Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giúp Sức Nông Dân

Giúp Sức Nông Dân
Ngày đăng: 15/10/2014

Khởi điểm là huyện thuần nông, đa số người dân dựa vào nông nghiệp để vươn lên. Suốt quá trình 15 năm xây dựng và phát triển, huyện Vị Thủy luôn dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn vị trí đặc biệt, coi đó là nền tảng để bứt phá.

Ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, kể: “Vị Thủy là vùng đất trũng, thuần nông, tập quán sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, còn nhiều tàn tích chiến tranh. Hồi đó, cuối tháng 10, tháng 11 (âm lịch) nước vẫn còn ngập tràn đồng, hàng năm chỉ làm một vụ lúa, vậy mà giờ đây đã khác. Sự thay đổi ở huyện này cũng bắt đầu từ nông nghiệp...”.

Chỉ tay về cánh đồng lúa 12 công của gia đình, ông Nguyễn Văn Hùng (Tám Hùng), ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, nhớ lại: “15 năm trước, đê bao đâu có khép kín như bây giờ, làm lúa chỉ ngó trời mà tính, có bơm tưới gì đâu. Bây giờ đã đổi khác thật sự. Nhà nước vận động dân làm đê bao, miễn thuế nông nghiệp, giúp đỡ giống lúa mới. Nông dân tụi tui nhờ vậy cũng ráng làm giàu, tính ra mỗi năm tôi cũng sắm được một cây vàng để dành”.

Trên sân nhà, ông Tám Hùng đang phơi lại mấy bao lúa để chuẩn bị cho các chuyến đi từ thiện của gia đình. Ông nhớ, hơn chục năm trước, một công trúng lắm cũng tầm 20 giạ lúa, còn bây giờ thu hoạch 40-50 giạ/công là chuyện thường. Nếu năm 1999, diện tích trồng lúa có đê bao khép kín toàn huyện Vị Thủy chỉ đạt hơn 21%, thì đến cuối năm 2013, diện tích đê bao khép kín đã gần 98%, năng suất lúa bình quân đạt 6 tấn/ha (năm 1999, năng suất lúa hơn 4,5 tấn/ha).

Nói về sản lượng, 13 năm liên tục huyện Vị Thủy đạt sản lượng lúa trên 200.000 tấn/năm. Đây là những kết quả của quá trình đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở huyện.

Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Văn Vui cho biết, diện tích lúa hàng năm ở huyện luôn duy trì ở mức 45.000ha, riêng diện tích lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đạt 8.000ha. Huyện Vị Thủy trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về đảm bảo nguồn lúa giống tại chỗ, với 70-80% lượng lúa giống được cấp xác nhận trở lên.

Huyện cũng đã hoàn thành cơ giới hóa 100% khâu làm đất, bơm tưới… Khi nông nghiệp được đầu tư, đời sống người nông dân được nâng lên. Nếu thời điểm chia tách, thu nhập bình quân đầu người chỉ gần 4,8 triệu đồng, thì đến cuối năm 2013 con số này gần 27 triệu đồng/người/năm.

Thời gian qua, huyện Vị Thủy thu hút được những dự án hỗ trợ nông dân. Đến cuối năm 2014, dự án Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Vị Thủy (dự án do tổ chức Heifer Việt Nam phối hợp cùng tỉnh thực hiện) sẽ kết thúc ở xã Vị Bình.

Vào năm 2012, 230 hộ dân ở 4 ấp của xã này được hỗ trợ bò cái sinh sản để nuôi, giá trị mỗi con bò từ 13-15 triệu đồng. Ban đầu, mỗi gia đình được hỗ trợ bò cái, 1 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và thêm 2 triệu đồng để giúp người dân có vốn phát triển sản xuất nông nghiệp.

Qua hơn nửa chặng đường thực hiện, do một số hộ dân không đủ điều kiện chăn nuôi, bò nuôi bị bệnh hoặc không phối giống được, nên số hộ được chốt lại 165 hộ tham gia, số bò cái còn 187 con (tùy theo điều kiện, mỗi hộ gia đình sẽ được giao từ 1-4 con bò cái để nuôi). Những con bò này sẽ thuộc sở hữu chính thức của người dân khi họ trả lại dự án con bò cái bằng số ký đã được nhận ban đầu.

Ông Phan Vĩnh Châu, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, chia sẻ: “Tui được giao nuôi 4 con bò, giờ có 3 con sinh rồi, cuối năm sẽ trả bò cho dự án, vậy là 3 con bò cái sinh sản là của mình. Nuôi bò này, hai vợ chồng tui cứ hai ngày dành 3 tiếng đồng hồ đi cắt cỏ. Chỉ tốn công vậy thôi, chứ khi bò bệnh hay phối giống đều có cán bộ dự án giúp đỡ hết, sướng lắm”.

Đến nay, đã có 79 con bò được gửi trả lại dự án, điều này cũng đồng nghĩa có gần bằng số đó hộ dân được cầm chắc trong tay con bò cái sinh sản nặng từ 230-250kg.

Đến giờ, chưa có ai thoát nghèo từ dự án này, nhưng tới đây, khi mỗi người dân đã sở hữu được bò cái sinh sản thì cơ hội giảm nghèo sẽ đến. Hiện dự án này đã chuyển giao những con bò cái mà người dân xã Vị Bình trả cho các hộ dân ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy.

Từng dự án được thực hiện hiệu quả là tiền đề để nền nông nghiệp ở huyện Vị Thủy thay da đổi thịt. Đầu tư cho nông nghiệp, giúp sức nông dân, để nông thôn thay đổi chính là hướng đi giúp huyện Vị Thủy khởi sắc. Bí thư Huyện ủy Vị Thủy Lê Minh Cường nói: “15 năm, một chặng đường không dài, song cũng đủ để làm thay đổi diện mạo của một vùng đất nghèo khó.

Bằng sự nỗ lực không ngừng, đoàn kết một lòng của các thế hệ, mà nền nông nghiệp huyện nhà liên tục phát triển khá theo hướng sản xuất hàng hóa, dựa trên các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả đang hình thành, từ đó đã giúp kinh tế của huyện tăng trưởng ổn định”.


Có thể bạn quan tâm

Thung Lũng Trong Mơ Thung Lũng Trong Mơ

Mưa xiên móc trắng nhờ nhờ khắp triền thung. Lũ hươu đang nằm dài trên bãi cỏ nghe tiếng “lộc lộc” của chủ nhân cả đàn nghển cổ, co giò chạy lại, ngoan như những chú dê con. Mùa xuân cây cối nảy lộc hươu cũng mọc nhung nên người nuôi thường kêu chúng là “lộc, lộc”.

04/10/2014
Làm Rõ Thông Tin Braxin Tạm Ngừng Nhập Khẩu Thủy Sản Việt Nam Làm Rõ Thông Tin Braxin Tạm Ngừng Nhập Khẩu Thủy Sản Việt Nam

Theo đó, trong thời gian qua, một số cơ sở chế biến XK thủy sản phản ánh về việc lô hàng thủy sản của cơ sở không được phép NK vào Braxin do Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng thực phẩm Braxin (MAPA) tạm thời đình chỉ cấp phép NK cho thủy sản và sản phẩm thủy sản từ Việt Nam.

04/10/2014
Tôm, Cá Nuôi Thắng Lớn Tôm, Cá Nuôi Thắng Lớn

Ông Trần Hải Quân, người nuôi tôm thẻ chân trắng ấp 3, xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) nói: "Vụ nuôi tôm biển năm nay khá thuận lợi cả về thời tiết lẫn dịch bệnh, tuy có lúc gặp bất lợi về giá cả, nhưng nhìn chung là thắng lợi.

04/10/2014
Giá Hồng Giòn Chạm Đáy Giá Hồng Giòn Chạm Đáy

Ông Trần Như Dũng, chủ tịch UBND xã Xuân Trường, nơi trồng nhiều hồng giòn nhất TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, hiện các loại hồng tại địa phương chỉ có giá từ 2.500-8.000đ/kg, tùy từng loại hồng.

04/10/2014
Ngô Nội Hoàn Toàn Lép Vế Ngô Nội Hoàn Toàn Lép Vế

Sơn La được coi là vựa ngô của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung với diện tích hơn 152 nghìn ha. Sản lượng thu hoạch chính vụ khoảng 630 nghìn tấn. Năm nay, bà con các dân tộc thuộc tỉnh vùng cao này được mùa ngô, song không vui lắm vì giá ngô xuống thấp hơn so với năm ngoái.

04/10/2014