Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giàu Nuôi Chó, Khó Nuôi Dê

Giàu Nuôi Chó, Khó Nuôi Dê
Ngày đăng: 28/01/2015

Người xưa có câu “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê”, ý nói nuôi dê rất dễ, không tốn kém, không cần chuồng trại, các vùng núi chỉ cần thả dê sống trên núi đồi mà không tốn thực phẩm. Với giá bán cao, dê hiện là gia súc được nhiều hộ nông dân nuôi để “xóa đói, giảm nghèo”.

“No ăn đủ mặc” nhờ nuôi dê

Năm 2000, đại dịch cúm gia cầm và bệnh chết nhanh trên cây tiêu hoành hành, khiến gia đình chị Nguyễn Thị Xuân (tổ 56, ấp Tân Bang, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) rơi vào cảnh lao đao. Trong lúc đang trăn trở không biết nuôi con gì để vực dậy kinh tế gia đình và lo cho con cái ăn học, được bạn bè giới thiệu, chị Xuân đã mạnh dạn vay tiền mua 4 con dê với giá 5 triệu đồng về nuôi thử.
Vậy mà kết quả thật bất ngờ: Hiện nay, đàn dê của gia đình chị có 40 con, trong đó có 15 con dê nái. Bình quân một năm chị Xuân bán được 15 con dê giống, với giá 6 triệu đồng/con và xuất chuồng hơn 350kg dê thịt. Theo chị Xuân, một con dê con nuôi dưỡng tốt, sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản. Mỗi năm, dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con, nuôi 7 - 8 tháng có thể đạt 30 - 35kg và bán với giá 120.000 đồng/kg.
Tính ra thu nhập từ đàn dê mỗi năm cũng mang về cho gia đình chị hơn 130 triệu đồng. Chị Xuân vui vẻ nói: “Mấy năm qua, dù lúc thăng lúc trầm nhưng hộ nào nuôi dê cũng khá, nhờ nuôi dê, nhà tôi đã sắm được đủ thứ từ xe máy, tivi đến máy giặt, xây nhà…”.
Hơn 15 năm gắn bó với nghề nuôi dê, từ 2 cặp dê giống ban đầu, đến nay tổng đàn dê của ông Trịnh Xuân Tiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) đã lên tới 50 con, trong đó có 9 con dê nái, còn lại là dê thịt. Ông Tiến cho biết, bình quân 3 tháng ông cho xuất chuồng một lứa dê thịt, mỗi năm cũng thu về hơn 100 triệu đồng.
Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 2.000 hộ nuôi dê, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc. Theo các hộ nuôi dê, khí hậu ở BR-VT cùng nguồn cây tạp, cỏ dại dồi dào là điều kiện thích hợp với việc nuôi dê. Hiện, thị trường tiêu thụ dê thịt rất mạnh, các thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến tận nhà hỏi mua với giá khá cao và ổn định. Dê ít bị dịch bệnh, chi phí thức ăn không nhiều nên hiệu quả mang lại khá cao.
Vật nuôi “dễ tính”
Theo các hộ nuôi dê, con dê được coi là loài dễ nuôi nhất trong số các loài gia súc, bởi chúng rất dễ tính trong ăn uống. Nguồn thức ăn cho dê khá phong phú, ưa nhất là lá vông, lá chuối, so đũa và các phụ phế phẩm nông nghiệp khác. Việc nuôi dê cũng khá đơn giản, người nuôi chỉ cần nắm được các đặc tính của loài dê để phòng ngừa dịch bệnh.
Trước tiên, chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng và sàn gỗ cách mặt đất khoảng 1m vì dê không ưa độ ẩm cao. Phía trước chuồng nuôi cần có một khoảng đất trống để quản lý theo dõi đàn dê, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh. Nuôi dê không mất công chăn thả, ít bị lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài, chuồng trại đơn giản và chúng còn cung cấp phân bón để trồng trọt.
Ngoài đặc điểm “dễ tính” trong nuôi dưỡng, dê còn là con vật khôn và đáng yêu. Ông Lê Văn Hồng, ở ấp Tân Bang, xã Quảng Thành, Châu Đức chia sẻ: “Gần 20 năm gắn bó với đàn dê, tôi nhận ra rằng chúng rất đáng yêu.
Mỗi lần cho ăn, các chú dê thường biểu lộ tình cảm bằng cách dụi dụi đầu vào chủ hoặc nghe tiếng chủ là lại đòi ăn. Vì thế, mỗi lúc đi đâu vắng nhà vài ngày, không nghe tiếng, nghe hơi chúng đã thấy nhớ”. Đúng lúc chúng tôi đang trò chuyện thì một chú dê con chạy vào nhà kêu “be…be”.
Ông Hồng cho biết, chú dê này được hơn 1 tháng tuổi nhưng dê mẹ bị viêm vú không có sữa nên chú được nuôi bằng sữa bò. Hàng ngày, con ông Hồng là em Lê Phước Lộc đảm nhận việc cho chú dê này bú sữa. Thấy chú dê đòi ăn, Lộc liền pha cho chú bình sữa 250ml.
Chỉ trong vòng hơn 1 phút, chú dê đã uống hết bình sữa và một bình nước. Ông Hồng nói thêm: “Dê con cũng tình cảm và khôn không thua gì loài chó cả, chỉ cần con Lộc gọi “bé con lại đây” là nó chạy tới quấn quýt, vẫy đuôi mừng rỡ. Hàng ngày, nó lẽo đẽo theo cô chủ đi chơi nên quấn con nhỏ lắm”.


Có thể bạn quan tâm

Hiểm Họa Từ Đánh Bắt Thủy Hải Sản Bằng Giã Cào Hiểm Họa Từ Đánh Bắt Thủy Hải Sản Bằng Giã Cào

Những năm gần đây, tại một số địa phương ven biển ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng phương pháp giã cào diễn ra phức tạp. Loại hình đánh bắt này không những hủy hoại môi trường sinh thái, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân và tình hình an ninh trật tự trong vùng.

11/05/2013
Khi Bồ Câu Pháp Được Chọn Khi Bồ Câu Pháp Được Chọn

Chỉ mới du nhập vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế một vài năm trở lại nay, nhưng chim bồ câu Pháp đã trở thành đối tượng được nhiều người quan tâm đầu tư nuôi.

19/07/2013
Tiêm Phòng Vaccine Miễn Phí Đàn Gia Súc Biên Giới Ở An Giang Tiêm Phòng Vaccine Miễn Phí Đàn Gia Súc Biên Giới Ở An Giang

Từ ngày 15/5 đến 30/6, đàn gia súc tại 35 xã, phường, thị trấn của các huyện An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Châu Đốc, Tân Châu (An Giang) sẽ được tiêm phòng vaccine lở mồm long móng miễn phí (đợt 1-2013).

11/05/2013
Rau An Toàn Vẫn Bí Đầu Ra Ở Hà Nội Rau An Toàn Vẫn Bí Đầu Ra Ở Hà Nội

Chỉ tính riêng năm 2012, toàn thành phố Hà Nội đã có 24 HTX mới thành lập chuyên sản xuất rau an toàn (RAT), đưa số HTX nông nghiệp sản xuất RAT lên trên 100 HTX. Tuy nhiên, khâu đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như phát huy được vai trò "bà đỡ" của các HTX là đầu ra cho sản phẩm hiện vẫn hết sức khó khăn...

11/05/2013
Thu Nhập Gần 1 Tỷ Đồng Từ Nuôi Cá Tai Tượng An Toàn Sinh Học Thu Nhập Gần 1 Tỷ Đồng Từ Nuôi Cá Tai Tượng An Toàn Sinh Học

Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi, ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.

12/05/2013