Nghề nuôi chim yến trong nhà
Ở Việt Nam chim yến hàng (Aerodramus fuciphagus germani) sinh sống làm tổ trong các hang đảo tự nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện phân loài chim yến nhà (Aerodramus fuciphagus amechanus, Aerodramus fuciphagus Vestitus) sinh sống, làm tổ trong nhà với số lượng quần đàn ngày càng tăng. Phát triển nhanh chóng
Hiện nay, phân loài chim yến này được phân bố ở hầu hết các địa phương từ Thanh Hóa đến Cà Mau, vùng Tây Nguyên như: Bình Phước, Đắk Lắk, đặc biệt chim yến tập trung với số lượng khá lớn ở các tỉnh từ duyên hải miền Trung đến các tỉnh Nam bộ.
Nghề nuôi chim yến trong nhà đã hình thành và đang phát triển với nhiều triển vọng, được cộng đồng rất quan tâm.
Nghề nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ ở nước ta hình thành từ năm 2004 và đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Theo thống kê chuyên ngành của Cty Yến sào Khánh Hòa, tính đến thời điểm cuối 2014 cả nước có khoảng 2.614 ngôi nhà yến và nhiều nhà yến đang xây dựng.
Tuy nhiên, nghề nuôi yến trong nhà còn mang tính tự phát nên hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim yến đảm bảo thành công và đạt hiệu quả cao trong điều kiện nuôi trong nhà ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, việc quy hoạch các vùng nuôi chim yến chưa được thực hiện.
Trong quá trình hoạt động và phát triển, nhiều đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và cấp tỉnh của Cty Yến Sào Khánh Hòa đã được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Trong đó, Cty Yến sào Khánh Hòa đã tiên phong nghiên cứu các đề tài khoa học làm tiền đề để phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà ở Việt Nam.
Năm 2004 thực hiện thành công “Phương pháp di đàn chim yến”; năm 2006 thực hiện thành công dự án “Thử nghiệm nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ” và “Phương pháp ấp nuôi nhân tạo chủ động nguồn giống cho các nhà yến, làm cơ sở cho việc xây dựng, hoàn chỉnh từ khâu ấp nuôi nhân tạo, nguồn thức ăn dinh dưỡng, khoáng chất, quy trình nuôi chim con theo từng giai đoạn phát triển.
Với thành công của công trình “Thử nghiệm nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ”, Cty đã đạt giải nhất VIFOTEC năm 2007 - 2008 và Huy chương Bạc hội thi Sáng tạo kỹ thuật quốc tế tại Hàn Quốc năm 2009.
Cty Yến sào Khánh Hòa đã triển khai áp dụng thành công nghiên cứu kỹ thuật vào nghề nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ. Đến nay Cty đã hoàn thiện các bước kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà đạt hiệu quả cao. Đại diện Trung tâm Kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến Sanatech tại các chi nhánh đã thực hiện chuyển giao cho người dân các tỉnh trên toàn quốc. Xí nghiệp thiết kế xây dựng nhà yến Sanatech Land tư vấn các yếu tố kỹ thuật để xây dựng một ngôi nhà yến hiệu quả cho người dân.
Trung tâm nghiên cứu công nghệ chế biến nguồn thức ăn, cây trồng để tạo thức ăn tự nhiên, nhân tạo cho chim yến, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phát triển các nhà yến.
Nghề nuôi chim yến được nâng tầm lên một trình độ rất cao, giải quyết những bài toán căng thẳng về nguồn thức ăn cho chim yến, tạo nguồn giống chủ động nuôi chim yến.
Để phát huy thành quả ngành nghề nuôi chim yến, từ năm 2011 đến nay Cty thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà 2011-2013” được hội đồng khoa học đánh giá đạt xuất sắc.
Đến nay, qua các năm triển khai áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn nghề nuôi chim yến trong nhà ở nước ta, Cty Yến sào Khánh Hòa đã dần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các kỹ thuật quan trọng trong quy trình nuôi và chăm sóc chim yến trong nhà đảm bảo thành công bền vững.
Trong đó, áp dụng công nghệ nuôi chim yến "3 trong 1": Phương pháp ấp nuôi nhân tạo chim yến chủ động nguồn giống chim con, phương pháp di đàn chim yến từ nhà yến này sang nhà yến khác và phương pháp dẫn dụ chim yến từ tự nhiên bằng kỹ thuật dẫn dụ.
Bên cạnh đó, Cty đã làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học đạt giải cao.
Điển hình như Quy trình công nghệ, kỹ thuật ấp nở nhân tạo và nuôi chim yến hàng qua từng giai đoạn phát triển; Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus fuciphagus Germani làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn chim yến ở Khánh Hòa năm 2006 - 2010; Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam năm 2011-2014… Cty đang nghiên cứu thực hiện các đề tài về gen chim yến, biến đổi khí hậu và phát triển nghề nuôi chim yến phù hợp với vùng, miền Việt Nam. Bên cạnh đó, Cty còn tư vấn chuyển giao công nghệ nuôi chim yến trong nhà cho nhiều tổ chức và cá nhân trên toàn quốc.
Kỹ thuật xây dựng nhà yến và trang thiết bị nuôi yến trong nhà
Trước đây, người dân phát triển xây dựng nhà yến mang tính tự phát, tự làm, không nắm vững kỹ thuật nên rất nhiều nhà yến bị thất bại hoặc không phát huy hiệu quả.
Trước thực trạng đó, Cty Yến sào Khánh Hòa với trách nhiệm đối với ngành nghề và cộng đồng, đã nỗ lực tư vấn và chuyển giao công nghệ kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Đến nay, các hộ nuôi yến đã đạt hiệu quả cao nhờ giải quyết tốt các vấn đề đầu tư cho nhà yến như: Chọn vị trí xây dựng và môi trường phù hợp; xác định diện tích xây dựng đạt hiệu quả kinh tế; thiết kế đảm bảo ổn định nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện kỹ thuật cốt lõi; đảm bảo kỹ thuật và độ bền; chăm sóc, bảo trì bảo dưỡng định kỳ; xử lý phòng chống địch hại cho chim yến, bảo vệ an toàn đàn chim yến...
Quá trình kiên trì nghiên cứu ứng dụng KHCN từ năm 2004 đến nay của Cty Yến sào Khánh Hòa đã khẳng định tầm kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà đạt hiệu quả cao và vững chắc.
Cty đã xây dựng thành công 500 nhà yến trên toàn quốc, tư vấn khoảng 700 nhà yến/2.614 nhà yến trên toàn quốc, phân bổ từ Thanh Hóa, Cà Mau, Phú Quốc, Kiên Giang, Bình Phước, Đăk Lăk, ngày càng khẳng định uy tín cao trong hoạt động chuyển giao kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến trong nhà cho người dân cả nước, phát triển bền vững ngành nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà yến hoàn thành đưa vào hoạt động được Cty Yến sào Khánh Hòa lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị hỗ trợ chuyên dụng cho nhà yến do chính công ty nghiên cứu chế tạo như: Hệ thống giá tổ bằng gỗ cho chim, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến, hệ thống phun sương và các hợp chất dẫn dụ tạo mùi bầy đàn cho nhà yến. Các trang thiết bị này được lắp đặt theo quy trình và tạo môi trường thuận lợi tối ưu cho sự phát triển của chim yến.
Bước vào thế kỷ 21 là thời điểm tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho nhiệt độ trái đất tăng cao, hiện tượng động đất và sóng thần tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, cháy rừng, phá rừng lấy gỗ gây tác hại lớn đến môi trường sinh thái chim yến tại khu vực có quần thể chim yến nhiều nhất thế giới, làm cho đàn yến phía nam di cư về phía bắc.
Chứng cứ khoa học đó đã được kiểm chứng từ những năm 70 của thế kỷ 20, với hiện tượng chuyển vùng sinh sống lên phương Bắc của chim yến do sự nóng lên bất thường khí hậu của trái đất. Quần thể chim yến ở Việt Nam ngày càng tăng nhanh là yếu tố quan trọng để phát triển nghề nuôi chim yến.
Hiện nay, nghề nuôi chim yến đang phát triển một cách tự phát chưa có định hướng, địa phương chưa có quy hoạch cụ thể do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân và ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị. Quá trình đô thị hóa và nạn phá rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của chim yến. Điều kiện tự nhiên ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn so với trước đây, với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, các cơn bão mạnh xuất hiện với tần suất cao hơn.
Vì vậy, việc phát triển ngành nghề nuôi chim yến của các tỉnh, thành phố cần thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ, tránh các hiện tượng xây dựng nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề chung và lợi ích của mỗi thành viên.
Trước tình hình đó, Bộ KH-CN đã chủ trì giao nhiệm vụ cho Cty Yến sào Khánh Hòa thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước: “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.”
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, chăn nuôi dần trở thành ngành chủ lực của tỉnh, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, với những vướng mắc đang tồn tại đã khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và cần có giải pháp hữu hiệu để vực dậy lĩnh vực này.
Trở lại vùng nuôi tôm của xã bãi ngang Kim Trung (Kim Sơn, Ninh Bình) thời điểm này, chúng tôi nhận thấy khung cảnh ở đây đã thay đổi đi nhiều, phần lớn các ao, đầm nuôi tôm trước đây cạn trơ đáy bây giờ đã được người dân tiến hành thả nuôi vụ mới.
Hiện nay, 1 ha Macadamia (còn gọi là Macca) đem lại thu nhập từ 2.000- 3.000 USD cho nông dân (15USD/kg). Đây là mức thu nhập khá cao so với việc canh tác nhiều loại cây khác.
Có thâm niên nuôi thủy sản hơn 10 năm nay và tích lũy được nhiều kỹ thuật để tạo ra ếch giống và các loại cá giống, ông Võ Đình Chiến, ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, là một trong những mô hình nuôi thủy sản có quy mô và đạt hiệu quả cao ở Long Mỹ.
Thức ăn của cá lăng chấm là những loại cá tạp đánh bắt trên sông. Do đó, rất phù hợp với lối chăn nuôi ở các làng vạn chài dọc theo bờ sông Lô, sông Gâm và hộ nuôi cá lồng.