Mô Hình Nuôi Nhông Ở Xã Vùng Cát Bình Sa
Vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Nam chiếm một diện tích rất lớn, khoảng trên 35.000 ha, tiềm lực và tiềm năng đều thua kém so với các vùng khác trong tỉnh. Trong nhiều năm qua tỉnh đã thu hút được nhiều dự án, chủ yếu là các dự án trồng rừng phòng hộ ven biển chống cát bay như PACSA, JICA… đã đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội và môi trường. Thế nhưng, đời sống người dân vùng cát vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp từ trước đến nay chủ yếu cơ cấu cây trồng là các loại cây hoa màu như: đậu, rau, mè và cây có củ các loại chiếm hơn 40% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, mà chưa đưa ra được các giải pháp hoặc phương thức sản xuất phù hợp để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển. Vì vậy, tìm hướng đi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng – con vật nuôi để giúp người dân vùng cát thoát nghèo và làm giàu bền vững, luôn là nỗi trăn trở của ngành, các cấp.
Trong vài năm trở lại đây, một số nông dân vùng cát đã mạnh dạn tìm hướng đi riêng cho mình, đầu tư triển khai nhiều mô hình như sản xuất rau theo hướng sạch hoặc sản xuất hoa – cây cảnh…, tuy chỉ tự phát nhưng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Hồng Anh tại thôn Tiên Đỏa, xã Bình Sa, trước đây gia đình ông chủ yếu sản xuất lúa, rau và phát triển chăn nuôi với những loài vật nuôi truyền thống như Bò, heo, gia cầm…Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, do tình hình dịch, bệnh lở mồm long móng, cúm H5N1 … nên đã gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Chính vì lẽ đó đã đặt ra cho ông nhiều trăn trở và càng thôi thúc ông phải tìm hướng đi mới cho mình. Sau thời gian tìm hiểu các tài liệu kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi Nhông ở vùng cát các tỉnh bạn, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm Thăng Bình hỗ trợ 10 triệu đồng mua 1.000 con Nhông giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hộ gia đình ông đầu tư khoảng 5 triệu đồng để xây dựng tường gạch bao kín với diện tích 100m2, mật độ thả 8 ÷ 10 con/m2.
Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi thì được ông chi biết: Vì loài Nhông không giống như những loài vật khác, chúng rất nhút nhát nên chuồng phải được xây dựng ở những nơi yên tĩnh, cao ráo không bị ngập nước và thậm chí sau khi thả Nhông giống phí trên khu nuôi ta dung lưới thưa bao phủ để tránh sự xâm nhập của những loài vật khác gây hại cho Nhông (chó, mèo, chuột, gà…). Đáy chuồng phải được lót bằng gạch hoặc nền xi măng dày khoảng 2 ÷ 3 cm để không cho Nhông đào hang chui đi, nhưng phải bảo đảm khi mưa nước phải rút nhanh. Tường xây bằng gạch, cao từ 1,2 ÷ 1,5m, mặt trong của tường tô xi măng thật láng hoặc dùng tôn láng đóng xung quanh, đặc biệt đối với các góc của tường không nên xây và tô vuông góc mà nên làm theo hình vòng cung hình bán nguyệt để Nhông không thể bám chân vào các góc leo ra ngoài. Trong khu nuôi trồng thêm các loại cỏ (Cỏ ruzi, cỏ sả...) vừa giữ ẩm bề mặt đất nhưng lại vừa cung cấp thêm thức ăn cho Nhông hoặc bố trí hệ thống bơm nước để phun giữ ẩm chuồng nuôi trong mùa nắng; còn nếu bóng che khu nuôi không đảm bảo thì trồng một số loài cây gỗ nhở che bóng, đảm bảo tán che chiếm khoảng 1/2 ÷ 1/3 diện tích khu nuôi.
Nhông rất dễ nuôi, không kén ăn, thức ăn chủ yếu tận dụng từ các loại hoa màu, rau quả xung quanh vườn nhà như bí đỏ, rau muống, dưa, cà chua, cà rốt… Mỗi ngày Nhông chỉ ăn 1 lần vào lúc sang sớm, nên vào lúc chiều tối phải quét dọn chuồng và lấy hết những loại thức ăn dư thừa; Nhông chỉ lên mặt đất và tìm thức ăn khi trời nắng, còn khí trời mưa hoặc vào mùa mưa thì hầu như chúng không lên khỏi mặt đất nên rất ít tốn thức ăn. Như vậy Nhông chỉ hoạt động trên mặt đất trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9, còn thời gian đẻ và nở trứng từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau và trong thời gian này người nuôi không nên đi lại trong khu nuôi nhiều để tránh làm sập hang ảnh hưởng đến trứng và Nhông con; từ lúc thả giống nuôi đến khi động dục khoảng 5,5 ÷ 6 tháng. Mỗi lứa đẻ được từ 4 ÷ 5 trứng, khoảng 40 ÷ 45 ngày thì trứng nở, sau nở khoảng 30 ÷ 45 ngày là có thể bán làm giống. Ông cho rằng, do thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm và Nhông còn lạ với môi trường nuôi nên tỷ lệ sống chỉ khoảng 80%, nhưng đến nay Nhông đã thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, phát triển tốt, khả năng kháng bệnh cao. Qua gần 10 tháng nuôi ông xuất bán khoảng 40 kg Nhông thương phẩm với giá 300.000 đ/kg (Khoảng 4 ÷ 5 con/kg), nêu bán hết lứa Nhông này ông sẽ thu được khoảng 50 ÷ 60 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí (tiền giống, xây chuồng trại, thức ăn, công lao động), lợi nhuận thu được 35 ÷ 40 triệu đồng. Nhưng hiện nay, ông không xuất bán hết vì dự định của ông là để lại để nhân giống nhằm mở rộng quy mô nuôi và cung cấp giống cho nhu cầu thị trường thì sẽ thu lợi nhuận cao hơn nhiều so với bán thương phẩm.
Việc nuôi Nhông rất dễ so với các loài vật nuôi khác những cho hiệu quả kinh tế cao hơn, ai cũng có thể nuôi được vì “hợp túi tiền” của các hộ gia đình vùng cát, vốn đầu tư ít; thức ăn đơn giản, rẻ, lại dễ kiếm; nếu mở rộng quy mô nuôi thì cũng dễ chủ động được nguồn giống. Vì diện tích đất cát của tỉnh hiện nay còn rất lớn, mong rằng, song song với công tác đầu tư phát triển rừng phòng hộ ven biển thì các ngành, các cấp cần có cơ chế khuyến khích, tăng cường công tác tuyên truyền để tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian đến.
Có thể bạn quan tâm
Sáu tháng đầu năm 2014, sản lượng hải sản ngư dân tỉnh Quảng Nam đánh bắt được tăng so với cùng kỳ, trong đó nghề đánh bắt xa bờ cho sản lượng cao đã giúp ngư dân có thêm nguồn lực đầu tư bám biển.
Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3,5 tỉ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ cho dân trên 157 triệu đồng, bao gồm 100% chi phí tiêm vắc-xin, 20% con giống và 1 cuộc tập huấn; còn lại là vốn đối ứng của dân hơn 3,36 tỉ đồng.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có diện tích nuôi tôm gần 130 nghìn ha, lớn thứ hai ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Sản lượng tôm chất lượng cao của tỉnh đạt hơn 100 nghìn tấn/năm, chiếm gần một phần tư sản lượng tôm chất lượng cao của cả nước. Nuôi tôm đã và đang thật sự là thế mạnh kinh tế của địa phương.
Hơn 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh Bến Tre không xảy ra dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên đầu năm 2014, dịch bệnh xảy ra và bùng phát mạnh ở huyện Mỏ Cày Nam, đầu tiên là xã Cẩm Sơn sau đó là 3 xã An Thới, Định Thủy và An Định. Vì sao dịch bùng phát trở lại và ngành thú y đã làm gì để khống chế hiệu quả?
Thăm mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Trương Văn Thơ ở tổ dân phố 3, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ), tận mắt chứng kiến sự chăm sóc tận tụy của anh, mới hiểu con bò bây giờ đã thực sự trở thành thứ tài sản quý giá với người nông dân.