Nhộn Nhịp Mùa Xuống Giống Hồ Tiêu
Có tiếng là nơi cây tiêu sống bền nhờ ít bệnh vì đất đai, nguồn nước phù hợp nên từ khi giá tiêu tăng cao thì xã Lộc An (Lộc Ninh - Bình Phước) đã trở thành địa chỉ đỏ để nông dân tìm về mua giống. Đó cũng là nguyên nhân diện tích hồ tiêu ở Lộc An tăng vọt. 1 tỷ đồng/ha đất đỏ trồng tiêu là cơn sốt tăng giá đất hay chỉ là giá ảo thời hoàng kim của hồ tiêu ở Lộc An!?
“CHÓNG MẶT” TĂNG DIỆN TÍCH TRỒNG MỚI
Từ quốc lộ 13, theo con đường nhựa Chương trình 135 nối với xã Lộc An, hai bên đường nhiều vườn cao su chương trình tái định canh, định cư đã được thanh lý, màu đất đỏ bazan óng lên dưới nắng. Thi thoảng xen kẽ vườn cao su trồng mới, nhiều hộ dân tộc Xêtiêng dành phần đất để trồng tiêu. Từ trung tâm xã Lộc An tỏa ra những con đường đất đỏ về các ấp, nông dân khẩn trương trồng nọc, che chắn sẵn chờ mưa đều để xuống giống hồ tiêu. Đa số vườn tiêu mới ở Lộc An nông dân trồng bằng nọc giả, bên cạnh là cây keo lai nhỏ để thay thế khi gỗ mục.
Tại ấp 54, anh Nguyễn Phan Quang ở tổ 2, có 0,9 ha đất chuyên canh tiêu đã 10 năm. Năm nay anh Quang chuẩn bị đất xuống giống thêm 700 nọc. Vợ chồng ông Chu Văn Thăng ở tổ 1 khẩn trương phóng nọc để trồng 600 gốc. Ông Nguyễn Văn Quán ở tổ 4, mỗi năm đều đặn xuống giống 1.000 nọc, năm nay tăng lên 2.000 nọc. Ở ấp 6, 7 dọc theo suối Can, nhiều hộ thanh lý vườn điều, lồ ô để trồng tiêu, trong đó có người nhà ở thị trấn Lộc Ninh, nhưng vườn ở Lộc An cũng trồng tiêu rất nhiều. Ông Điểu Bước, Bí thư Đảng ủy xã năm 2012 trồng 700 nọc, năm nay chuẩn bị trồng 1.500 nọc từ đất vườn điều già.
Khi hỏi về diện tích trồng mới hồ tiêu, anh Điểu An, Phó chủ tịch Hội nông dân Lộc An mở cuốn sổ theo dõi diện tích cây trồng lâu năm trong xã: Những năm trước, nông dân Lộc An đa số chuyển diện tích vườn tiêu già, đã chết qua trồng cao su. 3 năm nay khi giá tiêu tăng trở lại, nhà nhà tận dụng vườn điều già năng suất thấp để chuyển qua trồng tiêu. Chỉ trong vụ xuống giống năm 2012, Lộc An đã có thêm 170/320 ha diện tích trồng mới toàn huyện, nâng tổng diện tích hồ tiêu của Lộc An lên 958 ha. Hiện Lộc An trở thành xã có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh. Năm 2013, mới vào vụ trồng mới nên chưa có số liệu cập nhật, nhưng diện tích trồng mới hồ tiêu tại Lộc An còn tăng. Anh An cho biết thêm, năm 2012, một hộ ở ấp 4 đã thanh lý 0,5 ha cao su nhỏ, giống mới, sản lượng cao để trồng tiêu.
Khu vực trồng tiêu trọng điểm của Lộc An tập trung ở các ấp 54, 7, 8 và ấp 4. Nhờ kết cấu đất đỏ bazan nhiều nước, lại có suối Can, khu vực triền đồi ấp 4 cũng là nơi có nhiều vườn tiêu với quy mô 3.000 - 4.000 nọc/hộ.
“SỐT” DÂY TIÊU GIỐNG, “NÓNG” GIÁ ĐẤT
Anh Quang cho biết, nếu người trồng tiêu thuê mướn toàn bộ và trồng bằng nọc thật (nọc lục) thì tổng đầu tư mỗi nọc khoảng 400 ngàn đồng và trồng bằng nọc giả để sau thay dần nọc sống keo lai là 300 ngàn đồng/nọc. Hiện nay, nông dân ở Lộc An chủ yếu trồng bằng nọc giả và chủ động giống, công lao động nên giá thành cao nhất chỉ khoảng 100 ngàn đồng/nọc.
Giá dây tiêu năm 2012 là 250 ngàn đồng/nọc, nay đã tăng lên 300 ngàn với giống tiêu Vĩnh Linh, tiêu Trung là 400 ngàn đồng nhưng người bán chỉ cho cắt tối đa 10 dây/nọc, còn lại để bấm đọt qua năm cho thu hoạch. Mỗi sào đất trồng 200 - 220 nọc. Năm thứ 2 cho thu hoạch bói, năm thứ 3 vào vụ chính với sản lượng ít nhất đạt 3 - 6 kg/nọc. Nếu so sánh thì không có cây công nghiệp nào cho giá trị kinh tế cao như hồ tiêu. Muốn mua dây tiêu ở Lộc An thì người trồng phải đặt trước từ đầu mùa vụ. Năm nay, anh Quang cũng đặt trước giống tiêu cho người bà con ở tỉnh Đắk Nông xuống giống 1 ha tiêu.
Nghịch lý là năm 2013, giá cao su giảm sâu kéo theo giá đất giảm khoảng 1/3 so với 2 năm trước, nhưng ở Lộc An giá đất lại nhảy vọt. Đất đỏ vườn cao su hoặc vườn tiêu già được “hét” 900 triệu đến 1,1 tỷ đồng/ha; đất đen pha cát là 450 - 500 triệu đồng/ha. Anh Phan Trang, Chủ tịch MTTQ xã cho rằng đây chỉ là giá ảo. Bởi đất ở Lộc An chủ yếu sản xuất nên giá thực đất đỏ có đường giao thông thuận lợi chỉ khoảng 500 triệu đồng/ha. Những hộ trồng mới hồ tiêu ở Lộc An chủ yếu đã có vườn tiêu, có vốn và kinh nghiệm chăm sóc. Đất trồng tiêu là từ vườn điều, tre thanh lý. Chưa ai dám trồng tiêu trên nền đất trước đây là vườn tiêu chết.
Anh Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết, từ khi giá tiêu tăng trở lại thì Lộc Ninh trở thành địa chỉ người trồng tiêu cả nước tìm đến mua giống. Đặc biệt, ở Lộc An có tiếng là nơi cây tiêu ít bệnh, sống bền nên sau tết Nguyên đán nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt mua dây giống. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tăng nhanh diện tích trồng mới hồ tiêu nơi đây.
Hội nông dân huyện và các xã cũng đã khuyến cáo người dân thận trọng đầu tư trồng mới vườn tiêu, tránh cung vượt cầu. Đặc biệt là thiếu nước tưới trong mùa khô, khi nhà nhà móc ao, khoan giếng tìm nguồn nước. Tuy nhiên, trước sức hút của giá trị kinh tế từ hồ tiêu thì nông dân Lộc Ninh nói chung và Lộc An vẫn đang ồ ạt tăng diện tích trồng tiêu trong mùa mưa này.
Có thể bạn quan tâm
Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2015 - 2020 là tiến hành quan trắc môi trường tại 30 điểm nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy.
Thời gian qua, giá cao su giảm mạnh khiến nhiều người trồng cao su lo lắng, thì gia đình anh Trần Văn Hùng, thôn Lạc Sơn, xã Gio Sơn (huyện Gio Linh,Quảng Trị) vẫn có nguồn thu nhập ổn định nhờ biết tận dụng bóng mát lô cao su để chăn nuôi gà ta thả vườn.
Gà Đông Tảo là thương hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên, có đặc điểm nổi bật là cặp chân to, xấu xí, thô ráp nhưng thịt giòn và thơm ngon. Chân gà càng to thì càng hiếm, giá càng cao. Giống gà Đông Tảo rất khó nuôi nên giá luôn ở mức cao, nhất là trong dịp tết.
Ông Năm Nhãn thiết kế nền chuồng bằng xi măng, chung quanh được xây tường cao 1,5 m, trong chuồng được chia thành nhiều ô, mỗi ô có diện tích 1,5 m2, vách ngăn các ô được làm bằng lưới sắt. Nhím là loại ăn tạp nên không kén thức ăn, chủ yếu ăn rau, củ, quả và các sản phẩm nông nghiệp như: cám, gạo, bắp, khoai lang...
Ngày 16/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã chủ trì cuộc họp với UBND huyện Đơn Dương, đại diện Cty sữa Đà Lạt Milk (nay là TH true Milk) nhằm kiểm tra, đánh giá và tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn mà ngành chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng đang gặp phải trong thời gian gần đây.