Nuôi tôm hướng đến đa dạng sản phẩm xuất khẩu
Tuy nhiên, do cách làm còn nặng tính “tự phát”, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nên xuất khẩu còn hạn chế.
Tăng kích cỡ
“Trong 4 mô hình nuôi tôm càng xanh ở xã Phú Thuận (Thoại Sơn), mô hình nuôi tôm càng xanh “tăng kích cỡ” mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tôm thu hoạch có trọng lượng bình quân từ 80 – 120 gram/con.
Kích cỡ này, tôm đạt loại 1 sẽ được mua từ 290.000 - 320.000 đồng/kg.
Vì vậy, nông dân cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình này, nhằm tăng tỷ lệ tôm loại 1 từ 10%/vụ lên 40 - 60%/vụ.
Đạt được vậy, thương lái chuộng mua vì đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Nông dân (ND) cũng tăng thu nhập trên mỗi vụ nuôi, bởi tâm lý của người tiêu dùng thích ăn tôm cỡ lớn…” – ông Nguyễn Văn Cầm, lái tôm Campuchia (CPC), chia sẻ.
Tôm càng xanh toàn đực cho năng suất từ 1,2 – 1,4 tấn/héc-ta, mở ra triển vọng cho mô hình tôm – lúa
Bên cạnh việc “tăng kích cỡ”, ND nuôi tôm càng xanh hướng đến xuất khẩu cần nghiên cứu hình thức nuôi rải vụ.
“Nhu cầu tiêu thụ tôm luôn có quanh năm.
Đặc biệt, đối với thị trường CPC, trong nước, nhất là sau Tết Nguyên đán là thời điểm tôm được tiêu thụ mạnh.
Lúc này, tôm sông không còn nhiều, mặt bằng giá tăng lên rất cao.
Nếu tổ chức nuôi rải vụ, ND khắc phục được tình trạng năng suất thấp, lúc đó tôm bán vừa có giá, vừa đạt năng suất, lợi nhuận mang về đáng kể hơn…” - bà Trần Thị E, lái tôm thị trấn Phú Hòa, thông tin.
Mô hình lúa - tôm xã Phú Thuận (Thoại Sơn) bắt đầu hình thành từ năm 2002.
Đến năm 2006, UBND tỉnh chủ trương thực hiện vùng quy hoạch tại xã Phú Thuận và Vĩnh Chánh, với diện tích lên đến 1.500 héc-ta.
Tuy nhiên, ND thả nuôi năm cao nhất (2011) cũng chỉ đạt 320 héc-ta.
Nguyên nhân, các tuyến kênh cấp thoát nước bị bồi lắng, xuống cấp nên không phát huy hết công dụng.
Tình hình dịch bệnh trên con tôm ngày càng phức tạp, đa số các loại bệnh trên tôm đều đã kháng thuốc, dẫn đến chi phí điều trị cao, hiệu quả nuôi thấp.
“Ngoài nguyên nhân vừa nêu, diện tích nuôi không đạt quy hoạch còn do nguồn cung con giống chưa đảm bảo.
Thời điểm thu hoạch rộ lại bị thương lái “ép giá”, do “mạnh ai nấy bán”.
Khắc phục được tình trạng này, ND cần đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình hợp tác xã (HTX) hoặc tổ liên kết sản xuất” - ông Lương Văn Tước, Phó Chi hội trưởng, Chi hội tôm càng xanh Phú Thuận, đề xuất.
Hợp tác sản xuất
“Để dự án lúa – tôm mang lại hiệu quả cao, 4 vấn đề cần giải quyết mang tính cấp thiết và lâu dài là: Môi trường, con giống, vốn và thị trường.
Để giải quyết vấn đề, ND nuôi tôm cần liên kết làm ăn hợp tác thông qua mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã (HTX).
Đứng về mặt quản lý Nhà nước, chúng tôi đang suy nghĩ, đề xuất thành lập một Ban Điều hành dự án lúa – tôm, vì có Ban Điều hành dễ tập trung nguồn lực đầu tư, giải quyết các vấn đề từ môi trường, con giống, vốn và thị trường một cách thuận lợi hơn” – ông Nguyễn Thành Đô, Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn, đề xuất.
Vụ tôm 2015, Thoại Sơn có 68 hộ nuôi 213,5 héc-ta, với lượng giống thả nuôi 18,45 triệu con.
Trong đó, diện tích nuôi tôm toàn đực đạt 55,2 héc-ta, con giống thả nuôi 2,2 triệu con.
Sở dĩ diện tích nuôi tôm toàn đực đạt thấp, do con giống chưa đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi.
Những năm qua, ND nuôi tôm Thoại Sơn vẫn chưa đi vào con đường làm hợp tác, vì vậy các vấn đề chưa được giải quyết đồng bộ.
Cụ thể, thức ăn phải mua với mức giá cao, đồng vốn phục vụ cho sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp mua tôm để tiêu thụ tại thị trường nội địa, cần ND cung cấp cấp tôm thường xuyên trong năm nhưng chúng ta chưa làm được điều đó…” – bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, cho biết.
Nuôi tôm hướng đến đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu là một nhu cầu mang tính thiết thực của ND trong tỉnh hiện nay.
Tuy nhiên, để sản phẩm này được xuất khẩu thì số lượng phải nhiều và chất lượng tốt.
Vì vậy, cần quy hoạch vùng nuôi tôm mang tính chuyên canh, chứ không thể nuôi tôm xen canh đưa đến vấn đề nan giải về môi trường.
Ruộng xịt thuốc sâu xả nước xuống kênh, ND nuôi tôm bơm nước vào vuông tôm thì thiệt hại là không tránh khỏi.
“Tôm càng xanh của nông dân vùng Thoại Sơn được xuất khẩu sang Campuchia (CPC) gần 10 năm qua.
Tuy nhiên, sản lượng không lớn, vì nguồn cung còn rất hạn chế.
Thị trường CPC tiêu thụ mạnh tôm loại 1, trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm 10%.
Tôm được tiêu thụ mạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau; trong khi mô hình tôm - lúa tập trung thu hoạch đến Tết Nguyên đán đã dứt điểm.
Đây là hạn chế cần được khắc phục khi chúng ta tổ chức nuôi tôm hướng đến xuất khẩu” – ông Nguyễn Văn Cầm, thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Khác với các năm trước, vào thời điểm đầu vụ thu hoạch, sầu riêng thường bán với giá cao hơn so với giữa vụ, năm nay do nhiều người tiêu dùng vẫn e ngại tình trạng một số nhà vườn và thương lái dùng thuốc ép chín sầu riêng nên sức mua dè dặt, giá bán sầu riêng không cao.
Những năm gần đây, nhiều người dân ở ấp I, xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) thành công với mô hình nuôi lươn trên cạn. Hiện toàn ấp có khoảng 20 hộ nuôi lươn, mỗi hộ nuôi từ 20 - 30m2.
Lúa chết phải gieo sạ lại, lúa trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã làm giảm năng suất, tăng chi phí trong khâu thu hoạch,... là những gì mà người dân trên địa bàn tỉnh phải đối mặt do tình hình mưa bão trong thời gian qua, nhất là từ đầu tháng 7 đến nay.
Nhiều loại cá nước ngọt hiện đang vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá bán giảm sâu. Không ít nông dân lo trắng tay vì có thể thua lỗ đến hàng trăm triệu đồng.
Đây là hoạt động thuộc dự án “Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam-LPS/2012/062”, do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (ACIAR) tài trợ. Tham dự có tiến sĩ Laurie Bonne, chuyên gia nghiên cứu chuỗi giá trị ở Úc và phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Bản, Trường đại học Nông lâm Huế, chủ nhiệm dự án.