Chuyển Lúa Vụ 3 Sang Trồng Màu Ai Lo Đầu Ra Cho Nông Dân?
Thời gian gần đây, cụm từ chuyển đổi đất sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) sang trồng màu đã không ít lần được một số nhà chuyên môn lẫn lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhắc đến. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: “chuyển sang trồng màu, ai lo đầu ra cho nông dân?
Ai sẽ lo đầu ra cho nông dân khi khuyến khích họ bỏ lúa vụ 3 chuyển sang trồng màu? Trong ảnh là nông dân thành phố Cần Thơ thu hoạch lúa vụ 3 năm 2012 - Ảnh: Trung Chánh
Câu chuyện vỡ bờ bao
Trong những năm 2009 - 2011, mà đỉnh điểm là năm 2011, nhận lệnh từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều địa phương ĐBSCL đẩy mạnh việc đấp đê bao khép kín trồng lúa vụ 3 với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, sản xuất ra nhiều lúa gạo hơn phục vụ xuất khẩu.
Còn nhớ vào năm 2011, ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp - địa phương có lúa vụ 3 bị thiệt hại nặng do vỡ bờ bao gây nên thì vào thời điểm đó, không ít hộ nông dân ở cánh đồng Cà Vàng, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, cho biết dù không đồng thuận với chính quyền địa phương trong việc xuống giống lúa vụ 3 nhưng địa phương vẫn bắt ép nông dân làm.
Kết quả, sau khoảng 30 ngày gieo sạ, vào đêm 2-10-2011, toàn bộ diện tích cánh đồng Cà Vàng, bị nhấm chìm trong nước lũ. Hậu quả, không chỉ tiền tỉ của nông dân trôi theo nước lũ mà hàng ngàn ngày công lao động của bà con nông dân, lực lượng bộ đội, dân quân… phút chốc cũng tan biến.
Nguyên nhân dẫn đến hậu quả vụ vỡ đê năm 2011 ở Tân Hồng, Đồng Tháp được xác định do hệ thống đê bao khép kín quá yếu, trong khi nước lũ về nhiều. Bà con nông dân ở xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, cho biết hệ thống đê bao của cánh đồng Cà Vàng vừa mới thi công xong đã tiến hành đưa vào gieo sạ ngay nên không chịu nổi áp lực nước về nhiều.
Ông Phùng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, cho biết đợt vỡ đê năm 2011, huyện Tân Hồng có 3 tuyến đê bao bị vỡ gồm, bờ Nam - Bắc Cả Mũi và cánh đồng Cà Vàng, gây thiệt hại trên 30 tỉ đồng, chỉ tính riêng thiệt hại về lúa.
Tuy nhiên, trả lời báo chí thời điểm đó, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết việc mở rộng diện tích lúa vụ 3 ở ĐBSCL là một chủ trương đúng, nhằm tăng thêm 1 triệu tấn lương thực bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và phục vụ xuất khẩu, dù không ít nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về những mối nguy từ lúa vụ 3 đem lại.
Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về việc canh tác lúa vụ 3, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái và các hệ thống tự nhiên ở ĐBSCL, cho biết lợi ích của sản xuất lúa vụ 3 là cung cấp một lượng gạo phục vụ cho xuất khẩu, giúp Việt Nam giữ được ngôi vị nhất, nhì trong xuất khẩu, mang lại ngoại tệ cho quốc gia. Bên cạnh đó, tạo việc làm cho người nông dân, mang lại thu nhập cho họ, đó là những yêu cầu trước mắt.
Tuy nhiên, theo ông Thiên, khi xét về lợi ích và chi phí canh tác lúa vụ 3 cũng như những tác động đến môi trường, thì cái mất của lúa vụ 3 sẽ nhiều hơn cái được.
Kêu nông dân ngưng sản xuất lúa vụ 3
Mới đây, tại hội nghị “Mua tạm trữ thóc, gạo tại ĐBSCL” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào cuối tháng 5-2013, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, kêu gọi các địa phương ĐBSCL kéo giảm diện tích lúa vụ 3 xuống, thay vào là canh tác cây màu.
Theo ông Phong, hiện tình trạng dư cung lương thực trên thế giới ngày càng gia tăng, đặc biệt, tồn kho lớn ở Ấn Độ, Thái Lan làm xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đặt vấn đề: Không sản xuất lúa vụ 3 nông dân sản xuất cái gì? Ai lo đầu ra cho họ?
“Tôi từng tiếp xúc với nhiều bà con nông dân, người ta nói tôi làm lúa vụ 3 lãi không nhiều nhưng dù sao cũng kiếm được chút đỉnh tiền để sống, để lo cho con ăn học, lo những lúc ốm đau bệnh tật trong thời buổi kinh tế khó khăn”, ông Bảnh cho biết.
Theo ông Bảnh, hiện ngành nông nghiệp đang khuyến khích nông dân chuyển sang trồng cây này, nuôi con kia… “Nhưng có ông nào dám nói trong vùng này trồng được cây gì? nuôi được con gì không?”, ông đặt vấn đề.
Thực tế, mô hình chuyển đổi canh tác từ lúa sang màu được trường Đại học Cần Thơ hay Viện lúa ĐBSCL triển khai rất nhiều thời gian qua. Tuy nhiên, ông Bảnh cho biết: “Có cái bất cập đối với trồng rau màu, nếu trong 1 xã có 5-10 người trồng thì người trồng rau màu sẽ mau làm giàu hơn trồng lúa nhưng nhiều người cùng trồng thì rau màu lại bán không được”.
Thiết nghĩ, khuyến cáo bà con giảm diện tích lúa vụ 3, về chủ trương cái này nghe qua thì đúng, phù hợp với quy luật cung cầu, tức lúa gạo bây giờ thừa, phải chuyển sang cây trồng khác nhưng trồng rồi bán ở đâu, cho ai?
“Ví dụ tôi là HĐND thành phố Cần Thơ, tôi tiếp xúc cử tri quận Ô Môn, tôi khuyến cáo nông dân trồng mè. Qua đợt tiếp xúc cử tri lần sau, bà con ở Ô Môn khen và nói tôi chỉ họ trồng mè, giờ lãi to lắm. Thế là, nông dân trồng tiếp tục, tiếp tục và đợt tiếp xúc cử tri sau nữa, nông dân chửi tôi, họ nói tôi khuyến cáo họ trồng giờ bán chỉ có 3.000 đồng/kí lô gam nhưng không ai mua. Ai sẽ là người chịu hay nông dân chịu?", ông Bảnh cho biết.
Vấn đề quan trọng hiện nay, không phải khuyển cáo nông dân chuyển lúa vụ 3 sang trồng cây gì mà cần làm rõ là bán ở đâu, bán cho ai? “Tôi dám chắc, bây giờ không ông nào khẳng định được cả”, ông Bảnh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 30/5 sắp sạ lúa trong đất 3 vụ, khi được tôi hỏi có thích làm 3 vụ hay không thì anh Ba Lố một nông dân làm ruộng cạnh tôi trả lời rằng: "Ở không chẳng biết làm gì, người ta làm mình phải làm theo, chẳng lẽ bỏ ruộng không làm, chứ giá lúa thấp như vầy, giá vật tư lại cao như vậy, thì hổng có ham làm 3 vụ một chút nào cả, giá lúa vầy hoài chắc gia đình tôi phải lên Bình Dương kiếm sống, chớ làm ruộng sống không nổi".
Anh Dương Hồng Phát, 38 tuổi ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi và dịch vụ máy nông nghiệp bảo đảm thu nhập ổn định
Xã An Hải (Ninh Phước) có tổng diện tích tự nhiên 2.098,2 ha, trong đó có trên 1.000 ha đất nông nghiệp nhưng có tới 50% là đất cát bạc màu. Nhưng chính trên mảnh đất khô cằn, nóng bỏng này thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho nguồn nước ngầm dồi dào, giúp nông dân canh tác quanh năm và hình thành vùng trồng rau an toàn (RAT) nổi tiếng tại tỉnh ta.
Vụ mùa 2013, huyện Lâm Bình kế hoạch gieo cấy 1.513 ha, trong đó có 986,4 ha lúa lai. Các xã có nhiều diện tích là Thượng Lâm 315 ha, Lăng Can 273 ha, Thổ Bình 214 ha…
Thuận Bắc là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, do địa hình nhiều đồi núi nên loại đất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp không nhiều. Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác lợi thế, phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên ở các xã có nhiều đồi núi, Thuận Bắc xác định phải hướng dẫn nông dân biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp.