Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xuất Khẩu Thủy Sản - Chồng Chất Khó Khăn

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xuất Khẩu Thủy Sản - Chồng Chất Khó Khăn
Ngày đăng: 18/06/2012

Chế biến hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải Long (TP.Vũng Tàu)

Tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở đạt mức thấp trong vòng 7 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, lao động không ổn định, lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi các thị trường lớn đều giảm sản lượng nhập khẩu…

Xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh, gần 18% trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu. Năm 2011, toàn tỉnh đã xuất khẩu hơn 117.105 tấn hải sản các loại, đạt kim ngạch hơn 311 triệu USD. Riêng 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ngành hàng này đạt 130 triệu USD, tăng 27%. Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính nhìn chung đã thông thoáng theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp với những giải pháp như: giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, duy trì và ổn định khách hàng, bảo đảm đời sống và việc làm cho người lao động... đã phát huy được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã giảm từ 20% – 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là các doanh nghiệp gặp khó khăn về nhiều mặt như: thiếu lao động, thiếu 
nguyên liệu, khó tiếp cận vốn ngân hàng... Ông Đào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải, cho biết hiện công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 300 - 400 công nhân với nhiều chế độ ưu đãi như nhà ở, tiền lương cao… nhưng thông báo quảng cáo mấy tháng trời vẫn chưa tuyển đủ người.

Thêm vào đó, mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Nếu có tiếp cận được thì giá trị nguồn vốn vay được duyệt cũng không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tùng, việc chậm triển khai quy hoạch, các doanh nghiệp không có giấy phép xây dựng cũng gây khó cho doanh nghiệp trong việc vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến hải sản do sản lượng khai thác giảm đang ngày càng trở nên gay gắt. Điều này khiến cho giá nguyên liệu tăng cao cộng với giá xuất khẩu không tăng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang tìm cách đẩy mạnh thu mua nguyên liệu, tăng sản lượng chế biến, tìm kiếm các thị trường mới. Đặc biệt, để giải bài toán thiếu nhân công lao động, một số doanh nghiệp đã có các giải pháp tích cực như hỗ trợ về nhà ở, chi phí sinh hoạt nhằm thu hút nguồn lao động ở xa. Tại hội nghị về vấn đề tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến hải sản mới đây, ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các ngành chức năng cần nghiên cứu, tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện những giải pháp ưu đãi phù hợp để cứu các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh BR-VT cần tăng cường kiểm soát các ngân hàng thương mại về việc cho vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Riêng Sở Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc 

thu mua hải sản trái phép, đặc biệt là đối với các thương lái nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

Chăn Nuôi Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Và Thân Thiện Với Môi Trường Chăn Nuôi Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Và Thân Thiện Với Môi Trường

Mô hình chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học mà bà con nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng đã hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 (dùng để khử độc, mùi hôi phát sinh từ chất thải chăn nuôi) kết hợp với mùn cưa, trấu, hoặc bột bắp… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh.

21/01/2014
Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Trâu Thương Phẩm Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Trâu Thương Phẩm

Gần giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) lại có nguồn thu lớn từ đàn trâu chuẩn bị xuất chuồng. Năm nay giá bán trâu vẫn duy trì ở mức 30 triệu đồng/1 con, trừ chi phí đàn trâu mang lại nguồn lợi cho gia đình trên 100 triệu đồng.

21/01/2014
Đã Có 11 Khu Bảo Vệ Thuỷ Sản Trên Hệ Đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai Đã Có 11 Khu Bảo Vệ Thuỷ Sản Trên Hệ Đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai

Tỉnh từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã cho thành lập 11 khu bảo vệ thủy sản, với tổng diện tích gần 350, chiếm khoảng 1,5% diện tích đầm phá. Nền tảng để duy trì các khu bảo vệ thủy sản này chủ yếu dựa vào cộng đồng, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ và hưởng lợi của người dân.

22/01/2014
Chủ Động Phòng Chống Rét Cho Cá Chủ Động Phòng Chống Rét Cho Cá

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn tỉnh Lạng Sơn, hiện nay công tác phòng chống rét cho cá trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, nhằm giúp cá lưu qua đông khỏe mạnh, đáp ứng số lượng, chất lượng giống cho vụ nuôi sau và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

22/01/2014
Cá Chép Chờ Ông Táo Về Trời Cá Chép Chờ Ông Táo Về Trời

Ngày 23 tháng Chạp đang đến gần, các trại giống đang tất bật xuống ao quăng chài, thả lưới vây bắt cá chép để phục vụ lễ cúng tiễn ông Táo về trời.

22/01/2014