Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Việt Yên Tăng Thu Nhập Ở Các Xã Điểm

Việt Yên Tăng Thu Nhập Ở Các Xã Điểm
Ngày đăng: 21/11/2013

Việt Yên (Bắc Giang) là huyện có nhiều đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Đất sản xuất bị thu hẹp, để đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, 6 xã điểm đã tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng.

Gắn nông nghiệp với nghề phụ

Trước đây, toàn xã Quang Châu có 600 ha đất canh tác, chủ yếu là ruộng chiêm trũng chỉ cấy được một vụ lúa chiêm xuân. Năm 2000, UBND huyện và xã đã đầu tư kinh phí cải tạo một số trạm bơm tiêu, tạo điều kiện cho bà con canh tác 2 vụ lúa.

Từ khoảng năm 2004 trở lại đây, xã bị thu hồi khoảng 300 ha đất canh tác làm khu, cụm công nghiệp nên diện tích còn lại chỉ đủ về lương thực cho người dân. Ông Nguyễn Tài Hải, Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Do diện tích đất đai bị thu hẹp nên xã tập trung khuyến khích người dân khai thác lợi thế ven sông Cầu phát triển ngành nghề kinh doanh, dịch vụ”.

 Việt Yên phát triển rau màu hàng hóa ở các xã điểm nông thôn mới, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

 Theo đó, Đảng bộ xã có nghị quyết chuyển toàn bộ diện tích đất làm lò gạch cũ sang làm bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Đến nay, toàn xã có 18 chủ hộ có bến, bãi tập kết và kinh doanh cát, sỏi, tạo việc làm cho 100 lao động, thu nhập 4-5 triệu đồng/người/ tháng. Ở Quang Châu còn phát triển mạnh dịch vụ vận tải với 200 ô tô chuyên chở cát, sỏi, vôi…

Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Công, thôn Đạo Ngạn 2 có bến bãi tập kết cát sỏi và 6 ô tô chở vật liệu xây dựng, mỗi năm thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Nhiều hộ ở các thôn Đạo Ngạn 1, Đạo Ngạn 2, Nam Ngạn còn phát triển nghề làm mộc, cơ khí, kinh doanh vôi. Riêng thôn Núi Hiểu có 160/162 hộ dân chuyển sang kinh doanh hàng tạp hoá, trong đó nhiều hộ thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Nhiều thôn gần các khu, cụm công nghiệp, người dân xây dựng 1.400 phòng trọ cho công nhân, mang lại nguồn thu đáng kể. Ngoài ra, người dân ở Quang Châu còn phát triển thuỷ sản với tổng diện tích 30 ha. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong xã hiện còn 5,3%.

Cũng là một trong 6 xã điểm xây dựng nông thôn mới, Hương Mai chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hoá. Đến nay, hơn 90% diện tích lúa được gieo cấy bằng giống có năng suất, chất lượng. Trên địa bàn xã hình thành một số vùng trồng dưa hấu, hành hoa, khoai tây tập trung thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm. Toàn xã hiện có khoảng 100 ha ao hồ, ruộng trũng được chuyển đổi sang thả cá. Hộ nuôi ít vài sào, nhiều lên tới vài ha.

Điểm mới ở Hương Mai đó là người dân tích cực áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh để tăng năng suất. Được biết, mỗi năm, toàn xã Hương Mai bán ra thị trường 8 nghìn tấn cá thịt, 15 vạn con cá giống, doanh thu gần 20 tỷ đồng. Không ít gia đình nuôi quy mô lớn như ông Ngô Văn Việt, Ngô Văn Cường, thôn Xuân Lạn mỗi năm thu 500 triệu đồng.

Đa dạng hoá sản phẩm

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, huyện Việt Yên có 6 xã điểm là: Bích Sơn, Hồng Thái, Hương Mai, Tăng Tiến, Việt Tiến và Quang Châu. Xác định tăng thu nhập là một trong những tiêu chí cốt lõi giúp người dân cải thiện cuộc sống do đó căn cứ vào điều kiện đặc thù, huyện đã có định hướng và cơ chế kích cầu phù hợp.

Ông Nguyễn Anh Minh, Bí thư Huyện uỷ Việt Yên cho biết: “6 xã điểm ở Việt Yên đều gần quốc lộ, giao thông thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hoá và ngành nghề, dịch vụ. Huyện uỷ chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân gắn phát triển nông nghiệp với tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ”.

Thực hiện chủ trương này, mấy năm gần đây, trong sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng “4 cây”, “3 con” (lúa, hoa, lạc, rau chế biến và lợn, gia cầm, cá). Theo đó, huyện trích ngân sách hỗ trợ nông dân từ 20 - 50% kinh phí để đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng vào gieo cấy thành vùng tập trung từ 1 ha trở lên.

Hằng năm, nhằm khuyến khích nông dân gieo trồng bảo đảm diện tích theo kế hoạch, hạn chế tình trạng bỏ đất trống vụ đông, UBND huyện còn trích ngân sách hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để trồng rau chế biến diện tích từ 1 ha trở lên và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty chế biến rau quả. Những vùng trồng rau chế biến tập trung từ 5 ha trở lên được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng/ha để cứng hoá kênh mương hoặc đường giao thông nội đồng.

Từ năm 2011-2013, mỗi năm huyện đầu tư 600 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của trung ương và tỉnh phân bổ để hỗ trợ 6 xã điểm xây dựng nông thôn mới phát triển sản xuất. Nhờ đó, đến nay, ở mỗi xã điểm đều có thế mạnh riêng như: Bích Sơn phát triển mô hình trồng ngô ngọt, hoa các loại; xã Việt Tiến trồng rau chế biến, khoai tây, dưa hấu, dưa lê; xã Hương Mai nuôi trồng thuỷ sản; xã Quang Châu trồng lúa nếp cao cây.

Ngoài ra, các xã này còn phát triển ngành nghề dịch vụ như: xã Tăng Tiến làm nghề mây tre đan, xã Quang Châu, Hồng Thái phát triển kinh doanh, dịch vụ… Năm 2012, thu nhập bình quân mỗi ha đất nông nghiệp đạt 69 triệu đồng. Với cách làm trên, đến nay, tất cả 6 xã điểm nông thôn mới của Việt Yên đều đạt và vượt về tiêu chí về thu nhập từ 1-2 triệu đồng, cụ thể xã Việt Tiến 17,5 triệu đồng/năm, Tăng Tiến 14,5 triệu đồng/năm, Quang Châu, Hồng Thái, Hương Mai gần 14 triệu đồng/năm, Bích Sơn gần 15 triệu đồng/năm.


Có thể bạn quan tâm

Nữ tướng trồng rừng vượt nghịch cảnh thành tỷ phú Nữ tướng trồng rừng vượt nghịch cảnh thành tỷ phú

Bằng nghị lực vượt khó và sự sáng tạo trong làm ăn, từ người trồng rừng thuê, chị Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1971, ngụ thôn Dương Lộc, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã vươn lên thành tỷ phú.

21/09/2016
Nông dân làm giàu từ nuôi con đặc sản Nông dân làm giàu từ nuôi con đặc sản

Đến thôn 323, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn hỏi ông Nguyễn Duy Trình nuôi “con đặc sản” ai cũng biết, bởi lẽ ông là người mạnh dạn tiên phong nuôi hươu sao, lợn rừng, nhím... Từ mô hình này mang lại cho ông khoản lãi từ 120 - 150 triệu đồng mỗi năm.

21/09/2016
Quảng Nam Hiệu quả cao từ mô hình nuôi cua thương phẩm ở vùng triều Quảng Nam Hiệu quả cao từ mô hình nuôi cua thương phẩm ở vùng triều

Nuôi cua thương phẩm trên địa bàn TP.Hội An đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản ở vùng triều ven sông.

21/09/2016
Điện Biên Hiệu quả mô hình cá rô đầu vuông Điện Biên Hiệu quả mô hình cá rô đầu vuông

Thực hiện chương trình hỗ trợ nông nghiệp năm 2016, Trung tâm Thủy sản tỉnh Điện Biên xây dựng và triển khai mô hình nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông trong ao cho các hộ nông dân địa bàn các xã: Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Xương (huyện Điện Biên). Qua một thời gian thí điểm, mô hình đã thu được những kết quả khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân

21/09/2016
Hiệu quả mô hình “nuôi bò rẻ” ở Phước Hòa Hiệu quả mô hình “nuôi bò rẻ” ở Phước Hòa

Ông Katơr Thơm, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Hòa, cho biết: Hiện nay, toàn Hội có 75 hội viên. Để tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội CCB xã đã vận động các hội viên kinh tế khá giả, có đàn bò nhiều giúp đỡ cho từng hội viên nghèo và cận nghèo thông qua mô hình “Nuôi bò rẻ”. Hội viên có bò cho hội viên kinh tế gia đình còn khó khăn nhận nuôi từ 1-2 con bò cái, sau thời gian bò đẻ, con lứa đầu sẽ được cho gia đình nuôi hưởng, con lứa thứ hai trả cho chủ hộ. Cứ như thế xoay vòng từ 2-4 năm. Với cách làm này, từ năm 2009 đến nay, 8 hội viên có bò đã cho 18 hội viên và bà con nghèo nhận 37 bò cái sinh sản về nuôi rẻ.

22/09/2016