Giúp người dân vùng khó nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Sau một thời gian thực hiện, bước đầu dự án đã mang lại kết quả khả quan.
Nhiều năm nay, phần lớn người dân ở nhiều thôn, bản Hướng Hóa sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó trồng lúa và chăn nuôi lợn, bò, gà, vịt... là nguồn thu nhập chính của họ. Tuy nhiên, những sản phẩm này thường bị ảnh hưởng bởi biến động của giá cả thị trường, trong khi đó chi phí đầu vào cho sản xuất cao, giá bán gạo và lợn thấp.
Dự án “Sáng kiến trong chăn nuôi” được triển khai trong 3 năm (1/10/2014-30/9/2016) tại 3 xã Hướng Tân, Hướng Linh và Hướng Phùng với tổng kinh phí thực hiện 5,805 tỷ đồng do tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ. Đối tượng hưởng lợi là những hộ gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, hộ nghèo hoặc cận nghèo, hộ có ít tiềm năng phù hợp với hoạt động chăn nuôi. Riêng trong năm 2014, dự án đã chi 1,935 tỷ đồng để cấp 39 con bò cái và 3 con bò đực lai cho người dân các thôn: Của, Ruộng (xã Hướng Tân); Hoong (xã Hướng Linh) và Mã Lai (xã Hướng Phùng). Tính đến tháng 2/2015, số bò được cấp phát cho bà con đã tăng thêm 9 con bê, đây là dấu hiệu vui của những người thực hiện dự án và người dân hưởng lợi từ dự án.
Với thói quen chăn nuôi bò theo hình thức thả rông trên đồi nên những năm qua việc chăn nuôi của gia đình chị Hồ Thị Nên, thôn Của, xã Hướng Tân và nhiều hộ dân khác nơi đây không mang lại hiệu quả. Từ khi được dự án “Sáng kiến trong chăn nuôi” hỗ trợ bò giống và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, việc chăm sóc và chăn nuôi bò đối với chị Nên và những người hưởng lợi khác từ dự án thuận tiện hơn. Số bò của họ được làm chuồng che chắn cẩn thận, nguồn thức ăn phong phú hơn, đặc biệt là người chăn nuôi có thể kiểm soát được nguồn bệnh chặt chẽ hơn nên ai cũng cảm thấy yên tâm và phấn khởi.
Chị Nên chia sẻ: “Nhờ nắm bắt được cách chăn nuôi bò đúng kỹ thuật nên gia đình tôi cảm thấy yên tâm hơn. Chúng tôi biết cách trồng cỏ làm thức ăn cho bò, làm chuồng để nuôi nhốt và biết cách phát hiện các bệnh thường gặp của bò. Gia đình tôi dự định sẽ vay vốn đầu tư chăn nuôi thêm vài con bò để sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Đối với gia đình chị Hồ Thị Sen ở thôn Trằm, xã Hướng Tân thì không chỉ học hỏi thêm nhiều kiến thức chăn nuôi bò, thông qua dự án “Sáng kiến hỗtrợ trong chăn nuôi”, chị còn biết tận dụng phân bò để bón cho cây trong vườn nhà, cỏ làm thức ăn cho bò và cà phê tươi tốt. “Từ khi tham gia dự án, tôi được hỗ trợ bò sinh sản, đến nay bò cấp cho gia đình tôi đã sinh được 1 bê con. Tôi sẽ lấy đó làm vốn để sau này tiếp tục nuôi nhiều bò hơn nữa. Từ các lớp tập huấn, tôi đã biết cách phòng chống bệnh cho bò, cách nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao”, chị Sen cho hay.
Trước đó, dự án “Sáng kiến hỗ trợ trong chăn nuôi” được triển khai ở Hướng Hóa với nhiều hoạt động hỗ trợ như vật liệu làm chuồng, trồng cỏ; giám sát tiêm phòng trên vật nuôi; tập huấn chăn nuôi theo phương thức lớp học hiện trường gồm: làm chuồng, tập huấn trồng cỏ, kỹ năng chăn nuôi bò sinh sản...
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn phòng Phát triển vùng huyện Hướng Hóa cho biết: “Qua một thời gian ngắn triển khai, dự án “Sáng kiến hỗ trợ trong chăn nuôi” ở Hướng Hóa gặp nhiều thuận lợi. Bò là đối tượng vật nuôi chủ lực trong kế hoạch phát triển chăn nuôi của địa phương, có nguồn thức ăn phong phú (lau lách, chuối rừng, cỏ tự nhiên).
Nguồn giống bò vàng địa phương dễ kiếm, phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán chăn nuôi của người dân. Kể từ ngày được cấp phát, bò phát triển tốt. Việc kiểm soát việc bán của người dân được sự giám sát chặt chẽ thông qua đội ngũ thúy viên và ban quản lý dự án xã, vì vậy tình trạng bò chết và bán đã không xảy ra. Bằng hình thức hỗ trợ bò quay vòng trong nhóm (2 hộ/1 con bò), cộng đồng có thể giám sát lẫn nhau tránh việc tự ý bán, hoặc bị chết.
Nhiều hộ dân được hưởng lợi ở các xã vùng dự án rất phấn khởi khi được nâng cao nhận thức, hiểu biết nhiều hơn trong chăn nuôi bò. Chúng tôi phấn đấu trong thời gian triển khai dự án sẽ góp phần tăng thu nhập thông qua sáng kiến hỗ trợ trong chăn nuôi, định hướng thị trường cho các hộ nghèo và cộng đồng tại các địa phương hưởng lợi nhằm hướng tới cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em.
Đầu năm 2015 dự án đã thí điểm mô hình nuôi gà 1 ngày tuổi tại thôn Của, xã Hướng Tân (tỷ lệ sống từ 1 ngày tuổi đến 21 ngày tuổi đạt 93,5%). Trong năm 2015, dự án sẽ tiến hành giải ngân 2,58 tỷ đồng, dự kiến cấp 44 con bò cái và 255 hộ hưởng lợi trên địa bàn 3 xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Linh”.
Ông Đặng Minh Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hướng Hóa cho rằng, với nhiều chương trình và hoạt động thiết thực, dự án “Sáng kiến hỗ trợ trong chăn nuôi” của Chương trình Phát triển vùng Hướng Hóa đã giúp nhiều hộ gia đình trong vùng dự án tiếp cận với cách làm ăn mới, biết cách phát huy lợi thế của địa phương, đầu tư công sức để chăn nuôi bò hiệu quả. Đặc biệt, họ tập trung trồng các đồng cỏ nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi, tận dụng phân chuồng vào trồng trọt một cách hiệu quả, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định... Qua đó, góp phần cùng huyện thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, giúp đồng bào vùng khó ổn định cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Bước đầu nhóm chọn tạo công bố giống DT2008 có nhiều đặc tính quý như chịu hạn, chịu úng, chịu nóng, lạnh cao. Đề kháng khá với các bệnh chính trên đậu tương như phấn trắng, gỉ sắt, sương mai, đốm nâu vi khuẩn
Tại Singapore - Quốc đảo Sư tử vừa tưng bừng diễn ra “Ngày hội trình diễn các giải pháp cho cây trồng” của Tập đoàn Syngenta. Các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của Syngenta đã giới thiệu về mô hình mẫu ở nhiều nước SX 9 loại cây trồng chủ lực và thành tựu nổi bật về công nghệ, kỹ thuật, cơ giới hóa…
Tại cuộc họp giao ban chiều 19/6, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) T.Ư cho biết, tính đến nay cả nước đã có 65% số xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM, tăng 15% so với năm 2011.
Tuy nhiên trên những cánh đồng nhiều trà lúa đang trong những giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Bên cạnh ruộng lúa đang phơi vàng bông chín đỏ đuôi thì còn có những thửa ruộng đang làm đòng và những đám ruộng còn xanh tơ. Do vậy, nhiều nông dân cho biết vẫn chưa hết nỗi lo trước tình hình sâu bệnh gây hại lúa, làm sao để tới kỳ gặt lúa trúng mùa?
Tôm là một trong những loại thủy sản nuôi chủ lực của vùng ĐBSCL khi mang về cho đất nước hàng tỉ đô la Mỹ/năm. Tuy nhiên, hiện người nuôi đang đứng trước nguy cơ phá sản, nợ nần bởi dịch bệnh ngày càng lan rộng, tiêu thụ gặp khó, giá bán thấp…