đã phát triển lên hơn 6.000 ha. Diện tích hồ tiêu chủ yếu tăng đột biến trong thời gian một hai năm gần đây, khi giá tiêu không ngừng tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT cho biết, tình trạng nông dân ở Tây Nguyên tự phát tăng diện tích một số loại cây trồng là điều rất đáng lo ngại, bởi dễ dẫn đến thiệt hại không chỉ cho bà con mà còn cho cả doanh nghiệp. Ngành chức năng đã khuyến cáo các cấp chính quyền ở địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bà con dừng mở rộng diện tích cây trồng không theo quy hoạch, thay vào đó là tập trung thâm canh tăng năng suất từng loại cây trồng ổn định.
"Quy hoạch bị phá vỡ đồng nghĩa với rủi ro sẽ xuất hiện như rớt giá, sản phẩm không đáp ứng yêu cầu chất lượng… và thiệt thòi vẫn chính là người nông dân" - Ông Phan Hùng Cường, Phó phòng Trồng trọt - Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Lắc.