Giá Quế Tăng Mạnh
Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ vụ quế của nông dân các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi). Người dân nơi đây đang rất phấn khởi do giá quế đầu vụ bất ngờ tăng mạnh. Mỗi ngày nhiều hộ khai thác từ 200-300kg vỏ quế, thu về tiền triệu, đời sống kinh tế cải thiện đáng kể.
Có hai giống quế chính được người dân miền núi Quảng Ngãi chọn trồng, gồm: quế Trà Bồng và quế Thanh Hóa, trong đó diện tích quế Trà Bồng chiếm khoảng 70%. Quế Trà Bồng có giá 15.000 đồng/kg tươi và 30.000 đồng/kg khô; quế Thanh Hóa có giá bán thấp hơn 12.000 đồng/kg tươi và 26.000 đồng/kg khô. So với năm ngoái, đầu vụ này giá mua quế tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Theo bà Lâm Thị Thu Hiền, chủ đại lý thu mua quế Trà Bồng (tại thôn 3, xã Trà Thuỷ), mỗi ngày gia đình bà thu mua từ 2-3 tấn quế. Sau 3 ngày phơi khô, có thể xuất bán ngay cho thương lái Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Vì lượng quế dồn về nhiều nên gia đình bà phải thuê thêm 10-15 lao động phụ giúp.
Bà Trần Thị Hạ, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng, cho biết: “Năm nay sản lượng quế nhiều hơn năm ngoái, chất lượng cũng tốt hơn. Mới 10 ngày mà công ty đã nhập gần 100 tấn quế. Nhiều người trúng quế, chở cả xe tải tới bán, thu về hơn chục triệu đồng. Từ trước tới nay, cuộc sống người dân ở đây rất khó khăn, giàu nghèo nhờ cây quế; nay quế được mùa, được giá thấy cũng mừng thay cho bà con”.
Vừa phơi vỏ quế tươi, chị Hồ Thị Dượng ở thôn 3, xã Trà Thuỷ, vui mừng: “Ở đây nhiều người trúng lắm. Mấy năm trước quế Thanh Hoá ùn vào ồ ạt khiến giá quế rớt thê thảm, nhưng năm nay tình trạng này không xảy ra nên quế được giá. Tôi không có đất để trồng nên phải đi làm thuê cho đại lý; mỗi ngày làm 8 tiếng đồng hồ, được trả công 130.000 đồng/ngày phấn khởi lắm”.
Vỏ quế dùng chế biến hương, chiết nấu tinh dầu, xay bột xuất khẩu… đem lại nguồn lợi kinh tế cao, nên người dân các huyện miền núi Quảng Ngãi có thêm động lực để gắn bó. Về phía huyện cũng đã ưu tiên hỗ trợ giống để bà con trồng và nhân rộng loại cây chủ lực này, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững.
Hiện, tổng diện tích quế của 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà hơn 5.000ha. Quế Trà Bồng là 1 trong số 4 đặc sản của Quảng Ngãi đã được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2012.
Có thể bạn quan tâm
Cá tra Việt Nam vừa tăng lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thủy sản yêu thích tại Mỹ nhưng người nuôi cá chưa hết lao đao. Phương pháp cho ăn gián đoạn đang được khuyến cáo để giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này...
Đó là ông Nguyễn Tác Tân - Trưởng thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông Tân đã bàn bạc với 134 hộ nông dân trong thôn Vị Hạ xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa". Mô hình có quy mô diện tích 26 ha.
Nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lại khá cao. Đó là nhận định của những hộ dân nuôi ba ba xã Cần Đăng (Châu Thành – An Giang). Đây được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả của địa phương…
Từ năm 2010, hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước. Khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ này, bà con ven hồ xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là tín hiệu tốt để nhân dân ven hồ, bao gồm bà con các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phát huy lợi thế 214 km2 mặt nước hồ thủy điện Sơn La để phát triển kinh tế gia đình.
Vừa qua, một số ao nuôi tôm sú tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) xuất hiện tôm chết (khoảng 2 triệu con). Sau khi biết tin, các cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng Chi cục Thú y tỉnh đã xuống các đồng nuôi kiểm tra, lấy mẫu đi phân tích.