Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn Phù Hợp Với Xu Hướng Hiện Nay

Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn Phù Hợp Với Xu Hướng Hiện Nay
Ngày đăng: 12/02/2014

Trên những cánh đồng rau theo mô hình sản xuất an toàn khu vực ngoại thành Hà Nội, ta dễ dàng bắt gặp những màu xanh mướt đầy sức sống. Trong không khí chào đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, tìm về vùng rau này, chúng tôi đã bắt gặp một không khí khẩn trương của những ngày thu hoạch vụ rau, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu rau cho người tiêu dùng trong dịp Tết.

Được biết, trong thời gian trở lại đây, sản xuất rau an toàn (RAT) không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, tạo uy tín cho người tiêu dùng mà góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thực tiễn thành công của một số mô hình sản xuất RAT đã cho thấy việc nhân rộng và phát huy hiệu quả của mô hình này là cần thiết.

Hiệu quả bước đầu của mô hình sản xuất RAT

Hiệu quả của mô hình sản xuất RAT đã được chứng minh khá rõ ràng qua thành công của các mô hình đã và đang triển khai hiện nay trên khắp cả nước. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình sản xuất RAT vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì từ lâu nay bà con đã làm theo cách truyền thống, trồng cây và chờ ngày thu hoạch chứ không chú ý đến việc áp dụng các quy trình nghiêm ngặt của trồng rau an toàn.

Bên cạnh đó, sản xuất của nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc áp dụng quy trình sản xuất RAT chưa rộng rãi, phần lớn mới dừng lại ở các mô hình. Nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm RAT còn hạn chế. Thêm vào đó, chi phí sản xuất RAT cao hơn so với trồng rau truyền thống từ 10-20%, phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo, trong khi sản xuất thông thường vẫn tiêu thụ được sản phẩm một cách dễ dàng nên họ chưa mặn mà với việc trồng RAT.

Hơn nữa, sản phẩn chủ yếu bán lẻ, trôi nổi ngoài thị trường, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhãn mác nên rất khó khăn tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đây là những trở ngại khiến cho việc phát triển RAT trên diện rộng càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) không phải vì khó khăn, thách thức và trở ngại trên mà chúng ta không tập trung nhân rộng và phát triển. Việc nhân rộng mô hình cũng là cách để làm phong phú các loại rau, củ, quả với sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Đó cũng chính là góp phần tạo phong trào trồng rau sạch chất lượng cao theo hướng hàng hóa, phá bỏ thói quen canh tác cũ cho sản phẩm kém chất lượng và gây nhiều hoài nghi cho người tiêu dùng.

Bởi người dân khi tham gia sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP đòi hỏi phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu chuẩn bị đất trồng, chọn giống, gieo trồng và chăm sóc cho tới khi thu hoạch. Không những thế, việc sản xuất RAT còn góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, hiệu quả của mô hình sản xuất RAT đã rất rõ ràng. Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, những năm qua, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập cao nhờ đầu tư xây dựng mô hình sản xuất RAT. Tỉnh đã tiến hành quy hoạch vùng RAT với quy mô lớn, dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng tổng diện tích gieo trồng rau khoảng 11 nghìn ha, sản lượng hơn 160 nghìn tấn, trong đó 50% diện tích được sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời sẽ hình thành 17 vùng sản xuất RAT tập trung với diện tích canh tác 120ha. Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu cho phát triển RAT tập trung lên đến trên 341 tỷ đồng, nâng giá trị sản xuất rau trên 200 tỷ đồng/năm.

Hay như tại tỉnh Ninh Bình, mô hình liên kết sản xuất rau sạch cũng phát huy hiệu quả và cần được nhân rộng bởi kết quả khảo sát tại địa phương này cho thấy, cái được lớn nhất của người trồng rau nơi đây đó là giữ được môi trường trong sạch, đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và sản phẩm đầu ra an toàn cho người tiêu dùng.

Còn phải kể đến Vĩnh Phúc cũng đang tích cực mở rộng mô hình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy mô vùng sản xuất RAT của xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã được mở rộng. Toàn xã Vân Hội có trên 130 ha trồng rau, trong đó diện tích được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trên 67 ha với 603 hộ tham gia, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là gần 45 ha với số hộ tham gia là 483 hộ.

Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) cũng tích cực nhân rộng sản xuất rau an toàn bởi mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân Diễn Châu. Đặc biệt, từ năm 2013 nhờ đẩy mạnh tuyên truyền và mở lớp tập huấn về sản xuất RAT, nên đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân trong việc sản xuất rau sạch.

Thu nhập của nhiều hộ nông dân đã thu từ 5 - 7 triệu đồng/sào. Giá trị sản xuất rau mỗi năm của Diễn Châu đạt trên 120 tỷ đồng, tăng hơn so với sản xuất truyền thống khoảng 20 tỷ. Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa Diễn Châu sẽ tập trung mở rộng diện tích cánh đồng mẫu, trong đó sản xuất RAT sẽ là một trong những cây trồng mũi nhọn góp phần đưa ngành nông nghiệp Diễn Châu phát triển bền vững hơn.

Cần thiết phải nhân rộng mô hình sản xuất RAT

Đề cập tới việc cần thiết phải nhân rộng mô hình RAT, Cục chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện nay, việc đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe của người dân được nêu lên hàng đầu trong khi các mô hình thí điểm sản xuất – tiêu thụ RAT còn rời rạc, do đó, rất cần nghiên cứu, tổng kết các dự án, mô hình để đề ra giải pháp toàn diện, hiệu quả.

Thống kê của Cục chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối cho thấy, tính đến nay, tổng diện tích sản xuất RAT và theo hướng an toàn là 31.600 ha (26,3% diện tích chuyên canh), 491 ha được cấp giấy chứng nhận theo các GAP, 6.310 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, 16.797 ha sản xuẩt RAT nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, 7.996 ha đã được quy hoạch để sản xuất RAT.

Việc sản xuất RAT hiện nay có nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Theo đó, nhân rộng các mô hình RAT là hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại, cộng với việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, là nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng cả nước cũng như nhu cầu tiêu dùng thế giới.

Tuy nhiên, không tránh khỏi khó khăn khi hiện vẫn còn nhiều nội dung phải bàn xung quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tập quán canh tác nhỏ lẻ, thủ công của người dân cũng như khó khăn trong phát triển hạ tầng thương mại.

Tuy nhiên, theo dự án phát triển RAT giai đoạn 2013-2015 do Cục chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối chủ trì, mục tiêu chung được đặt ra là xây dựng cơ chế, chính sách làm động lực thúc đẩy hình thành các mối liên kết kinh tế giữa người trồng rau và nhà kinh doanh. Trong đó, xây dựng bộ cơ chế, chính sách phù hợp kích thích phát triển liên kết sản xuất, sơ chế, tiêu thụ RAT.

Cụ thể, đến 2015, hoàn thiện hệ thống cung cấp RAT, đảm bảo 60% nhu cầu rau của Hà Nội; đến 2020, đảm bảo 100% nhu cầu rau của Hà Nội, nhân rộng mô hình ra cả nước.

Để làm được như vậy, Cục chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, sẽ tập trung tổ chức lại hệ thống sản xuất theo quy hoạch, tăng cường giám sát an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất rau, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại để tiêu thụ RAT, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ RAT, xây dựng mô hình gắn kết sản xuất với chế biến tiêu thụ, thực hiện sản xuất rau có chứng nhận tại các vùng sản xuất rau chuyên canh và luân canh.

Tuy nhiên, để việc nhân rộng mô hình sản xuất RAT thật sự bền vững, Cục chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối đề xuất một số chính sách và giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường công nghệ, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cũng như quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đó, nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ, cần thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp mà ở đó, doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi để đầu tư vật tư và chi phí sản xuất cho nông dân. Song song, khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện các dự án khuyến nông/khuyến công dạy nghề cho nông dân theo hướng có tỷ lệ phân bổ kinh phí khuyến nông/khuyến công thông qua doanh nghiệp trong nguồn kinh phí Nhà nước cấp từ Trung ương đến địa phương.

Để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đối với cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, cần xem xét đưa các vùng sản xuất RAT tập trung chuyên canh được đầu tư cơ sở hạ tầng như trong chương trình nông thôn mới. Đối với sơ chế, bảo quản, đưa sơ chế rau vào hạng mục/dự án đầu tư được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất và vay vốn. Đối với hệ thống bán lẻ RAT, có chính sách hỗ trợ về tài chính, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, ân hạn 2 năm cho các doanh nghiệp kinh doanh thuê nhà/đất để mở cửa hàng RAT.

Thêm vào đó, tập trung vào các giải pháp khoa học công nghệ về giống, về kỹ thuật canh tác cũng như đẩy mạnh các hoạt động về xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất RAT, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.

Cuối cùng, cần tăng cường năng lực để các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh RAT tự vận hành hệ thống kiểm tra chất lượng nội bộ, xây dựng lộ trình và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các tiêu chí an toàn thực phẩm cho sản phẩm và cơ sở sơ chế rau phù hợp với trình độ phát triển công nghệ và khả năng đầu tư trong nước.


Có thể bạn quan tâm

Trái cây rẻ như cho tràn ngập đường phố Sài Gòn Trái cây rẻ như cho tràn ngập đường phố Sài Gòn

Những ngày gần đây, trên các nẻo đường của TP.HCM tràn ngập các loại trái cây mùa hè. Đang vào mùa thu hoạch rộ nên thị trường bị ế ẩm và rớt giá mạnh. Rất nhiều loại trái cây chỉ vài ngàn đồng/kg và được đổ đống bán từ chợ, các xe bán dạo cho đến các vỉa hè.

10/06/2015
Không có chuyện cá tra trở lại danh sách đỏ của WWF Không có chuyện cá tra trở lại danh sách đỏ của WWF

Việc WWF Thụy Sỹ đưa cá tra trở lại vào danh sách đỏ là không đúng và do lỗi kỹ thuật từ bộ phận quản lý website của WWF quốc tế

10/06/2015
Giá ớt xuất khẩu tại Bình Định tăng mạnh Giá ớt xuất khẩu tại Bình Định tăng mạnh

1kg ớt loại được các cơ sở ở Phù Mỹ, Bình Định mua với giá 22.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây và cao gấp đôi so với vụ trước.

10/06/2015
Bọc vải bằng màng sinh học để dành được cả tháng Bọc vải bằng màng sinh học để dành được cả tháng

Dự án thí điểm bảo quản trái vải tươi sau thu hoạch bằng công nghệ màng sinh học sẽ triển khai lần đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang.

10/06/2015
Mới đầu vụ thanh long đã rớt giá Mới đầu vụ thanh long đã rớt giá

Do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, giá mỗi kg thanh long hiện chỉ còn vài nghìn đồng, dù mới đầu vụ.

10/06/2015