Hàng Việt bám rễ vùng khó khăn

Để giúp người dân được sử dụng hàng Việt chính hãng, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, hạn chế tối đa tình trạng hàng nhái, hàng giả tại địa phương này, Điểm bán hàng Việt Nam cố định đã được đưa vào hoạt động tại Cửa hàng Thương mại Võ Miếu - xã Võ Miếu - huyện Thanh Sơn.
Thanh Sơn là cửa ngõ của 3 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Lào Cai, là điểm trung chuyển hàng hóa lớn đi nhiều tỉnh Tây Bắc.
Đây là lợi thế, nhưng cũng là điều kiện để nạn hàng nhái, hàng giả hoành hành, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Là một xã miền núi thuộc huyện Thanh Sơn, xã Võ Miếu là một trong những “điểm nóng” về nạn hàng nhái, hàng giả do đời sống bà con còn khó khăn, dân trí thấp, nhận thức về hàng hóa có chất lượng chưa cao.
Bên cạnh đó, do đường giao thông chưa được đầu tư xây dựng, DN rất khó khăn khi muốn mang hàng Việt vào sâu trong các khu dân cư.
Đường vào xã tương đối khó khăn
Để giúp người dân được sử dụng hàng Việt chính hãng, trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng năm, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ tổ chức từ 1 – 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi.
Tuy nhiên, do không phải là hoạt động thường xuyên, mỗi phiên chợ lại diễn ra tương đối ngắn (từ 3 – 5 ngày) nên chưa thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người dân.
Nhận thức được hạn chế đó, tận dụng hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam đặt tại Cửa hàng Thương mại Võ Miếu.
Với 100% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam chính hãng, điểm bán hàng này đã thực sự giải “cơn khát” hàng Việt cho bà con.
Điểm bán hàng Việt Nam thu hút đông đảo người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm
Chia sẻ về điểm bán hàng này, ông Nguyễn Quốc Trụ - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho biết, Cửa hàng Thương mại Võ Miếu là điểm cung cấp hàng hóa cho 7 xã lân cận, trong đó có 4 xã của huyện Thanh Sơn và 3 xã của huyện Tân Sơn.
Lựa chọn xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại một điểm khó khăn cả về cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân, Sở Công Thương Phú Thọ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của UBND huyện Thanh Sơn và Cửa hàng Thương mại Võ Miếu.
Không chỉ là điểm phân phối, bán lẻ hàng hóa, đây còn là điểm trung chuyển hàng hóa đến các xã trong huyện và các địa phương lân cận.
Đồng thời là điểm tập kết hàng hóa, nơi để bà con có thể nhận diện đâu là hàng hóa chính hãng, tránh việc mua phải hàng nhái, hàng giả.
Bà Nguyễn Lệ Thủy – Chủ cửa hàng cho biết thêm, hiện nay, cửa hàng có trên 1.200 sản phẩm của 100 doanh nghiệp và nhà phân phối trên cả nước, trong đó có nhiều nhà phân phối lớn như Vinamilk, Kinh Đô, Fami…
100% hàng hóa tại cửa hàng là hàng Việt Nam
“Khi mới mở điểm bán hàng này, chúng tôi gặp nhiều khó khăn bởi dân trí thấp, đời sống khó khăn, bà con nhân dân trong vùng vẫn có thói quen chọn lựa các sản phẩm giá rẻ chứ chưa quan tâm đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp quảng bá hàng hóa như mời bà con trực tiếp đến xem và mua hàng, dùng uy tín của chính mình để cam kết sẽ bán hàng chất lượng tốt nhất, làm việc trực tiếp với nhà phân phối để giảm chi phí qua trung gian… đến nay, bà con xung quanh khu vực này đã tin tưởng và lựa chọn sử dụng hàng Việt.
Có những dịp đặc biệt như Trung thu, cửa hàng phải huy động 7 – 8 người mới đủ để bán hàng cho bà con và đưa hàng vào các đại lý ở sâu trong các xã.
Với doanh thu tương đối khả quan, đến thời điểm này, có thể khẳng định việc xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại đây đã thành công” – bà Thủy vui mừng chia sẻ.
Khá bất ngờ và đánh giá cao mô hình Điểm bán hàng Việt Nam tại Võ Miếu, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho hay: “Trước khi đi kiểm tra Điểm bán hàng Việt Nam tại xã miền núi còn nhiều khó khăn này, tôi chỉ nghĩ đây là một điểm bán hàng tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, đây không những là điểm bán hàng lớn, được sắp xếp bài bản và chuyên nghiệp mà còn là một trong những mô hình tổng kho hàng Việt – mô hình đang được Bộ Công Thương khuyến khích xây dựng.
Từ đây, hàng Việt Nam có điều kiện tỏa đi rất sâu, rất xa”.
Ngoài Điểm bán hàng Việt Nam tại xã Võ Miếu, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng thêm một Điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Phù Ninh.
Trong tương lai, địa phương này định hướng sẽ xây dựng thêm các Điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện Tân Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa và Đoan Hùng.
Có thể bạn quan tâm

Trước đó, vào tháng 8, Chính phủ Thái cũng đấu thầu cung cấp 167.000 tấn gạo, nhưng số gạo được bán ra chỉ đạt 73.000 tấn, do giá thầu nhận được thấp hơn giá sàn quy định.

LTS: Dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm Việt Nam phải tốn hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hạt giống, con giống. Từ giống heo, gà, bò… đến hạt giống lúa, bí bầu, cà chua… đều phải nhập và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Phạm Văn Tâm cho rằng, khoai lang tím Nhật năm nay mất giá hơn năm trước do khó khăn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Võ Công Khương, chủ một gia trại chuyên nuôi gà lấy trứng ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), nhớ lại: “Những năm trước đây, thị trường tiêu thụ gia cầm dẫu có biến động xấu cũng chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng là bình ổn trở lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, sau khi nhận được thông báo từ phía Mỹ cho phép NK vải và nhãn từ Việt Nam từ tháng 9/2014, Sở NN-PTNT Bắc Giang đã chủ động liên hệ với Cục BVTV nhằm phối hợp triển khai những công việc nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Mỹ, mục tiêu là có lô hàng vải thiều XK sang Mỹ trong vụ vải 2015.