Giảm Sản Lượng Ca Tra Để Phục Hồi Giá
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL vừa mới diễn ra.
Khó khăn kéo dài
Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL hiện chỉ 21.500 - 22.000 đ/kg, trừ chi phí người nuôi lỗ khoảng 2.000 đ/kg. Nguyên nhân giá cá tra nguyên liệu giảm, theo các doanh nghiệp, là do nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường sụt giảm bởi ảnh hưởng suy thoái kinh tế.
Mặt khác, cá tra xuất khẩu của Việt Nam đang bị một số thị trường áp đặt rào cản thương mại, kỹ thuật gây khó khăn kéo dài. Tại thị trường Mỹ, giá cá tra phi lê xuất khẩu còn có khoảng 3 USD/kg, giảm 0,6 - 0,7 USD/kg so tháng 4.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 670 triệu USD, giảm 6,7% so cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 150,08 triệu USD, giảm 17,6%. Giá trị xuất khẩu cá tra 6 tháng đạt 800 triệu USD, giảm 7,3%. Toàn vùng ĐBSCL có trên 70 doanh nghiệp chế biến cá tra. Một số doanh nghiệp do thiếu vốn, lượng hàng tồn kho lớn nên hoạt động cầm chừng. Trong chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cá phi lê. Trong khi các sản phẩm giá trị tăng chỉ chiếm khoảng 5%.
Tại Vĩnh Long, hiện có 434ha mặt nước nuôi cá tra thâm canh; trong đó đang thả nuôi là 310ha, chuyển sang đối tượng nuôi khác 9ha và có 38ha treo ao. Sản lượng cá tra 6 tháng qua cũng giảm đáng kể, ước đạt 54.000 tấn, giảm khoảng 10%.
Ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: Cá tra Việt Namhiện vẫn là sản phẩm độc quyền có mặt trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, cạnh tranh không lành mạnh, bán giá thấp… gây thiệt hại lớn cho người nuôi từ tháng 3/2012 đến nay.
Cũng theo ông Hồ Văn Vàng, hiện một số doanh nghiệp liên kết với khách hàng xấu lừa dối người tiêu dùng bằng cách bơm quá nhiều nước vào cá phi lê. Có khi 1 tấn cá phi lê họ bơm tới 500kg nước khiến thịt cá bị lạt, làm người tiêu dùng mất lòng tin đối với cá tra Việt Nam. Mặc dù Hiệp hội Cá tra Việt Nam ra đời nhưng vẫn chưa giải quyết hết những khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ của bộ, ngành liên quan.
Giảm sản lượng
Để vực dậy ngành cá tra, Ông Huỳnh Thế Năng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, các tỉnh ĐBSCL đã đồng thuận giảm sản lượng, nâng cao chất lượng và giá trị; xây dựng thương hiệu cho cá tra xuất khẩu. Hiện ngành cá tra có sự chuyển biến là doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi để chủ động nguyên liệu.
Đây là xu thế đáng hoan nghênh nhưng bất cập là doanh nghiệp đang lấy vốn ngắn hạn dùng làm vốn dài hạn phục vụ xây dựng vùng nuôi. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ nguồn vốn để tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra.
Đồng ý kiến giảm sản lượng, ông Nguyễn Văn Kịch- Tổng Giám đốc Công ty Cafatex (Hậu Giang) nêu rõ: “Giảm khoảng 30% sản lượng cá tra để củng cố nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến thì may ra giá cá tra sẽ tăng trở lại”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho biết, nhiều năm nay đã kêu gọi người nuôi giảm sản lượng và thời gian tới cũng sẽ tiếp tục triển khai. Đồng thời tập trung tháo gỡ những rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật từ những thị trường cũ và mới phát sinh.
Về lâu dài Bộ trưởng cho rằng, đã đến lúc các địa phương nên khuyến cáo thay vì sản xuất theo chiều rộng, tăng sản lượng nhưng chất lượng thấp thì chuyển sang nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua nâng chất lượng, giảm giá thành để tăng thu nhập cho nông dân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, khẳng định: “Sẽ tiếp tục ưu tiên tín dụng cho khu vực nông nghiệp - nông thôn nói chung, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL nói riêng”.
Dự báo đến cuối năm, thị trường xuất khẩu cá tra vẫn còn khó khăn, 70 - 80% doanh nghiệp đã có vùng nuôi riêng mình. Vì vậy người nuôi nên có hợp đồng liên kết bao tiêu với doanh nghiệp trước khi thả nuôi đợt mới.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã vượt qua khó khăn và vươn lên thoát nghèo nhờ vào mô hình trồng năn bộp kết hợp với nuôi cá tự nhiên.
Vụ Đông năm nay, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có kế hoạch gieo trồng 3.100ha, trong đó chủ lực là cây đậu tương với 1.600ha.
Những năm gần đây, để duy trì diện tích đất lúa theo chủ trương của thành phố, tại hầu hết các huyện, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và mở rộng nhiều mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.
Không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò và sự cần thiết của phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, nhưng theo thời gian những mặt tiêu cực của loại phân này đối với môi trường và sức khỏe con người ngày càng bộc lộ rõ.
Nưa là một loài cây thân thảo, cho củ, được trồng ở những vùng có nhiều giồng cát. Bà con nông dân trồng nưa lấy củ chế biến thành bột để làm các loại bánh, làm miến và sử dụng trong công nghiệp làm hồ vải.