Giúp Sức Nông Dân
Khởi điểm là huyện thuần nông, đa số người dân dựa vào nông nghiệp để vươn lên. Suốt quá trình 15 năm xây dựng và phát triển, huyện Vị Thủy luôn dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn vị trí đặc biệt, coi đó là nền tảng để bứt phá.
Ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, kể: “Vị Thủy là vùng đất trũng, thuần nông, tập quán sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, còn nhiều tàn tích chiến tranh. Hồi đó, cuối tháng 10, tháng 11 (âm lịch) nước vẫn còn ngập tràn đồng, hàng năm chỉ làm một vụ lúa, vậy mà giờ đây đã khác. Sự thay đổi ở huyện này cũng bắt đầu từ nông nghiệp...”.
Chỉ tay về cánh đồng lúa 12 công của gia đình, ông Nguyễn Văn Hùng (Tám Hùng), ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, nhớ lại: “15 năm trước, đê bao đâu có khép kín như bây giờ, làm lúa chỉ ngó trời mà tính, có bơm tưới gì đâu. Bây giờ đã đổi khác thật sự. Nhà nước vận động dân làm đê bao, miễn thuế nông nghiệp, giúp đỡ giống lúa mới. Nông dân tụi tui nhờ vậy cũng ráng làm giàu, tính ra mỗi năm tôi cũng sắm được một cây vàng để dành”.
Trên sân nhà, ông Tám Hùng đang phơi lại mấy bao lúa để chuẩn bị cho các chuyến đi từ thiện của gia đình. Ông nhớ, hơn chục năm trước, một công trúng lắm cũng tầm 20 giạ lúa, còn bây giờ thu hoạch 40-50 giạ/công là chuyện thường. Nếu năm 1999, diện tích trồng lúa có đê bao khép kín toàn huyện Vị Thủy chỉ đạt hơn 21%, thì đến cuối năm 2013, diện tích đê bao khép kín đã gần 98%, năng suất lúa bình quân đạt 6 tấn/ha (năm 1999, năng suất lúa hơn 4,5 tấn/ha).
Nói về sản lượng, 13 năm liên tục huyện Vị Thủy đạt sản lượng lúa trên 200.000 tấn/năm. Đây là những kết quả của quá trình đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở huyện.
Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Văn Vui cho biết, diện tích lúa hàng năm ở huyện luôn duy trì ở mức 45.000ha, riêng diện tích lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đạt 8.000ha. Huyện Vị Thủy trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về đảm bảo nguồn lúa giống tại chỗ, với 70-80% lượng lúa giống được cấp xác nhận trở lên.
Huyện cũng đã hoàn thành cơ giới hóa 100% khâu làm đất, bơm tưới… Khi nông nghiệp được đầu tư, đời sống người nông dân được nâng lên. Nếu thời điểm chia tách, thu nhập bình quân đầu người chỉ gần 4,8 triệu đồng, thì đến cuối năm 2013 con số này gần 27 triệu đồng/người/năm.
Thời gian qua, huyện Vị Thủy thu hút được những dự án hỗ trợ nông dân. Đến cuối năm 2014, dự án Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Vị Thủy (dự án do tổ chức Heifer Việt Nam phối hợp cùng tỉnh thực hiện) sẽ kết thúc ở xã Vị Bình.
Vào năm 2012, 230 hộ dân ở 4 ấp của xã này được hỗ trợ bò cái sinh sản để nuôi, giá trị mỗi con bò từ 13-15 triệu đồng. Ban đầu, mỗi gia đình được hỗ trợ bò cái, 1 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và thêm 2 triệu đồng để giúp người dân có vốn phát triển sản xuất nông nghiệp.
Qua hơn nửa chặng đường thực hiện, do một số hộ dân không đủ điều kiện chăn nuôi, bò nuôi bị bệnh hoặc không phối giống được, nên số hộ được chốt lại 165 hộ tham gia, số bò cái còn 187 con (tùy theo điều kiện, mỗi hộ gia đình sẽ được giao từ 1-4 con bò cái để nuôi). Những con bò này sẽ thuộc sở hữu chính thức của người dân khi họ trả lại dự án con bò cái bằng số ký đã được nhận ban đầu.
Ông Phan Vĩnh Châu, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, chia sẻ: “Tui được giao nuôi 4 con bò, giờ có 3 con sinh rồi, cuối năm sẽ trả bò cho dự án, vậy là 3 con bò cái sinh sản là của mình. Nuôi bò này, hai vợ chồng tui cứ hai ngày dành 3 tiếng đồng hồ đi cắt cỏ. Chỉ tốn công vậy thôi, chứ khi bò bệnh hay phối giống đều có cán bộ dự án giúp đỡ hết, sướng lắm”.
Đến nay, đã có 79 con bò được gửi trả lại dự án, điều này cũng đồng nghĩa có gần bằng số đó hộ dân được cầm chắc trong tay con bò cái sinh sản nặng từ 230-250kg.
Đến giờ, chưa có ai thoát nghèo từ dự án này, nhưng tới đây, khi mỗi người dân đã sở hữu được bò cái sinh sản thì cơ hội giảm nghèo sẽ đến. Hiện dự án này đã chuyển giao những con bò cái mà người dân xã Vị Bình trả cho các hộ dân ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy.
Từng dự án được thực hiện hiệu quả là tiền đề để nền nông nghiệp ở huyện Vị Thủy thay da đổi thịt. Đầu tư cho nông nghiệp, giúp sức nông dân, để nông thôn thay đổi chính là hướng đi giúp huyện Vị Thủy khởi sắc. Bí thư Huyện ủy Vị Thủy Lê Minh Cường nói: “15 năm, một chặng đường không dài, song cũng đủ để làm thay đổi diện mạo của một vùng đất nghèo khó.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, đoàn kết một lòng của các thế hệ, mà nền nông nghiệp huyện nhà liên tục phát triển khá theo hướng sản xuất hàng hóa, dựa trên các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả đang hình thành, từ đó đã giúp kinh tế của huyện tăng trưởng ổn định”.
Related news
Người nuôi cá ở tỉnh Ifigao, Philippin, đã tìm ra một phương án mới để tăng thu nhập cho mình. Các hợp tác xã nuôi cá địa phương tin rằng họ có thể tăng gấp đôi thu nhập của mình thông qua nuôi ghép cá rô phi và tôm.
Dong thuyền ngay con trăng đầu tiên trước thềm năm mới, hàng ngàn ngư dân bỏ lại niềm vui ngày Tết ở quê nhà để thu được những mẻ lưới đầy ắp hải sản. Những ngư dân ấy vừa cho tàu cập bến trong niềm hân hoan thắng lợi đầu năm mới…
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến cáo các hộ nuôi tôm ở vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành lùi lịch thời vụ thả tôm giống, chờ đến khi thời tiết ấm lên và môi trường ổn định trở lại mới bắt đầu thả giống.
Qua khảo sát của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, đến nay, 70% cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau sản xuất với qui mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, công nghệ còn hạn chế.
Rộng trên 40ha, năng suất bình quân đạt khoảng 45 tạ/ha/vụ, cao hơn từ 2-10 tạ/ha/vụ so với bình quân nhiều địa phương miền núi trong tỉnh... Vì vậy cánh đồng Làng Mùng, thuộc xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) được ví là "cánh đồng vàng".