Trồng Cam Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Theo quốc lộ 14 đi thành phố Buôn Ma thuột, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 20 km chúng tôi ghé vào thôn 11 xã Nâm Njang thăm một gia đình nông dân sản xuất giỏi - anh Hoàng Quốc Hùng.
Sinh ra và lớn lên tại thị xã Phúc Yên - tỉnh Vĩnh Phú, là người có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát lại rất dễ hoà đồng. Qua những gì mà anh, chị kể lại cho thấy đây là một gia đình có nhiều suy nghĩ đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám vươn lên làm giàu từ hai bàn tay lao động.
Năm 1994 anh rời quê hương miền trung du Bắc bộ vào với Tây nguyên, miền đất đỏ ba gian đầy hứa hẹn. Ban đầu, cũng như bao người khác anh bôn ba khắp các tỉnh như: Gia Lai, Kon Tum, thành phố Buôn Ma thuột... nhưng chưa thấy nơi nào lý tưởng để dừng chân, anh lại tiếp tục đi và điểm cuối cùng anh chọn để ở lại lập nghiệp cho đến nay là thôn 11, xã Nâm Njang, Đăk Song tỉnh Đăk Lăk cũ nay thuộc tỉnh Đăk Nông.
Còn nhớ lúc bấy giờ nơi đây rất hoang vắng, xung quanh là rừng núi rậm rạp, chim kêu, vượn hót, chẳng quản khó nhọc anh quyết tâm biến vùng đất hoang vu này thành những vườn cà phê, vườn tiêu xanh trĩu quả. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đa dạng hóa cây trồng, qua tìm hiểu khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng và học hỏi kinh nghiệm từ những vùng xung quanh kết hợp với chút kinh nghiệm trồng cam của bố mẹ để lại (vì trước đây bố mẹ của anh đều trồng cam ở nông trường cam sành Bố Hạ tỉnh Vĩnh Phúc). Đến năm 2002 anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng 0,7ha cam sành (600 gốc), sau 8 năm trồng nhờ đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật đến nay đã thu được kết qủa khả quan.
Năm 2005, sau khi trồng được 3 năm vườn cam chỉ cho thu bói được vài chục triệu đồng thì đến năm 2009 vườn cam của anh đã cho thu nhập trên 200 triệu, sau khi trừ chi phí đầu tư cũng thu về cho gia đình trên 150 triệu đồng tiền lãi.
Qua lời tâm sự của anh chúng tôi được biết để có vườn cam như ngày hôm nay không dễ chút nào, phần vì cây cam là cây rất mẫn cảm với sâu bệnh, bên cạnh đó kỹ thuật chăm sóc đòi hỏi cao hơn những cây trồng khác. Nhưng nhờ những kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế kết hợp với các nguồn thông tin khác như sách, báo, đài và qua các lớp tập huấn của Khuyến nông nên mô hình đã đem lại kết quả cao ngoài dự kiến.
Anh cho biết thị trường tiêu thụ cam của gia đình anh chủ yếu là những khách hàng quen khó tính ở Hà Nội và một số đại lý buôn bán trái cây ở Thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Gia Nghĩa, nên trong quá trình canh tác luôn đảm bảo khâu an toàn thực phẩm. Cây cam cũng giống như những loại cây trồng khác đòi hỏi phải đầu tư phân bón, nhưng là loại cây ăn trái khó tính nên anh phải lựa chọn các loại phân chuyên dùng cho cây ăn trái, trong khi đó thị trường Đăk Nông chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày nên trên thị trường rất hiếm các loại phân chuyên dùng cho cây ăn trái.
Do vậy, anh phải đặt hàng và mua phân ở nơi khác, hàng năm anh bón cho vườn cam từ 4-5 lần, mùa khô kết hợp với tưới nưới nên vườn cam của anh thu hoạch quanh năm. Dự tính năm 2010 vườn cam của anh sẽ thu được 250 triệu, sau khi trừ chi phí còn lại 200 triệu đồng tiền lãi. Được biết gia đình anh còn lại 1 ha diện tích đất trống nên anh có hướng phát triển thêm diện tích trồng cam để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các đại lý, khách hàng quen tại thành phố Hà Nội.
Để có được thành quả trên, ngoài sự cần cù, chịu thương, chịu khó, một nắng hai sương của gia đình anh còn nhờ vào sự áp dụng đúng tiến bộ khoa học kỹ thuật dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng mới hiệu quả cao thay thế cây trồng cũ kém hiệu quả. Không chỉ dừng lại ở cây cam anh còn phát triển thêm một số loại cây trồng có giá trị khác như cây mắc ca, hồng...
Như vậy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao của người nông dân là một việc làm luôn nhận đựơc sự quan tâm, khuyến khích của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, nhất là đối với những cây trồng có triển vọng kinh tế cao cần được nhân rộng ở nhiều nơi.
Có thể bạn quan tâm
Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, sức tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm giảm mạnh, giá trứng, thịt gia cầm cũng giảm theo, làm người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Tại hầu hết các địa phương, nông dân đều đứng ngồi không yên bởi giá lúa giảm khá sâu ở tất cả các loại, từ lúa thường đến lúa thơm. Chính các thương lái cũng tỏ ra bất ngờ trước tình trạng này.
Từ khi thực hiện mô hình sản xuất đưa hoa màu xuống ruộng, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long, Bạc Liêu) đã ăn nên làm ra. Hiện nay, cây bắp được nông dân xem như một trong những loại hoa màu chủ lực.
Hồ tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, nhiều nơi người dân ồ ạt trồng tiêu với diện tích lớn nhưng chủ yếu theo hình thức tự phát và chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia tư vấn, các nhà chuyên môn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu chết hàng loạt trong thời gian qua.
Việc nông dân lệ thuộc vào thương lái, DN lại e ngại làm các thủ tục xuất khẩu theo đường chính ngạch không chỉ làm giá trị trái thanh long giảm sút, mà còn gặp rủi ro cao khi phải xuất bán bằng đường tiểu ngạch.