Đột Phá Từ Dồn Điền Đổi Thửa, Tạo Tư Duy Sản Xuất Mới Cho Nông Dân
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân.
Nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ này thông qua Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Điểm nhấn cảnh thụy
Chúng tôi đến xã Cảnh Thụy- một trong những xã được chọn làm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh và huyện giai đoạn 2011-2015. Dễ dàng nhận thấy ở mỗi thôn xóm, đường bê tông đến tận cổng từng nhà; giữa những cánh đồng các tuyến kênh mương được cứng hóa hút tầm mắt.
Ông Phạm Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên, Cảnh Thuỵ tập trung cao chỉ đạo, thực hiện các nội dung, tiêu chí đề ra. Quá trình triển khai, đảng bộ xã xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đổi mới tổ chức sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, trong đó ưu tiên cho công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn.
Thời kỳ đầu triển khai, việc dồn điền đổi thửa gặp khó khăn do tập quán canh tác và tư duy sản xuất của nông dân. Sau khi học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến tận hộ dân, chỉ sau hơn một năm, việc dồn điền đổi thửa cơ bản hoàn thành, cả xã có 350/453ha đất được dồn đổi, giảm từ 8-10 thửa/hộ còn 1-3 thửa/hộ, trong đó có 135 hộ nhận một thửa. Ngoài ra, xã tập trung công tác xây dựng cơ bản với 77.310 m3 đất được đào đắp xây dựng, nâng cấp 98 tuyến đường nội đồng rộng từ 3,5-6m; xây dựng 4km mương cứng, nhà văn hóa ở một số thôn với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
Qua dồn điền đổi thửa đã tạo nên những cánh đồng mẫu lớn, giúp xã có biện pháp chỉ đạo tập trung, theo quy trình nghiêm ngặt, thống nhất từ khâu làm đất, gieo mạ, xuống giống, điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh. Ruộng được cấy cùng loại giống, cùng quy trình chăm sóc. Nhờ giao thông nội đồng thuận tiện nên khâu làm đất, thu hoạch đều sử dụng máy móc do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đảm nhận, qua đó góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Nếu như trước đây, đồng đất Cảnh Thụy cho thu nhập 60-70 triệu đồng/ha/năm thì nay đạt hơn 80 triệu đồng. Cá biệt, một số cánh đồng như Đám Gia, Ao Vối, Gốc Xi... cho thu từ 100-150 triệu đồng/ha/năm.
Từ việc dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nông dân Cảnh Thụy bước đầu thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này, xã đã đạt 15/19 tiêu chí NTM, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu huyện.
Đến chương trình trọng điểm
Để đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, Huyện ủy xây dựng 5 chương trình phát triển KT-XH trọng tâm, trong đó lấy chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa là số một, coi công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá; khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, bờ vùng, bờ thửa nhỏ, kênh mương tưới tiêu chưa hợp lý gây trở ngại cho việc đưa cơ giới, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Viết Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Dũng cho biết: Trong quá trình chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhờ bám sát tình hình thực tiễn ở các địa phương, BTV Huyện ủy đã kịp thời đề ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, trở ngại. Từ năm 2012, Ban Thường vụ Huyện uỷ giao UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn lựa chọn xây dựng kế hoạch, chính sách hỗ trợ 2 thôn làm điểm dồn điền đổi thửa gắn với mục tiêu xây dựng NTM là thôn Tân Mỹ (xã Cảnh Thụy) và thôn Hưng Thịnh (xã Tư Mại).
Từ kết quả mô hình điểm kết hợp tham quan, học tập thêm kinh nghiệm ở một số tỉnh bạn, đến nay, 3/6 xã điểm xây dựng NTM thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, trong đó xã Cảnh Thụy có 9/9 thôn, xã Tư Mại 7/9 thôn và xã Đức Giang có 5/13 thôn giao xong ruộng đến hộ. Tổng diện tích dồn đổi ở các xã đạt 1.108 ha, chiếm 60% diện tích quy hoạch.
Đặc biệt, những nơi đã hoàn thành dồn đổi, số thửa giảm còn dưới 3 thửa/hộ. Ngoài ra, huyện cũng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung 41 ha để phát triển kinh tế trang trại. Đến vụ xuân năm 2013, toàn huyện thực hiện 7 cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 270 ha, xây dựng thành công mô hình sản xuất khoai tây chế biến Atlantic ở xã Tư Mại, quy mô 50 ha.
Bên cạnh trồng trọt, Yên Dũng cũng chú trọng phát triển chăn nuôi bằng việc thực hiện nhiều cơ chế chính sách phù hợp. Trong đó, đã tập trung thay đổi phương thức chăn nuôi từ sản xuất truyền thống, tận dụng sang chăn nuôi thâm canh, công nghiệp và bán công nghiệp; thực hiện quy hoạch phát triển các vùng chăn nuôi trọng điểm như phát triển đàn lợn tập trung ở các xã: Yên Lư, Tiến Dũng, Đức Giang, Tiền Phong, Xuân Phú, Hương Gián; trâu, bò ở các xã: Tư Mại, Đức Giang, Yên Lư, Lãng Sơn; gia cầm ở các xã: Quỳnh Sơn, Cảnh Thụy, Yên Lư, Đồng Việt...
Đến hết năm 2012, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 73.500 con, đạt hơn 100% kế hoạch; đàn trâu 1.250 con, đạt hơn 78% chỉ tiêu. Toàn huyện có 39 trang trại được cấp phép, trong đó 20 trang trại áp dụng biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân.
Kết quả đạt được từ chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng nâng cao chất lượng gắn với xây dựng nông thôn mới là tiền đề để Yên Dũng tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra đến năm 2015.
Có thể bạn quan tâm
Tháng 4 năm 2011, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên (An Giang) triển khai dự án “Xây dựng mô hình phát triển dược liệu vùng núi Cấm” trên diện tích 5 héc-ta (gồm 3 loài cây: Nghệ xà cừ, đinh lăng và xuyên tâm liên), với tổng vốn đầu tư 2,9 tỷ đồng do Bộ Khoa học – Công nghệ tài trợ trên 1,260 tỷ đồng và phần còn lại là vốn đối ứng của chủ dự án.
Những năm gần đây chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học đã được nhiều hộ nông dân ở khu vực lòng chảo huyện Điện Biên quan tâm đầu tư, mở rộng và từng bước nhân rộng ra nhiều nơi.
Ông Lý Hồng Hởi (Bảy Hởi) ở ấp Lợi Hoà (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được nhiều người biết đến với nghề nuôi rắn và nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm khác như: dúi, nhím, cua đinh… tuy nhiên, hiện nay, bầy rắn sinh sản của ông Bảy Hởi mới là những cái “máy in tiền” cho ông khi ông cho sản xuất và kinh doanh con giống rắn.
Chúng tôi tìm về trại heo của ông Cao Minh Khải, ấp Hội Thành, xã Tân Hội, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) để được xem tận mắt những con heo “không phải tắm” đầu tiên ở xứ dừa.
Cây cà phê ở Mường Ảng được xác định là cây mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo cho người dân. Có tiềm năng, có lợi thế, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, người trồng cà phê Mường Ảng vẫn đau đáu một nỗi niềm đó là có thị trường ổn định tiêu thụ cho sản phẩm.