Không biết chính xác hẹ được trồng từ khi nào, nhưng trong vài năm trở lại đây, nhiều nhà nông ở các vùng chuyên canh màu của Sóc Trăng như Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) đã vươn lên khá giàu, ổn định được kinh tế gia đình từ loại cây này. Bên cạnh nguồn lợi từ cây lúa và chăn nuôi thì trồng hẹ được xem là mô hình trồng màu đạt thu nhập cao, bền vững của những hộ nông dân Khmer vùng này.
Cây hẹ trồng được quanh năm, nhưng nông dân thường bắt đầu trồng hẹ vào đầu mùa mưa, vì đây là loại cây màu rất hám nước, nước càng nhiều thì bông và lá trổ đều và xanh tốt. Tuy nhiên, cây màu này phải được trồng trên luống cao và không được úng gốc nên việc tưới nước phải hợp lý.
Tùy theo thời tiết và điều kiện chăm sóc mà người trồng hẹ sẽ xác định rẫy của mình là "ăn lá" hay "ăn bông". Nếu lá tốt thì cứ khoảng 2,5 tháng là chủ vườn cắt 1 lần, trung bình mỗi lần cắt 1 công (1.000 m2) có thể thu hoạch được từ 400 – 600 kg hẹ lá, mỗi kg có giá bình quân từ 3 đến 6 ngàn đồng. Còn nếu ăn bông thì cứ cách 2 ngày cắt 1 đợt bông, mỗi đợt bông có thể thu hoạch ít nhất là 10 kg, cao nhất là cả trăm kg. Nhưng với đa phần người trồng hẹ, "ăn bông" vẫn là cách lâu dài và hiệu quả nhất. Việc thu hoạch lá chỉ được tiến hành khi lượng bông trên buội đã giảm, người nông dân cắt hẹ lá để cây hẹ ra lá mới và kích thích bông hẹ trổ nhiều hơn.
Hiện nay, giá hẹ bông trung bình ở ngưỡng trên 10.000 đồng/kg vào mùa mưa; còn mùa nắng giá cao gấp 2 - 3 lần do hẹ ra bông ít nhưng nhu cầu những tháng mùa khô lại tăng. Trung bình sau 3 đến 4 tháng trồng là hẹ bắt đầu cho thu hoạch bông, tùy vào điều kiện thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc mà cây hẹ có thể cho năng suất cao và thời gian thu hoạch dài hơn. Sau khi trừ các chi phí, trung bình một công hẹ có thể đảm bảo thu nhập cho nông dân từ 10 - 30 triệu đồng/năm. Như vậy so với trồng lúa thì thu nhập từ cây hẹ tăng gấp nhiều lần và ít gặp rủi ro về sâu bệnh.
Nhờ phát huy được hiệu quả kinh tế nên cây hẹ nhanh chóng xác định được vị trí chủ lực của mình. Cứ sau một vài lần luân canh các loại màu khác nhau thì nông dân lại trồng trở lại cây hẹ. Chú La Cà, ngụ ấp Đại Ân (xã Đại Tâm) cho biết: "Cây hẹ rất dễ trồng và vốn đầu tư thấp hơn so với các loại rau màu khác, khi trồng hẹ, nông dân chỉ mất chi phí mua giống một lần gieo xuống đất. Sau khi thu hoạch, gốc hẹ có khả năng tự nhiên đâm chồi, phát triển thành cây hẹ mới".
Nhiều hộ trước đây từng là hộ nghèo, thiếu trước hụt sau, nhưng nhờ tận dụng diện tích đất trồng màu mà đã vươn lên ổn định được cuộc sống. Gia đình chị Lý Thị Xuân Duyên ở ấp Bắc Dần (xã Phú Mỹ) trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình eo hẹp; nhờ tận dụng diện tích trồng màu, trong đó hẹ là cây chủ lực mà nhiều năm trở lại đây, gia đình cô đã ổn định được cuộc sống.
Nhiều nông dân vươn lên làm giàu từ cây hẹ
Đặc biệt, cây hẹ còn là cây giúp tạo công ăn việc làm cho những hộ nghèo và những hộ không có đất sản xuất. Với những hộ thuộc diện này, họ có thể có được nguồn thu nhập tương đối, đủ trang trải cho sinh hoạt phí từ việc ngắt thuê bông hẹ hoặc lặt (làm sạch) hẹ. Trung bình, người ngắt bông hẹ có thể đạt được 30.000 đồng/nửa ngày/người và người lặt hẹ cũng có được số tiền tương đương.
Toàn xã Đại tâm có hơn 100 hecta trồng hẹ, các ấp trong xã có diện tích trồng hẹ nhiều như Đại Ân, Đại Nghĩa Thắng. Còn Bưng Chụm và Trà Mẹt cũng là “đại bản doanh” cây hẹ của xã Tham Đôn. Riêng tại Phú Mỹ, cây hẹ được người dân trồng xen canh với các loại cây màu khác. Theo những hộ chuyên trồng cây màu này, với họ, cây hẹ chính là “cần câu cơm” của họ. Chắc còn lâu lắm mới có cây màu khác thay thế được tiềm năng của cây hẹ.
Sản lượng nhiều nên việc thu mua cũng hết sức phồn thịnh, trong đó, Đại Tâm là điểm chính thu mua của loại màu kinh tế này. Theo chủ vựa Út Thủy, chuyên thu mua hẹ bông và hẹ lá ở ấp Đại Nghĩa Thắng (xã Đại Tâm), trung bình mỗi ngày vựa của anh chị có thể thu mua từ 1 - 2 tấn hẹ bông, những ngày cao điểm có thể thu mua trên 3 tấn. Toàn xã Đại Tâm có gần 10 điểm vựa thu mua cả hẹ bông lẫn hẹ lá.
Theo đồng chí Ngô Văn Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, hẹ là loại màu chủ lực của xã đem lại hiệu quả kinh tế cao và được xem là cây xoá đói giảm nghèo tại địa phương, đời sống người dân khá giả cũng nhờ trồng hẹ. Do vậy, diện tích trồng hẹ chỉ có thể tăng chứ không giảm. Hiện nay, đầu ra của nông dân trồng hẹ được ổn định, thương lái thường đến tận rẫy thu mua, giá cả ổn định. Nhiều năm trước đây hệ thống thủy lợi chỉ được nạo vét bằng thủ công nhưng hiện nay được cơ giới hóa nên đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nhà nông.
Vào những tháng mùa khô, khi dòng sông cạn, nước ít đi nên năng suất tại các rẫy hẹ triền kênh (bờ đê) bị giảm. Những tháng này, nhiều hộ phải lấp rơm lên hẹ và tưới nước cầm chừng, đợi đến mưa xuống mới "dưỡng" hẹ cho xanh tươi. Để phát huy được giá trị là "cần câu cơm" từ việc trồng hẹ trong những tháng mùa khô, đồng chí Ngô Văn Thế cho biết thủy lợi chính là yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của những xã thuần nông như Đại Tâm. Công tác nạo vét kênh, mương bị bồi lắng luôn được tiến hành. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, luân canh hẹ với cây trồng khác để cải thiện độ màu mỡ cho đất, nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh của loại màu này.