Hà Nội Thủy Sản Được Mùa, Được Giá
Sau Tết Nguyên đán, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP Hà Nội lại bắt tay vào mùa thu hoạch. Khác với sự rớt giá của các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, năm nay, người nuôi thủy sản có niềm vui riêng vì các loại sản phẩm đều được mùa, được giá.
Theo nhiều hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, giá cả các loại cá sau Tết đã tăng hơn so với thời điểm trước Tết. Cá trắm, cá chép có giá bán buôn trung bình từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, bán lẻ từ 65.000 - 70.000 đồng/kg; giá các loại cá khác như: Cá trôi, cá mè, cá rô cũng tăng nhẹ, trung bình từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Bơi, thôn Ngọc Động, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa chia sẻ: "Nếu giá cá vẫn giữ mức ổn định như thế này trong 2 tuần nữa thì với 1,5 tấn cá từ ao nuôi của anh sẽ cho thu nhập khoảng 75 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi 50 triệu đồng".
Dịp trước Tết Nguyên đán 2014, xã Phương Tú cung cấp cho thị trường Thủ đô hơn 400 tấn cá thịt các loại. Tuy nhiên, do tâm lý tranh thủ được giá nên nhiều hộ có số lượng lớn cá thương phẩm đến ra Giêng mới thu hoạch. Thời điểm này, cá bán chạy lại được giá, do đó, nhiều hộ nuôi cá ở Phương Tú trực tiếp thuê xe chở hàng ra chợ đầu mối Pháp Vân để bán, thay vì đổ buôn cho thương lái như các đợt trong năm.
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi trồng thủy sản, tháng 3 là thời điểm giao mùa nên các loại cá nuôi nước ngọt thường mắc một số bệnh thường gặp như: Bệnh tiêu chảy ở cá trắm, bệnh mỏ neo ở cá mè, bệnh thối vẩy ở cá chép... Tuy nhiên, do được tập huấn kỹ thuật thường xuyên nên bà con đã mua thuốc phòng bệnh cho cá trộn với thức ăn theo đúng liều lượng. Đều đặn đánh vôi cho các ao nuôi mỗi tháng một lần; không cho cá ăn quá no vì đây là thời kỳ cá có tỷ lệ tích mỡ cao.
Ông Nguyễn Văn Khiết -Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Mỹ Đức cho biết, cùng với những biến động thời tiết, ô nhiễm môi trường đã khiến thủy sản nuôi bị giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển thành dịch. Song được sự chỉ đạo kịp thời của Chi cục Thú y Hà Nội, ngay từ những tháng trong Tết Nguyên đán 2014, Trạm đã chỉ đạo các xã có diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện khẩn trương có kế hoạch phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh việc giám sát nuôi nên đã phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Cán bộ của Trạm thú y huyện, xã thường xuyên lấy mẫu thủy sản xét nghiệm định kỳ và kiểm tra chỉ tiêu môi trường; trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con ứng phó nhanh trước các dấu hiệu của các loại bệnh thường gặp của cá, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con.
Có thể bạn quan tâm
Từ vài ngày qua, giá thu mua thanh long tại Bình Thuận liên tục tăng cao và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, đem lại niềm vui cho không ít hộ dân vùng chuyên canh. Như tại xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam), các chủ vựa đưa ra giá thu mua dao động từ 29.500 - 30.000 đồng/kg, nên nhiều nhà vườn thu được khoản tiền lớn từ 400 - 500 triệu đồng.
Nằm ven sông Hồng, xã Đông Kết (Khoái Châu - Hưng Yên) có lợi thế về đồng cỏ ven triền đê và diện tích trồng chuối tương đối lớn (hơn 100 ha)… Đây chính là nguồn thức ăn dồi dào để phát triển đàn bò sữa. Trong thời gian qua, bò sữa đã trở thành con vật nuôi “xóa đói giảm nghèo”, mang lại cuộc sống no đủ cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã.
Năm nay, toàn tỉnh có 13 mô hình được hỗ trợ xây dựng mô hình từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (MTQG XD NTM).
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận vừa đánh giá kết quả triển khai mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn.
Từ nhiều năm nay, xã Tân Minh, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã nổi tiếng là vùng trồng rau gia vị của TP. Bằng sự cần cù lao động, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), người dân ở đây đã từng bước nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.