Khai Hội Tịch Điền, Tôn Vinh Nghề Nông
Lễ hội Tịch điền vào mỗi mùa xuân dưới chân núi Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có ý nghĩa nhắc chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn đến sự phát triển nông nghiệp bền vững của nông nghiệp trong thời đại ngày nay.
Vào mùa xuân năm Đinh Hợi (987) vua Lê Hoàn đã về chân núi Đọi cày ruộng tịch điền khai tục đánh thức đất đai, mang ý nghĩa khuyến nông vi bản cho các triều đại sau này. Nhà vua đã cởi bỏ long bào, mặc quần áo nông dân, lội ruộng, xuống đồng cùng trâu cày như những lão nông tri điền.
Hành động ấy không chỉ thể hiện tư tưởng gần dân của các bậc quân vương, mà hơn thế nữa là sự quan tâm, coi trọng đặc biệt với những người nông dân chân lấm tay bùn, với phát triển sản xuất nông nghiệp của nước nhà. Đối với một quốc gia có nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm như nước ta, điều đó càng có ý nghĩa sâu sắc.
Tiếp nối truyền thống của tổ tiên, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức từ ngày mùng 5-7 tháng giêng hàng năm để tái hiện lại lễ Tịch Điền thời vua Lê Đại Hành. Lễ cày tịch điền được tiến hành trọng thể với nghi thức cổ truyền là nghi lễ nhập thế vua Lê. Một cụ ông đức độ, thần thái uy nghiêm đã được chọn trong cộng đồng cư dân Đọi Sơn khoác long bào, đeo mặt nạ thực hiện nghi lễ hóa thân thành hình tượng vua Đại Hành xuống mở những sá cày lễ đầu tiên trên thửa ruộng phù sa màu mỡ.
Tiếp đó, là các đồng chí lãnh đạo một số ban, ngành TƯ, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên và đại diện các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện nghi lễ cày tịch điền, theo chức vụ, quan chức lần lượt cày 3 sá, 5 sá, 7 sá và đại diện dân làng cày 9 sá.
Năm 2014 là năm thứ 6 lễ hội tịch điền Đọi Sơn được tổ chức tại nơi mà cách đây 1027 năm vua Lê Đại Hành thực hiện lễ tịch điền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Trên vạt đất được sử sách lưu truyền, ngày đức vua cày ruộng được một chĩnh vàng, chĩnh bạc nên gọi là ruộng kim ngân. Triết lý của tích truyện chính là tấm lòng của người đứng đầu quốc gia, lo cuộc sống cho muôn dân thiên hạ. Chĩnh vàng, thoi bạc là ước mơ làm giàu của mọi người dân phải chăm lo cho ruộng lúa, bãi dâu để có màu vàng của lúa, màu vàng của tơ…
Đàn tế thần nông, vị thần chăm sóc nông nghiệp được tái dựng và đặt giữa cánh đồng mênh mông bát ngát. Các bức phướn ghi dòng chữ Nôm “Phi nông bất ổn; Phi thương bất phú; Phi công bất thịnh; Phi trí bất hưng” là lời muốn nói với tất cả chúng dân của các bậc tiền nhân. Con trâu là đầu cơ nghiệp tuy không còn đúng với phương thức canh tác của người nông dân ngày nay.
Nhưng đàn trâu mộng, béo đẹp vẫn được lựa chọn kỹ càng để tham gia cầy ruộng khai hội Tịch Điền. Ngoài ra, chúng còn được các họa sỹ khắp mọi miền đất nước và quốc tế tham gia vẽ trên lưng trâu khắc họa những họa tiết phỏng theo tranh dân gian Đông Hồ, thể hiện một ước mơ phồn thực, mong cho ấm no, hạnh phúc.
Tiếng trống khai hội, xuống đồng cùng việc tái hiện vua đi cày trên cánh đồng dưới chân núi Đọi Sơn trong nắng ấm đã góp thêm không khí hối hả xuống đồng gieo hạt của bà con nông dân cả nước những ngày đầu năm. Lễ hội cũng thêm một lần nhắc nhở chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn đến sự phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển nông công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay.
Cụ Đinh Trọng Tế thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn, năm nay đã 85 tuổi và có 5 năm được chọn lựa là người nhập linh khí quốc vương phấn khởi cho biết: Thông điệp từ lễ hội tịch điền cũng là lời nhắc nhở của các bậc tiền nhân đến thế hệ hôm nay truyền thống yêu lao động từ vị vua anh minh đến người dân đều cần cù, sáng tạo trong sản xuất góp phần xây dựng quê hương.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân, An Giang) đã trồng giống mía Cuba đạt lợi nhuận cao. Nông dân Lê Văn Ựng, người trồng mía lâu năm, cho biết: “Tôi đang thu hoạch 5 công mía Cuba, với giá 5.000 đồng/cây, trừ tất cả chi phí, lời 75 triệu đồng. Trồng mía chỉ cực công lúc chăm sóc thôi, còn khi thu hoạch thì thương lái tự bẻ”.
Có giá trị kinh tế cao, giàu vitamin, là thứ trái cây được nhiều người ưa thích, quýt hồng Lai Vung được bình chọn trong top 5 “siêu trái Việt Nam”.
Niềm vui vì vụ vải thiều được giá vừa kịp lắng xuống, nay người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đang đứng ngồi không yên trước hiện tượng cây vải chết hàng loạt.
Sau loạt “Báo động việc nông dân bỏ ruộng”, NTNN trao đổi với ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển NT (Bộ NNPTNT) - để lý giải sâu hơn vấn đề này cũng như tìm giải pháp.
“Mấy chú xuống trễ quá, phải cách đây 2 ngày là vui lắm, anh em mới thịt một con heo ăn mừng vụ mùa thành công”, ông Nguyễn Minh Phối, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) nuôi cua thương phẩm 2/9, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau), nhanh miệng khoe khi chúng tôi vừa đến thăm.