Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phá Sản Vì Nuôi Con Đặc Sản Tự Phát

Phá Sản Vì Nuôi Con Đặc Sản Tự Phát
Ngày đăng: 08/07/2013

Thời điểm này, nhiều hộ nuôi con đặc sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ vì giá một số loại con đặc sản xuống thấp hoặc không có đầu ra.

Lỗ nặng

Mấy năm trước đây, phong trào nuôi nhím phát triển rầm rộ ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh, nhiều hộ bán giống thu lãi hàng trăm triệu đồng. Thấy vậy, cuối năm 2010, ông Nguyễn Văn Hạ, thôn Sàn, xã Tân Thanh (Lạng Giang) cải tạo dãy chuồng lợn để nuôi loại đặc sản này.

Bằng số tiền gia đình ky cóp nhiều năm cộng với vay ngân hàng tổng cộng được 200 triệu đồng, ông dồn hết vào mua 15 đôi nhím giống. Đôi thấp nhất giá 13 triệu đồng, cao nhất 36 triệu đồng. Sau hơn một năm, đàn nhím bố mẹ bắt đầu sinh sản. Những tưởng sẽ hốt bạc nhưng ngay lứa đầu tiên, nhím rớt giá trầm trọng. Ông Hạ nói: "Để vớt vát lấy vốn, năm 2012, tôi bán chạy đàn nhím bố mẹ nhưng cũng chỉ được 4 đôi với giá 5 - 6 triệu đồng/đôi. Từ đó, đến nay, chẳng thấy ai hỏi mua nhím giống, dù giá ngày một giảm, hiện chỉ còn 2 triệu đồng/đôi.

Nuôi cầm cự vừa tốn công, lại tốn tiền mua rau, củ quả cho ăn nên tôi liên hệ với các nhà hàng bán đổ, bán tháo nhím thịt với giá 140 nghìn đồng/kg nhưng mỗi tháng chỉ được 1-2 con (mỗi con chưa được 600 nghìn đồng). Tính ra, tôi bị lỗ gần 200 triệu đồng. Số tiền nợ ngân hàng, gia đình tôi đành phải gồng lưng làm lụng để trả nợ".

Tương tự gia đình anh Nguyễn Văn Phương, thôn Tuấn Thịnh cùng xã cũng vay mượn ngân hàng nuôi 10 đôi nhím từ năm 2009. Đúng lúc được bán nhím thì giá giảm, vì thế nhà anh bị lỗ 50 triệu đồng. Hiện nay, hằng tháng gia đình anh vẫn phải trả tiền lãi ngân hàng, không biết khi nào mới hết nợ.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Hiên, thôn Đức Giang, xã Đông Phú (Lục Nam) cũng bị thiệt hại đáng kể. Ông Hiên cho biết: "Trước đây, gia đình tôi nuôi 20 đôi nhím giống. Cứ mỗi đôi nhím thoai (7 - 8 kg/con) bán được 25 triệu đồng. Nhưng từ đầu năm đến nay, nhím giống ế ẩm, đành phải thải loại dần theo giá nhím thịt, 30 con chưa được 30 triệu đồng, lỗ gần 100 triệu đồng".

Cũng như các hộ nuôi nhím, thời điểm này trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ nuôi chồn nhung đen đang rơi vào cảnh "khóc dở, mếu dở". Gia đình ông Trần Xuân Động ở thôn Dạo Lưới, xã Đông Phú (Lục Nam) là ví dụ. Đầu năm 2012, Công ty Đoàn Việt Châu (Hà Nội) cử người về xã quảng cáo nuôi chồn nhung đen lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh nên gia đình ông nuôi thử. Ông mua 20 đôi giống của công ty với giá 4 triệu đồng/đôi, lắp đặt lồng sắt tổng cộng mất 100 triệu đồng. Công ty hứa sẽ thu mua chồn thương phẩm với giá 1 triệu đồng/con.

Chỉ sau 2,5 tháng, chồn bắt đầu sinh sản, tổng đàn lên tới hơn 200 con, chi phí thức ăn khá tốn kém nhưng người của công ty bặt vô âm tín. Gia đình ông như ngồi trên đống lửa, lãi chẳng thấy đâu, chỉ mong thu hồi vốn cũng không được.

Ông Động nói: "Giờ đây mất cả trăm triệu đồng chưa kể chi phí thức ăn mà gia đình tôi chẳng biết bán cho ai. Do là vật nuôi mới, không giống gà hay vịt mà đem bán ở chợ được, đành cứ nuôi mà ôm nợ". Hơn 40 hộ dân ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cũng chung tình cảnh như gia đình ông Động. Hầu hết các hộ đều phải vay lãi người thân và ngân hàng nên càng rơi vào cảnh túng quẫn. Ngoài mô hình nuôi chồn nhung đen, nhím, hiện nay nhiều hộ dân nuôi con đặc sản khác như: rắn, ba ba, lợn rừng, hươu sao... cũng không bán được sản phẩm.

Không nên nuôi tự phát

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 989 cơ sở chăn nuôi con đặc sản với tổng số hơn 21 nghìn con các loại như: nhím, rắn, hươu sao, lợn rừng, chim trĩ, ba ba, kỳ đà. Trong đó, có 721 cơ sở nuôi nhím sinh sản và thương phẩm với số lượng gần 2.500 con nằm rải rác ở tất cả các huyện, thành phố. Nguyên nhân khiến các hộ bị thua lỗ nặng là do những năm qua, nhiều hộ nhận thấy giá giống con đặc sản cao, nhất là nhím nên ồ ạt nuôi mà không mấy ai quan tâm đến đầu ra hay ký kết hợp đồng tiêu thụ trước khi đầu tư. Chỉ số ít người đi trước nuôi con đặc sản thì có lời do bán con giống, còn những người đi sau lâm vào cảnh nuôi cũng dở, bỏ không xong.

Bên cạnh đó, nuôi con đặc sản là để khai thác thế mạnh cạnh tranh bởi số ít và quý hiếm nhưng thời gian qua nhiều hộ nuôi nên con giống bão hoà, nguồn cung vượt cầu. Nhất là giá nhím giống tăng cao khiến giá thành tăng, khó tiêu thụ. Các hộ nuôi chồn thì nắm "đằng lưỡi", quá tin theo lời hứa của các công ty nên bị thua thiệt nặng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: "Tuy con đặc sản không được đưa vào chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá của tỉnh nhưng đây là vật nuôi có ưu thế, góp phần cân bằng môi trường sinh thái, bảo tồn, nhân giống các loại động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Bởi vậy, các hộ dân có thể đưa vào sản xuất để tăng thu nhập nhưng không nên nuôi ồ ạt mà cần khảo sát kỹ thị trường hoặc có hợp đồng bao tiêu sản phẩm".

Bên cạnh đó, hiện nay các hộ chủ yếu nuôi dựa trên kinh nghiệm, chưa có quy trình chính thức nên Chi cục Thú y, Chi cục Kiểm lâm cần phối hợp với các huyện theo dõi và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp quản lý để tránh nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành chức năng cần nghiên cứu về các đối tượng con đặc sản để cung cấp thông tin dự báo cho nông dân. Riêng chồn nhung hiện chưa có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh vì thế cần có biện pháp tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế và môi trường.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Hướng An Toàn, Bền Vững Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Hướng An Toàn, Bền Vững

Đó là diễn đàn được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông –Lâm –Ngư Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 22/7, với sự tham dự của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tỉnh ven biển miền Trung và một số hộ nuôi tôm trên cát.

24/07/2014
Dự Án Nuôi Bò Thịt Ấp Đường Liếu, Xã Ngũ Lạc Thu Về Lợi Nhuận Hơn 320 Triệu Đồng Dự Án Nuôi Bò Thịt Ấp Đường Liếu, Xã Ngũ Lạc Thu Về Lợi Nhuận Hơn 320 Triệu Đồng

Ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Lạc (Trà Vinh) cho biết: Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 400 triệu đồng cho Dự án nuôi bò thịt ấp Đường Liếu, xã Ngũ Lạc; sau 01 năm đầu tư, lợi nhuận thu được là hơn 320 triệu đồng, bình quân mỗi hộ tham gia nuôi bò lãi 14 triệu đồng/năm.

24/07/2014
Cà Phê Chồn Trên Đất Đồng Nai Cà Phê Chồn Trên Đất Đồng Nai

Cà phê chồn được xếp vào loại đồ uống quý hiếm và đắt tiền nhất trong các loại cà phê. Đây là loại cà phê được thu nhặt từ phân của con chồn hương, hiện nổi tiếng khắp thế giới, được săn lùng vì thơm ngon hơn hẳn các loại cà phê thường.

01/04/2014
Muốn Ăn Rau Sắng Chùa Hương... Muốn Ăn Rau Sắng Chùa Hương...

Rau sắng là loài rau khá đặc biệt, từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch đầu tiên phải mất từ ba đến năm năm và sau mười năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Rau sắng thường mọc trong rừng sâu, trên những vách núi cao. Những cây mọc trên vách núi cao thì tuổi đời cây càng cao, chất lượng rau càng ngon ngọt lạ thường.

24/07/2014
Trái Cây Chợ Lách Trúng Giá Trái Cây Chợ Lách Trúng Giá

Vài tuần trở lại đây, các loại trái cây trên địa bàn huyện Chợ Lách (Bến Tre) được giá, riêng chôm chôm thì giá cao gấp 3, 4 lần so với thời điểm này năm trước.

01/04/2014