Mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt trị giá 4 tỷ đồng
Anh Nguyễn Đình Vân sinh năm 1966. Sau khi đi bộ đội về, năm 1987, anh xây dựng gia đình với chị Phạm Thị Ánh Tuyết rồi lần lượt sinh hai đứa con. Cuộc sống khó khăn bộn bề, hàng ngày anh chạy chợ thu mua chè tươi, chuối xanh ra các chợ bán. Còn vợ anh ở nhà chăn nuôi một vài con lợn, nuôi gà, trồng rau, trồng chè, bán hàng tạp hóa…
Đến năm 2004, anh chị mạnh dạn nuôi 15 con lợn thịt, thấy có hiệu quả kinh tế cao nên anh chị quyết định làm giàu từ chăn nuôi mà chủ yếu là nuôi lợn thịt. Năm 2005 anh đã mở rộng chuồng trại chăn nuôi lên 80 con; năm 2006 nuôi 200 con và đến năm 2012 thì anh đã xây dựng được 35 ô chuồng trại với lúc nuôi nhiều nhất là 350 con lợn thịt.
Từ đó đến nay anh duy trì trong chuồng lúc nào cũng có từ 300 – 350 con lợn thịt. Mỗi năm nuôi 3 lứa với hơn 1.000 con lợn thịt, trị giá hơn 4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lãi hơn 500 triệu đồng. Thời điểm này trong chuồng nhà anh có 270 con lợn thịt, trong đó có 80 con đang chuẩn bị xuất chuồng, trung bình mỗi con nặng 90 – 100 kg.
Với giá bán ra thị trường hiện nay từ 37.000 đồng – 40.000 đồng/kg lợn hơi, dự tính anh thu về hơn 300 triệu đồng.
Khi được hỏi về bí quyết thành công trong quá trình chăn nuôi, anh chia sẻ, anh đã học tập các kiến thức chăn nuôi từ sách, báo, trên kênh VTV2, trên trang web của Trung tâm Khuyến nông,… và kinh nghiệm chăn nuôi của bản thân để phát hiện và tự điều trị bệnh cho lợn. Điều quan trọng hàng đầu là khi bắt lợn giống về trang trại phải tiêm phòng đủ 2 liều vắc-xin kép và 2 liều vắc-xin Leptô để phòng chống bệnh nghệ cho lợn.
Theo anh, lợn thịt hay mắc các bệnh về hen, xuyễn, tiêu chảy, tụ huyết trùng... Nhờ biết chịu khó học hỏi và biết cách tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên anh tự giải quyết được vấn đề bệnh tật của lợn thịt nuôi tại trang trại của gia đình. Đồng thời anh còn hướng dẫn bà con chăn nuôi xung quanh chữa bệnh cho lợn hiệu quả.
Về vấn đề sử dụng thức ăn cho lợn thịt anh nói: “Ở trang trại chăn nuôi của gia đình tôi chỉ sử dụng một loại cám là thức ăn hỗn hợp cao cấp VietRoyal. Lý do chọn loại cám này là vì chất lượng cám tốt, thịt đỏ, khô và không hôi, được người tiêu dùng ưa chuộng”. Anh cho biết thêm, mỗi năm anh nhập về 900 tấn cám, riêng trang trại chăn nuôi của gia đình anh tiêu thụ hết 150 tấn cám một năm trị giá hết gần 2 tỷ đồng.
Số cám còn lại anh bán bằng giá gốc giúp đỡ được gần 60 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương và các xã lân cận như Cáo Điền, Gia Điền, Hương Xạ và xã Phúc Lai (huyện Đoan Hùng). Khi nào họ xuất bán được lợn thì bà con mới trả tiền cám. Vì tiêu thụ được số lượng cám lớn nên riêng tiền hoa hồng anh được Công ty Hoàng Gia Việt trả mỗi năm cũng hơn 200 triệu đồng.
Cùng với chăn nuôi lợn, trang trại của anh còn nuôi hàng trăm con gà, trồng chè, trồng keo lai, làm máy xát lúa, xát ngô phục vụ bà con nhân dân địa phương và các vùng lân cận, mỗi năm trừ mọi chi phí cũng thu trên dưới 200 triệu đồng. Như vậy tổng thu nhập của gia đình anh Nguyễn Đình Vân cũng thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Khi được hỏi về mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi lớn nhất xã, ông Vi Xuân Hoan - Chủ tịch hội cựu chiến binh (CCB) của xã Phương Viên vui vẻ cho biết: “Toàn xã hiện nay có 301 hội viên CCB thì có hơn 20 hội viên làm kinh tế giỏi. Trong đó điển hình là gia đình anh Nguyễn Đình Vân là hộ sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm nay và đã được đi dự hội nghị điển hình tiên tiến các cấp. Đồng chí Vân là CCB gương mẫu, bản thân đồng chí và gia đình chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình văn hóa, động viên tạo điều kiện giúp đỡ các hộ chăn nuôi khác phát triển kinh tế gia đình, xứng đáng để bà con học tập và noi theo”.
Với những nỗ lực cố gắng của bản thân và gia đình, CCB Nguyễn Đình Vân đã được Hội CCB Việt Nam tặng tám chữ vàng “Trọn nghĩa nước non, thắm tình đồng đội”. UBND huyện Hạ Hòa công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi 3 năm liên tục giai đoạn 2007 – 2009 và 2011 – 2014. UBND xã tặng hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Sau bao năm lăn lộn, vất vả với cuộc sống, giờ đây các con của anh chị đã lớn khôn và có công ăn việc làm ổn định. Anh chị đã mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền phục vụ cuộc sống. Hiện tại anh chị ở với vợ chồng cậu con trai út, ra sức tìm tòi học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi cho các con để cả gia đình cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no và giúp đỡ bà con làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Không trồng luân canh cây hoa màu để cải tạo đất trong 3 năm theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số nông dân ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đã tái canh trực tiếp theo kinh nghiệm và bước đầu đã thành công, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc giải quyết bài toán tái canh cà phê hiện nay.
Ông Nguyễn Trung Thành, ở thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn chia sẻ, tham gia sản xuất chè an toàn, gia đình ông đã biết cách chăm sóc, thu hái và chế biến chè đúng kỹ thuật. Chè hái về được phơi trên giá lưới, không phơi trên nền sân như trước.
Lâu nay, người dân xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng chủ yếu vẫn gắn liền với cây lúa nước, cây mía, cây điều… nhưng mới đây việc thí điểm thành công mô hình trồng nấm linh chi đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Rau xanh không thể thiếu được trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người chúng ta. Không giống như cây lúa, cây rau được gieo trồng với nhiều chủng loại phong phú, có thời gian sinh trưởng ngắn nên đòi hỏi chế độ tưới nước bón phân cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn. Từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề như, rau dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư đạm, rau nhiễm các loại vi trùng và ký sinh trùng… có khả năng gây hại đến sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau vụ trồng mới đó, đợt xen canh vụ ngô đông xuân đầu tiên, mỗi hộ gia đình công nhân tham gia trồng mới có thêm thu nhập 35 triệu đồng/ ha. Thực tế sản xuất đã gợi mở con đường tăng thêm thu nhập khá hiệu quả nên những năm sau lượng người nộp đơn xin vào đơn vị nhận khoán trồng mới ngày một nhiều.”