Hậu Giang Làm Giàu Từ Củ Cải Trắng
Bằng ý chí quyết tâm, không ngại khó khăn làm giàu từ chính đôi tay của mình, ông Trần Văn Thành (Út Củ Cải), nông dân ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) từng là hộ nghèo nay đã vươn lên khá giả với nghề trồng củ cải trắng.
Đến ấp 2, xã Vị Bình hỏi thăm nhà ông Út Củ Cải thì không ai còn xa lại, bởi biệt danh này đã gắn liền với cái nghề trồng củ cải trắng mà ông đã gắn bó 20 năm nay. Gặp chúng tôi bên liếp cải chuẩn bị thu hoạch, ông Út cho biết: “Hai ngày nữa, tôi sẽ nhổ 1/3 công củ cải trắng, năng suất ước khoảng 2 tấn, giá bán 5.000 đồng/kg, thu lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng. Hiện tại, hơn 1ha đất, nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi,… tất cả đều nhờ củ cải trắng mà có”.
Theo lời ông Út kể, ngày trước, sau khi lập gia đình, hai vợ chồng ông ra riêng với đôi bàn tay trắng và đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặc dù chẳng nề hà việc làm thuê, cuốc mướn, nhưng cuộc sống gia đình nhiều năm vẫn cứ rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau.
Bước ngoặt của cuộc đời là sau một lần đi đám giỗ nhà người quen, tình cờ phát hiện mô hình trồng củ cải trắng cho thu nhập cao, nên ông đã tìm hiểu và mua hột giống về trồng thử trên các bờ bao vườn tạp mượn được từ bà con hàng xóm. Sau một vài lần trồng thấy hiệu quả, ông đã mạnh dạn thuê 1 công đất trồng củ cải trắng.
Ông Út cho biết thêm: Kỹ thuật trồng củ cải trắng rất đơn giản, sâu bệnh ít nên chi phí đầu tư thấp, thông thường 1 công chỉ đầu tư vốn gần 2 triệu đồng. Sau 45-50 ngày chăm sóc là bắt đầu thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2,2-2,5 tấn/công, cá biệt có năm trúng mùa đạt 3-4 tấn/công.
Tùy theo vụ thuận, nghịch mà giá bán có chênh lệch khác nhau, nhưng tính giá trung bình ở mức 3.500-4.000 đồng/kg. Nếu chăm sóc tốt, 1 công củ cải có thể cho thu nhập khoảng 8 triệu đồng/lần thu hoạch, trong đó lợi nhuận trên 50% là chuyện bình thường, tính ra cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa.
Với hiệu quả kinh tế mang lại từ củ cải trắng, đồng thời cộng với thị trường đầu ra tương đối thuận lợi nên ông Út đã mở rộng từ 1 công ban đầu lên thành 3 công. Tuy củ cải trắng rất dễ trồng, nhưng theo ông Út, để đạt năng suất cao cần chú ý phun các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm phòng ngừa sâu trên thân lá và héo rũ chết cây, thối củ. Khi tưới nên cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh để ngập úng gốc sẽ làm ảnh hưởng đến rễ và củ.
Ông Út chia sẻ: Do là loại cây trồng lấy củ nên rất thích hợp trồng trên những chân ruộng đất tơi xốp. Sau khi lên liếp và gieo hạt, chỉ cần tưới nước thường xuyên và bón phân định kỳ để cho cây phát triển tốt và tạo củ. Đặc biệt chú ý 2 giai đoạn bón phân quan trọng là 10 ngày sau khi xuống hột (1 công 13kg Urê) và 10 ngày sau bón lần 2 (1 công 7kg DAP).
Bằng ý chí quyết tâm, tính cần cù chịu khó, thường xuyên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ báo, đài rồi đúc kết riêng của bản thân, từ đó năng suất củ cải trắng của ông không ngừng được nâng lên. Được biết, trước đây cũng có nhiều hộ theo trồng loại này, nhưng do không kiên trì nên hầu hết đều bỏ cuộc. Hiện tại, trên địa bàn xã Vị Bình chỉ còn ông Út trồng đạt và ông xác định củ cải trắng là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình.
Qua nhiều năm sản xuất và tích góp, ngoài 3 công đất dành riêng trồng củ cải trắng, gia đình ông còn mua thêm 10 công ruộng, hiện thu nhập hàng năm từ lúa và củ cải trắng khoảng 200 triệu đồng, riêng phần củ cải là 50-60 triệu đồng. Điều hạnh phúc của ông Út lúc này là không còn sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn như trước, nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi, nhất là 3 đứa con đều có việc làm ổn định.
Đây quả là một điều không hề dễ làm đối với những ai có hoàn cảnh xuất thân ban đầu với hai bàn tay trắng như ông. Chính vì vậy, ông Út thực sự là một tấm gương sáng về mô hình thoát nghèo để người dân trong xã học tập làm theo.
Phó Chủ tịch UBND xã Vị Bình Ngô Quốc Khải cho hay: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Thời gian qua, địa phương không ngừng đẩy mạnh và phát triển phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, qua đây đã xuất hiện nhiều gương nông dân với những mô hình cho nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như: mô hình trồng củ cải trắng, nuôi ba ba, trồng rau màu dưới ruộng,…
Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con cải tạo vườn tạp để thay thế những cây trồng phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế cao, hạn chế việc độc canh cây lúa, kế hoạch mỗi năm nhân rộng từ 1-2 mô hình. Và khi cuộc sống người dân phát triển là điều kiện để cùng với chính quyền địa phương chung tay xây dựng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Với tình hình giá cá điêu hồng những ngày qua, nguy cơ thua lỗ là rất lớn do giá cá có xu hướng giảm. Chính vì vậy, thời điểm này nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè đã thu hoạch không dám thả cá giống tiếp tục vụ nuôi mới.
Nghị quyết về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) và chăn nuôi (2012 - 2016) ra đời đã giúp nhiều hộ nông dân Tiên Phước mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn.
Ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Thuỷ sản sẽ khảo sát thực tiễn sản xuất và hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi tôm theo 2 giải pháp trên, nhằm phổ biến cụ thể đến bà con nông dân.
Hơn 23 năm hình thành và phát triển, nhưng nghề nuôi cá cảnh ở Tiền Giang đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, mặc dù tỉnh có đầy đủ yếu tố cả về thiên thời và địa lợi. Nguyên nhân do đâu?
Từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Thạch Cảnh (người khmer) ở ấp Thạnh An Tư, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã “vượt lên chính mình” để có cuộc sống sung túc...