Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Dúi Túi Đầy Tiền Ở Bình Phước

Nuôi Dúi Túi Đầy Tiền Ở Bình Phước
Ngày đăng: 26/05/2012

Hiện tại, các mô hình nuôi cá, nuôi heo… không còn là cách làm giàu duy nhất mà ngày càng có nhiều nông dân trẻ, chủ trang trại tìm tòi, học hỏi đầu tư chăn nuôi nhiều loại động vật mới lạ, cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi dúi - loại động vật hoang dã, sống trong các vùng đồi núi đã mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều nông dân trong tỉnh Bình Phước.

LÀM CHƠI ĂN THẬT

Là một trong những người đầu tiên nuôi thành công loại động vật hoang dã này, ông Lê Ngọc Cẩn - nông dân ở xã Đồng Tâm (Đồng Phú) cho biết, do có thời gian dài vào rừng đào dúi bán, thấy giá cao, nhiều người đặt mua mà không có để bán nên ông quyết định nuôi thử. Ban đầu, với số vốn ít ỏi, ông chỉ nuôi thử 4 cặp nhưng sau một năm, đàn dúi đã phát triển lên 20 con. Hiện tại với giá từ 500 đến 700 ngàn đồng/cặp dúi sinh sản và hơn 500 ngàn đồng/kg dúi thịt, hàng tháng ông thu về tiền triệu mà không mất nhiều chi phí. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tâm - người đã có nhiều năm nuôi dúi cho biết, mô hình nuôi dúi của gia đình ông Cẩn hứa hẹn nhiều triển vọng và sẽ là mô hình điểm của Hội Nông dân xã để người dân tham quan học hỏi.

Ông Cẩn cho biết, dúi dễ nuôi, chi phí đầu tư ít, không tốn nhiều nhân công, quay vòng vốn nhanh, đầu ra tốt và đặc biệt rất phù hợp với người lớn tuổi, không làm được những việc nặng nhọc. Dúi nuôi từ lúc sinh ra đến khi thành thương phẩm (ăn thịt được) chỉ từ 6 đến 8 tháng. dúi càng già thịt càng ngon. Cứ 3 đến 4 tháng dúi sinh sản một lần và mỗi lứa từ 4 đến 5 con.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm, trong tự nhiên, dúi chủ yếu ăn rễ tre, măng tre, các loại hạt, củ, quả. Khi nuôi trong môi trường nhân tạo cũng cho dúi ăn các loại thức ăn này và cộng thêm mía. Ngoài ra, dúi còn có thể ăn rễ điều, rễ cao su. Trước thực trạng nghề chăn nuôi heo, gà liên tục bị các loại dịch bệnh hoành hành, nhiều rủi ro thì người dân có thể cải tạo chuồng trại nuôi heo chuyển sang nuôi dúi. Khi làm chuồng, nền phải chắc để dúi không thể đào hang bỏ trốn.

Theo ông Cẩn, mô hình nuôi dúi đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là nghề làm chơi ăn thật và không tốn nhiều chi phí thức ăn. Thời gian tới ông sẽ tiếp tục đầu tư thêm chuồng trại để nuôi. Để thực hiện được mô hình này, ông đã và đang nhân giống, trồng mía quanh hàng rào để làm thức ăn cho dúi.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thịt dúi là một trong những món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng, dúi trong tự nhiên ngày càng khan hiếm, dúi thương phẩm không đủ cung cấp cho thị trường và trước nhu cầu ngày càng cao, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nuôi loài vật này. Tuy nhiên, khi chưa được trang bị kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng và chữa bệnh thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Đã có thời gian các sản phẩm ba ba, cá sấu, heo rừng... lên cơn sốt, người dân đổ xô tìm mua, một số nhà hàng trong tình trạng “đói” thịt phải đặt mua với giá cao. Nhưng khi thị trường đã bão hòa, giá thịt ba ba, heo rừng, trăn, rắn... lại rẻ bằng nửa hoặc 1/3 so với thời điểm sốt giá khiến nhiều hộ lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

Dù thịt dúi đang lên cơn sốt và phù hợp với nhu cầu chuyển đổi ngành nghề của người dân, song đây chỉ là mô hình tự phát do người dân tự đầu tư nên cần phải có tài liệu hay công trình nghiên cứu để giúp họ phát triển bền vững nghề nuôi. Ngoài ra, tuy là động vật dễ nuôi nhưng không phải dúi không mắc bệnh. Đặc biệt là khi nuôi với số lượng lớn, dúi có thể bị nhiễm dịch bệnh như một số vật nuôi thông thường khác.

Khi nuôi dúi, người nuôi phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng và khi bán cũng phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trao cho người mua, để họ trình báo với cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm, nuôi dúi không mất nhiều chi phí, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng là vật nuôi mới, nếu không có kinh nghiệm rất dễ gặp rủi ro. Để giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, xã Đồng Tâm đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tham quan mô hình về một số loại cây trồng, vật nuôi mới, khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thịt dúi thơm ngon, ngọt, giàu đạm, tính mát và được đánh giá là loại thức ăn đặc sản. Xương dúi mềm, da dày, giòn ngon như da heo rừng. Từ một món ăn quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số, nay thịt dúi đã trở thành món ăn đặc sản. Ở nhiều nhà hàng, dúi được bán với giá 800 ngàn đồng/kg thịt. Tuy nhiên, để nghề nuôi phát triển bền vững rất cần ngành chức năng có lộ trình nghiên cứu hỗ trợ, giúp đỡ nông dân cả về kinh nghiệm và đầu ra cho sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ nuôi bồ câu thương phẩm Thu tiền tỷ từ nuôi bồ câu thương phẩm

Ông Nguyễn Minh Quang đã rất thành công trong việc nuôi chim bồ câu cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

08/12/2016
Trồng nấm rơm trong nhà cho hiệu quả kinh tế rất cao Trồng nấm rơm trong nhà cho hiệu quả kinh tế rất cao

Không bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa, nắng, trồng nấm rơm trong nhà có thể làm từ 6 - 8 vụ/năm, rơm nguyên liệu giảm, năng suất tăng nên hiệu quả kinh cao

08/12/2016
Nữ kế toán ươm mầm xanh trên cát Nữ kế toán ươm mầm xanh trên cát

Sau 3 năm quăng quật với cát, cô gái trẻ đã biến vùng đất bạc màu thành một trang trại hữu cơ “siêu sạch" ,mỗi năm thu lãi đều đặn hàng trăm triệu đồng

09/12/2016
Thảnh thơi nuôi dê, bỏ túi trăm triệu Thảnh thơi nuôi dê, bỏ túi trăm triệu

Ở độ tuổi 60 nhưng ông Nguyễn Hữu Thành vẫn tìm cho mình niềm vui riêng khi tự mình chăn nuôi gần 100 con dê sạch, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

09/12/2016
Trồng ổi trái vụ, thu 40 triệu đồng/sào Trồng ổi trái vụ, thu 40 triệu đồng/sào

Với ưu điểm dễ tiêu thụ, giá bán cao, ổi trái vụ đang được người dân ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức áp dụng trồng rộng rãi trong những năm gần đây

09/12/2016