Nuôi cừu mùa khô hạn
Đang ở đỉnh điểm mùa khô hạn, cây cối nhiều nơi thiếu nước, đàn gia súc giảm sút do thiếu thức ăn. Vậy mà nơi vùng đất rộng lớn nằm giữa xã Xuân Hải và Phước Trung, hàng ngàn con cừu vẫn phát triển như thường. Nổi lên giữa nền trời xanh là hai dãy chuồng cừu 450 con của anh Mai Văn Thương. Gặp khách, anh Thương để tô mỳ tôm sang bên, nói: Tôi dậy từ 5 giờ, đi kiểm tra đồng cỏ, giờ mới kịp ăn sáng. Nhắc đến đồng cỏ, chúng tôi ngỡ anh Thương đùa, bởi nhìn quanh bốn bề đều hoang hóa!
Khoát tay chỉ ra vùng đất rộng vài chục ha, anh Thương cười tươi: Nhờ có lá bo bo, cỏ tự nhiên trên ruộng mà đàn cừu của tôi không bị đói, sinh sản đều đều. Nghe anh Thương kể chuyện nuôi cừu mùa hạn phải mua đồng chăn thả, mới biết nông dân nơi đây rất linh hoạt. Là người có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, anh Thương đoán chắc nắng hạn kéo dài, nên mới đầu tháng Giêng, khi các hộ vừa thu hoạch xong vụ bo bo, anh đã mạnh dạn chi 20 triệu đồng mua hàng chục ha để tận thu phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn và nơi chăn thả cừu suốt trong mùa nắng hạn.
Vùng đất gò cao nằm ở phía Đông thôn Đồng Dày trải dài cho đến hồ Thành Sơn sản xuất dựa vào nước trời, mỗi năm trồng 1 vụ bắp, bo bo. Nắng hạn kéo dài, các hộ “treo rẫy” nghỉ ngơi cho đến cuối năm mới sản xuất trở lại, chỉ riêng người chăn nuôi là tất bật thu gom lá bo bo, lá bắp làm thức ăn dự trữ cho cừu.
Giống cừu lai của anh Thương có khả năng kháng bệnh cao, chịu nắng hạn tốt, tăng trọng rất nhanh, cứ 3 tháng xuất bán 1 lần, mỗi lần 100 con, thu về hàng trăm triệu đồng, nên việc bỏ ra ít tiền “thầu” ruộng thả cừu là không đáng kể.
Nuôi cừu cho thu nhập cao nên có rất nhiều người ở khắp mọi nơi lên khu vực Đồng Dầy đầu tư mở trang trại. Mùa nắng hạn, trên núi thiếu nước, đàn cừu co cụm về lòng hồ Thành Sơn đông nghịt, ước đến hàng chục ngàn con. Trại của anh Lượng có gần 1.000 con cừu, đã 3 tháng nay ngày nào cũng thực hiện cuộc di đàn từ chân núi Chà Vum (xã Phước Trung) về hồ Thành Sơn, đoạn đường dài khoảng 4 km.
Công việc chăm sóc cừu mùa hạn của các trại nằm xa nguồn nước vì thế trở nên khó khăn hơn. Mỗi sáng, nghe chủ lóc cóc mở cửa chuồng là cả đàn cừu nhao nhác ào ra, nối đuôi nhau “hành quân” về hồ Thành Sơn. Ở đó, chúng được uống nước mát, “thưởng thức” những ngọn cỏ mới nhú lên trên cánh đồng bo bo vừa thu hoạch. Đàn cừu cứ thế nhẫn nại tìm thức ăn, quên cái nắng chói chang. Những con cừu vừa mới sinh ra, được chủ cho uống thêm mật mía trộn với bột bắp, nên phát triển bình thường, chừng 3 tháng sau trọng lượng mỗi con từ 25 - 30 kg, xuất chuồng được.
Một ngày rong ruổi trên cánh đồng khô hạn Đồng Dày, chúng tôi chứng kiến nhiều điều kỳ thú. Trải qua hàng chục năm chọn lọc của tự nhiên, cừu đã thích nghi với khí hậu khắc nghiệt. Thịt cừu nuôi ở đây có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng trong cả nước rất thích.
Nông dân cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, phát triển nuôi cừu thành một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng chục chủ trang trại ở khu vực Đồng Dày đã rất linh hoạt, bán bớt những con cừu già yếu trước mùa nắng hạn. Thế nên, đến khi nắng nóng “cháy đồng”, cừu vẫn đủ sức chống chọi, chất lượng đàn không hề bị giảm sút, hộ nuôi dễ dàng bán giá 80.000 đồng/kg hơi, thu về tiền triệu.
Bây giờ đang vào mùa thu hoạch vụ lúa đông - xuân, giá rơm giảm từ 1 triệu đồng xuống còn 5 trăm ngàn đồng/xe máy cày, chủ trại cừu hả hê mua về chất đống để dành. Ôm bó rơm rải đều cho đàn cừu ăn, anh Thương tự tin: Rơm nhiều thế này, không còn lo cừu đói. Độ ít tháng nữa nếu trời có mưa, cây cỏ mọc nhiều, đàn cừu lại sinh sôi đông đúc trở lại.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học đã được triển khai tại Hậu Giang vào giữa năm 2012. Tuy nhiên sau ba năm triển khai thực hiện, nhiều người đã quay lưng và trở về với cách nuôi truyền thống.
Từ “cánh đồng mẫu lớn” của Công ty CP vật tư nông nghiệp An Giang (AGPPS) năm 2007 chỉ 200ha, đến năm 2015, “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” đã phát triển mạnh ra nhiều tỉnh, thành với khoảng 290.000ha.
Mặc dù sản xuất muối tăng mạnh do thuận lợi về thời tiết, song nhờ triển khai mua tạm trữ, nên giá muối một số vùng trong nước tăng nhẹ so với tháng trước.
Giá lúa gạo ở ĐBSCL đang dao động ở mức thấp, sức tiêu thụ chậm khiến nông dân và thương lái như ngồi trên lửa. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng rối bời vì sản lượng tồn kho nhiều nhưng đầu ra cứ ì ạch. Thị trường lúa gạo diễn biến trong cảnh chợ chiều đìu hiu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam đang tốt hơn nhờ thị trường Trung Quốc.