Giá rau bấp bênh nông dân lo lắng

Điệp khúc "được mùa rớt giá" luôn là nỗi lo của bà con nông dân, bà Lê Thị Bộ, ấp Thạnh Hòa, xã Bình Nghị cho biết: "Bây giờ, cải nằm như vậy chưa biết giá bao nhiêu nữa, cải ngọt có 500 đồng/kg còn ngò 4.000 đồng/kg mà tiền công nhổ thì tới 10.000 đồng/giờ, nếu tính ra thì lỗ nên thôi đổ bỏ luôn..."
Thời điểm này, giá các loại rau màu trên thị trường tăng trở lại, từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu vui cho bà con nông dân. Tại "Tổ hợp tác rau an toàn Thạnh Hòa" được cấp giấy chứng nhận VietGAP vào cuối năm 2014, giá cả khả quan hơn so với những người dân ngoài tổ hợp tác. Tổng diện tích trồng rau ăn quả, rau ăn lá và rau ăn củ trong tổ hợp tác là 9,91 hecta, sản lượng 1.189 tấn/năm.
Ông Võ Công Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác Rau an toàn Thạnh Hòa cho biết: "Tổ hợp tác hiện có 55 tổ viên với diện tích gần 10 hecta, chủ yếu là trồng rau cải, đậu que, khổ qua và một số loại khác. Ước tính với giá bán bao tiêu sản phẩm là 3.500 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu về lợi nhuận gần 4 triệu đồng/công. Khi tham gia vào tổ hợp tác có nhiều lợi ích hơn cho người trồng cũng như người tiêu dùng, bởi do trồng đúng theo tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giá cả được bao tiêu ổn định, người tiêu dùng an tâm không lo rau bẩn, rau không an toàn".
Ông Võ Công Thành nói: "Nông dân từ ngày vào tổ hợp tác rau tới giờ, có những doanh nghiệp đầu tư, giá cả ổn định trong năm hơn so với các hộ trồng rau ngoài tổ. Hiện tại tôi đang trồng 2 loại rau giá ổn định từ 3.000 - 3.500 đồng/kg rất có lợi cho người dân , còn hiện giá bán ở ngoài có 1.000 - 1.500 đồng/kg".
Ông Lê Thanh Tùng, cán bộ khuyến nông xã Bình Nghị cho biết: "Đây là xã nông nghiệp, nông dân chủ yếu trồng rau màu là chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao, xoay vòng nhanh hơn so với các loại cây trồng khác. Giá rau hiện tại rẻ một phần do thời tiết thuận lợi, lượng rau màu bà con cung ứng ra thị trường vượt quá nhu cầu. Ngoài ra, do nông dân không liên kết mô hình trồng rau theo hướng an toàn và một phần bà con chạy theo lợi nhuận thực tế trước mắt với giá bán lẻ ngoài thị trường đôi lúc có cao hơn, nhưng giá rau trong tổ hợp tác lại an toàn hơn và tránh được những rủi ro cao như rau sụt giá, thậm chí không có người mua phải đổ bỏ như hiện nay".
Làm sao để nông dân tránh được tình trạng được mùa rớt giá, hay thiếu thông tin thị trường, trồng theo phong trào dẫn đến tình trạng thiếu, thừa nông sản, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất? Đây là câu hỏi luôn trăn trở của các ngành chức năng và bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 14-11, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vừa ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra - ba sa nhập khẩu từ VN sau khi rà soát thuế lần thứ hai đối với mặt hàng này từ tháng 6-2014.

Hiện công ty này đang phân phối nhãn từ Thái Lan cho các hệ thống bán lẻ tại Anh và mong muốn đưa trái nhãn VN vào thị trường này. Tuy nhiên, để xuất khẩu vào Anh nói riêng và châu Âu nói chung thì nhà vườn cần làm theo tiêu chuẩn Global GAP.

An Giang vừa quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, kèm theo chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến các loại dược liệu tại vùng Thất Sơn.

Như vậy, nếu ước tính hiệu suất sử dụng các loại phân bón trung bình khoảng 45-50%, có nghĩa lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường hoặc bị cố định trong đất, cây trồng không sử dụng được chiếm 50-55% (tương đương trên 5 triệu tấn) thì mỗi năm ngành nông nghiệp đã lãng phí khoảng 40-44 nghìn tỷ đồng.

Niên vụ cà phê 2013 – 2014, tỉnh Đắk Lắk đã thu được những thành công nhất định, khi cả năng suất, sản lượng cà phê đều tăng cao, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhẹ sau 4 năm liên tục sụt giảm. Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã vượt mốc 203.500 ha, năng suất bình quân mỗi ha xấp xỉ 2,5 tấn, tổng sản lượng cà phê nhân xô trên 460.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với niên vụ trước.