Vịt trời mang lãi
Bước đầu thành công
Tận dụng mặt nước ao hồ trong vườn nhà, gần 2 năm trước, ông Nguyễn Chính (thôn 8B, xã Thủy Phù, TX Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đưa giống vịt trời từ miền Bắc vào nuôi thí điểm.
Đến nay, gia trại ông Chính không chỉ tự chủ được nguồn giống mà còn là “địa chỉ” cung cấp vịt trời thịt cho hàng chục nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị xã.
Ông Chính kể: “Mình vốn làm nông nhưng chăn nuôi chỉ là phụ.
Năm 2013, đứa con ở TP. Hồ Chí Minh xem chương trình truyền hình thấy mô hình nuôi vịt trời hiệu quả, vốn đầu tư cũng vừa phải, dễ nuôi nên mới gọi điện về “tư vấn” cho bố.”
Trước khi quyết đầu tư nuôi loại gia cầm mới này, ông đã “khăn gói” ra Bắc để học hỏi mô hình, cách chăm sóc, xây dựng chuồng trại.
Ban đầu ông cải tạo lại hai hệ thống hồ nước quanh nhà, chắn lưới, trồng tre trên diện tích gần 400m2 rồi thả 70 con vịt trời giống.
Sau 4 - 5 tháng nuôi, ngoài số vịt tơ xuất bán nhỏ lẻ cho một số nhà hàng, hộ dân có nhu cầu, số vịt còn lại bắt đầu đẻ lứa đầu tiên.
“Không thể đi lấy giống vịt mãi, muốn chăn nuôi bền vững hơn thì phải chủ động nguồn giống.”- ông Chính tâm sự.
Nghĩ thế, ông lại “khăn gói” ra Bắc lần nữa tìm đến các cơ sở ấp trứng gia cầm đặt mua một máy ấp trứng vịt trời giá 6,5 triệu đồng.
Từ khi có máy ấp, ông Chính không chỉ chủ động nguồn giống cho gia trại mà còn cung cấp ra thị trường bên ngoài.
Thấy nhiều nơi ấp trứng vịt trời thất bại, ông tìm hiểu sách vở để ứng dụng số lượng, nhiệt độ ấp trứng phù hợp.
Sau một tháng ấp, lứa vịt đầu tiên 50 con đã nở, cho thấy phương pháp ấp trứng của ông đã thành công.
Đến nay, sau thời gian nuôi “cuốn chiếu” xuất bán liên tục, đàn vịt trời của ông Chính vẫn duy trì ở 300 con.
Số trứng ông cứ gom đủ 50 quả thì cho ấp một lần, công suất của lò ấp 300 trứng/tháng.
Nói về kỹ thuật nuôi, ông Chính cho biết: “Vịt tơ hay vịt đẻ tháng đầu tiên thức ăn chủ yếu là lúa.
Bắt đầu tháng thứ hai trở đi mỗi loại vịt đều có thức ăn riêng.
Đối với vịt tơ thì cho ăn loại bột 25kg, giá 300 nghìn đồng; vịt đẻ thì loại bột 40kg giá 410 nghìn đồng.
Vịt đẻ phải nuôi lên 5 tháng mới đẻ lứa đầu tiên; còn vịt tơ sau 4 tháng là có thể xuất bán.”
Theo tính toán của ông Chính, mỗi năm gia trại vịt của ông nuôi được ba lứa.
Mỗi cặp vịt tơ sau bốn tháng nuôi bán từ 180 - 200 nghìn đồng/con, trừ chi phí thức ăn, lãi khoảng 100 nghìn đồng/con.
Vịt con sau 10 ngày tuổi bán 40 nghìn đồng/con, trứng vịt trời 15 - 20 nghìn đồng/quả.
Mỗi năm từ gia trại của ông lãi trên 100 triệu đồng.
Điểm lợi của vịt trời khi nuôi rất ít dịch bệnh.
Đến nay, hộ gia đình ông Chính vẫn chưa dùng đến một loại thuốc nào để phòng và trị bệnh trên đàn vịt.
Người nuôi chỉ canh chừng thời gian trước khi vịt đủ cánh để xuất bán, phòng khi vịt bay mất.
Hiện ông Chính đã đầu tư 15 triệu đồng xây dựng thêm chuồng trại bằng mái tôn và dự kiến mở rộng diện tích, cải tạo bờ bao lát bê tông lại ao hồ trong vườn nhà.
Nhân rộng mô hình
Ông Châu Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thủy Phù cho biết: “Gần đây, chăn nuôi trên địa bàn đang ngày một đa dạng hóa với nhiều loài vật nuôi hiệu quả.
Cùng với mô hình nuôi chim cút, nuôi vịt trời lấy thịt, trứng đang trở thành một mô hình mới, mang lại giá trị kinh tế khá cao cho bà con nông dân.
Hiện trên địa bàn xã đã nhân rộng được 3 hộ nuôi với khoảng trên 1.000 con vịt.
Thị trường đầu ra chủ yếu các nhà hàng, khách sạn và nhu cầu tiêu thụ của người dân trong thị xã.”
Tại khu vực hồ Khe Lời (xã Thủy Phù), một số hộ dân cũng tận dụng mặt nước, khoanh nuôi vịt trời cho thu nhập cao.
Anh Nguyễn Văn Bình, một chủ nuôi vịt cho biết: “Mới chỉ đưa về địa bàn xã khoảng vài năm trở lại đây, nhưng mô hình nuôi vịt trời đang là nghề ăn nên làm ra bởi loại gia cầm này dễ nuôi, giá bán cao gấp 3 lần vịt thường, dịch bệnh ít, chi phí nuôi khá thấp.”
Số lượng vịt trời anh Bình nuôi thời cao điểm lên đến 600 con, sau thời gian xuất bán đến nay còn khoảng 400 con.
Diện tích mặt nước hồ Khe Lời khá rộng, môi trường trong sạch và nằm xa khu dân cư nên phù hợp với loài gia cầm mới này.
Vịt trời đẻ từ 8 - 10 trứng/lần; nếu chăm sóc tốt, có thể đẻ 60 - 70 trứng/năm.
Thị trường trứng vịt trời hiện nay giá 15 - 20 nghìn/quả; vịt con 40 nghìn đồng/con đang được nhiều hộ dân “săn” mua bởi muốn phát triển mô hình nuôi mới mẻ này.
Với 400 con, anh Bình đã đầu tư máy ấp trứng cùng với việc nuôi xuất bán thịt, trứng và vịt con liên tục, mỗi năm anh Bình lãi khoảng 130 triệu đồng.
“Đối với loài gia cầm này khi nuôi cần chú ý thời gian trổ lông, phòng khi vịt rời chuồng bay mất.
Ngoài bột, thóc còn phải bổ sung thức ăn như các loại ốc, tép, rau, nhất là đối với vịt đẻ.
Thỉnh thoảng có một số đàn vịt trời tự nhiên được “dụ” về làm tăng số lượng nữa.”- anh Bình chia sẻ.
Ông Dương Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy cho biết: “Để phát triển mô hình, vừa qua phòng kinh tế thị xã đã phối hợp với các ngành liên quan mở lớp tập huấn nuôi vịt trời cho các hộ dân các xã Thủy Phù, Thủy Vân, Thủy Tân, Thủy Bằng.
Các hộ dân tham gia được tập huấn, chuyển giao quy trình, kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại đồng thời đã có phương án hỗ trợ đối với những hộ tham gia nuôi nhằm nhân rộng mô hình với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ”.
Tại các phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà), xã Lộc Sơn, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cũng đang phát triển mô hình nuôi vịt trời với tổng số đàn khoảng 500 con của 5 hộ dân tham gia nuôi.
Những lứa vịt xuất bán đầu tiên, người nuôi rất phấn khởi.
Vịt trời là giống quý chắc thịt, thịt thơm, ngon, ngọt, mềm hơn các loại vịt thông thường và đặc biệt là không nặng mùi vịt.
Hiện, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, vịt trời được bán từ các gia trại với giá 200 nghìn đồng/kg.
Thịt vịt trời đang trở thành loại thịt gia cầm được ưa chuộng, không chỉ có mặt tại một số nhà hàng, quán ăn trong tỉnh mà còn tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng.
Có thể bạn quan tâm
Đang mùa mưa lũ, chất lượng nước không đảm bảo, môi trường nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển nhiều. Lên kế hoạch phòng trị bệnh trên cá tra nuôi thời điểm này là rất cần thiết.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, 5 năm qua, toàn tỉnh đã bê tông hóa hơn 1.800km đường nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ đường nông thôn được bê tông và nhựa hóa lên 70%.
Sáng 30.9, tại TP.HCM, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương 180 đại biểu đại diện cho hơn 5.000 gương “người tốt, việc tốt” trong đồng bào Công giáo trên cả nước.
Ngày 29.9, ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết: Sở vừa có văn bản chính thức kiến nghị UBND tỉnh trình Bộ NNPTNT bổ sung cây thốt nốt vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Trước thực trạng nuôi gà lông trắng - loại gà công nghiệp đang được nuôi phổ biến- ngày càng không hiệu quả, người dân thua lỗ, đã có nhiều ý kiến cho rằng, nước ta nên bỏ nuôi giống gà này và chuyển sang nuôi gà lông màu.