Dịch Vụ Làm Lúa Thuê Trọn Gói
Ông Nguyễn Văn Trọng- Bí thư, kiêm Trưởng Ấp 9, xã Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long là người góp ý tưởng thành lập tổ dịch vụ này cho hay, lúc đầu chỉ làm thuê cho cánh đồng mẫu lớn nhưng dần dà nông dân yêu cầu, nên làm cho cả những ruộng ngoài mô hình.
Làm lúa “khép kín”
Ông Nguyễn Văn Trọng kể: Mấy năm trước, cứ đến mùa thu hoạch lúa là đụng ngay chuyện khan hiếm nhân công, dù phải trả giá cao gấp 2- 3 lần mà lúa vẫn chín rục chờ người làm. Bức xúc, ông Trọng vận động những nông dân chưa có việc làm ổn định trong ấp lập thành nhóm đi làm lúa thuê.
Năm 2011, khi cánh đồng mẫu lớn được thành lập tại địa phương đòi hỏi phải có máy móc thu hoạch, sử dụng giống chất lượng, sấy rồi đóng bao bảo quản để tạo thương hiệu hạt lúa, ông Trọng nghĩ đến chuyện tổ chức làm chuyên nghiệp hơn bằng cách “lấy máy móc của nông dân phục vụ nông dân”.
Ông kêu gọi nông dân cùng tham gia, thành lập thành 4 đội: đội làm đất, đội sạ hàng và phun thuốc; đội thu hoạch lúa; đội sản xuất lúa giống, sấy và đóng bao, đồng thời bầu đội trưởng, đội phó để tiện phân công nhiệm vụ.
“Sau nhiều vụ làm ăn hiệu quả, nông dân bỏ tiền mua máy thêm, đến nay trong tổ có hàng chục máy cày, máy xới, sạ hàng. Đặc biệt, đội lúa giống ngoài 2 lò sấy còn có máy tách hạt lúa đảm bảo cung ứng giống chất lượng để gieo sạ”- ông Trọng phấn khởi.
Khi mùa vụ bắt đầu cũng là lúc từng đội một, nhiệm vụ ai nấy làm lần lượt ra đồng. Hôm chúng tôi đến, mặc dù đang mùa xả lũ nhưng các đội vẫn hì hục chuẩn bị máy móc, leng, cuốc, giống lúa sẵn sàng ra đồng phục vụ.
Anh Nguyễn Hòa Hiệp- đội trưởng đội thu hoạch lúa cho biết: Đội có 30 thành viên với 7 máy gặt đập liên hợp, công suất thu hoạch 18- 20 ha/ngày và đảm bảo thu hoạch lúa cho toàn Ấp 9 kịp mùa vụ.
Do tính tỉ mỉ, vợ anh Hiền, chị Trần Thị Phước Hiền cũng được ban điều hành phân công làm đội trưởng đội lúa giống, nhiệm vụ sẽ cùng một số nông dân khác sản xuất giống lúa xác nhận cung ứng cho cánh đồng mẫu.
Đồng thời, đội này cũng kiêm luôn khâu cấy thuê, tỉa, giặm, khử lẫn nếu ở đâu có nhu cầu. Hiểu tầm quan trọng giống lúa ảnh hưởng lớn đến năng suất, nên vợ chồng Hiền quyết định đầu tư 90 triệu đồng mua một máy tách hạt lúa nhằm loại bỏ tạp chất, có hạt giống đồng đều. Từ khi tham gia tổ dịch vụ này, vợ chồng anh làm việc không ngơi nghỉ nhưng lúa giống vẫn không cung ứng đủ cho thị trường.
“Trước đây, tới vụ phải cạnh tranh thu hoạch với máy móc tỉnh khác, giờ khỏe re, bởi đội tui sẽ phân chia diện tích, thời gian thu hoạch rõ ràng. Nông dân cũng không cần chạy vạy lo máy móc, không bị thách giá, tới vụ sẽ có người đến cho đăng ký thời gian thu hoạch, chỉ việc ngồi đợi lúa về nhà”- anh Hiền vui vẻ.
Trả lương cho ban điều hành
Do làm ăn uy tín, tiếng lành đồn xa, tổ hợp tác sản xuất được nhiều người biết đến. Toàn Ấp 9 hiện có khoảng 1.000 công ruộng nhưng có đến hàng chục máy gặt đập liên hợp nên xảy ra tình trạng thiếu ruộng làm. Vì vậy, trong vụ Thu Đông vừa qua, các đội trong tổ hợp tác ngoài đảm đương thu hoạch ruộng lúa trong cánh đồng mẫu lớn còn mở rộng sang ruộng ngoài mô hình hơn 300ha.
Để đảm bảo quyền lợi cho từng thành viên, sau khi kết thúc mùa vụ, một số đội như làm đất, thu hoạch sẽ lấy số tiền thu được trích lại cho ban điều hành tổ hợp tác mỗi công là 4%, thành viên lái máy được chi trả từ 10- 12%, còn lại chủ máy hưởng.
Các đội còn lại, tới vụ muốn thu hoặc chi khoản nào sẽ thống nhất sau khi lấy ý kiến của các thành viên. “Những vụ vừa qua, mặc dù nguồn thu còn khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã trích được một phần để trả lương cho ban điều hành ”- ông Trọng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết, hướng tới xã sẽ nhân rộng cánh đồng mẫu lớn, xuống giống một lượt, thu hoạch cùng ngày nên tổ dịch vụ “trọn gói” này ra đời là lợi thế, giải quyết tình trạng thiếu lao động và xây dựng nông thôn mới.
“Khi nông dân thu hoạch, các đội này sẽ liên kết làm một lượt. Trường hợp máy này hư thì có máy khác nhanh chóng thay thế chứ không như trước đây nằm ụ mấy ngày, giống bị thối hoặc trễ ngày”. Theo ông Tùng, sắp tới sẽ thành lập hợp tác xã để tự thu, chi và trả lương hẳn hoi từng vụ.
Nắm trong tay 66 người, tổ dịch vụ nông nghiệp làm lúa thuê “trọn gói” “có một không hai” quy mô khá lớn này đã được thành lập tại Ấp 9 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) đang phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, vụ Đông Xuân tới xã Mỹ Lộc sẽ nâng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên 600ha. Vì vậy, thành lập những đội sản xuất sẽ tập cho người dân làm liên kết, góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo. Đặc biệt, nhờ có đội làm lúa giống tại địa phương, đã nâng tỷ lệ nông dân gieo sạ giống chất lượng lên trên 90%, thực hiện sạ hàng, sạ thưa.
Có thể bạn quan tâm
Hiện các vựa thu mua xô cam sành với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng trước đó. Những trái cỡ lớn, chín vàng đẹp có mức giá 29.000 đồng/kg. Tại các chợ, giá cam sành bán lẻ từ 32.000 - 37.000 đồng/kg.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị “Sơ kết tháng hành động phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long” vừa tổ chức cuối tuần qua tại TP Phan Thiết (Bình Thuận).
Trong khi các thương lái đang đứng ngồi không yên trước cảnh hàng nghìn xe dưa bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, người dân các tỉnh miền trung cũng lao đao vì dưa hấu rớt giá thảm hại.
Tiền Giang có hàng ngàn ha chôm chôm, nhiều nhất tại xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy). Tại đây, xã cũng đã thành lập được Tổ hợp tác trồng chôm chôm và đã được công nhận đạt tiêu chí VietGAP từ năm 2011.
Ngoài thế mạnh về cây lúa và phát triển ngành thủy sản nước ngọt, Đồng Tháp còn có vùng chuyên canh cây ăn trái lớn với diện tích hơn 25 ngàn ha với các loại cây trồng chủ lực như: xoài, nhãn và cây có múi.