Nuôi bò Úc trên cao nguyên
Tọa lạc trên một vùng đồi hoang dã ở xã Ea Lai, H.M’Đrắk (Đắk Lắk), trang trại chăn nuôi bò của Công ty TNHH Liên hợp công - nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (gọi tắt là Công ty Sao Đỏ) có diện tích thuê đất hơn 1.500 ha, giai đoạn đầu triển khai trên 320 ha.
Trong 4 năm, Công ty Sao Đỏ đã đầu tư không ít công sức để cải tạo những ngọn đồi nhấp nhô thành khu chuồng trại bằng phẳng, đồng cỏ rộng tít tắp, cùng các công trình phụ trợ. Hàng ngàn con bò được nuôi nhốt trong 6 chuồng rộng rãi (2.700 m2/chuồng), thiết kế theo kiểu mái che nửa chuồng, một nửa để trống cho bò tắm nắng. Hai bên khu chuồng có hệ thống mương xử lý nước thải, hằng ngày lượng phân bò được đẩy về khu sản xuất biogas, nhờ đó chuồng lúc nào cũng sạch sẽ, ít mùi hôi, hầu như không có ruồi muỗi...
Theo ông Đặng Thái Nhị, Giám đốc Công ty Sao Đỏ, đàn bò ở đây chủ yếu là giống bò Brahman nhập khẩu từ Úc có sức đề kháng cao, thể hình lớn, mỗi con trọng lượng từ 6 - 7 tạ. Mỗi lần nhập về, bò được tiêm đủ vắc xin phòng bệnh, vỗ béo trong 3 tháng, tăng trọng thêm khoảng 100 kg là đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. Thức ăn cho bò đơn giản nhưng đủ dinh dưỡng, gồm các loại cỏ có nguồn gốc ngoại nhập, thân bắp 2 tháng tuổi được băm nhỏ, trộn với các loại cám, rỉ mật, hèm bia, chất khoáng được ủ đúng quy cách nhiều ngày. Bò được cho ăn mỗi ngày 3 lần, xe chuyên dụng chở thức ăn rải đều các máng xi măng quanh chuồng. Chỉ cần 2 công nhân là có thể đảm đương khâu ăn uống cho gần 2.000 con bò. Chính nhờ quy trình chăm sóc, dinh dưỡng đầy đủ, đàn bò Úc tăng trọng nhanh, bình quân 1,3 kg/ngày.
Ngoài khu chuồng trại, đồng cỏ, đồng bắp cũng được canh tác hoàn toàn bằng cơ giới. Tại khu nhà xưởng, ông Nhị giới thiệu hàng loạt máy nông nghiệp tiên tiến nhập ngoại như máy gieo hạt, máy đào xới kết hợp bón phân, máy tưới tự động có thể đo độ ẩm của đất để lập trình chế độ tưới phù hợp… “Các loại máy này giúp tiết kiệm ngày công rất nhiều. Chẳng hạn, hai công nhân vận hành máy gieo hạt có thể gieo trồng 5 ha bắp chỉ trong một ngày”, ông Nhị diễn giải.
Ý tưởng về khu chăn nuôi hiện đại theo quy trình khép kín giữa trồng trọt và chăn nuôi được vị giám đốc 64 tuổi này ôm ấp từ lâu, nay trở thành hiện thực. Phần lớn chất thải chăn nuôi được làm phân bón cải tạo đất, sản xuất cây thức ăn cho bò; trước đó còn tạo ra biogas làm nhiên liệu nấu ăn, sưởi ấm cho chuồng trại vào mùa đông.
Ông Nhị không tiết lộ giá nhập khẩu bò từ Úc nhưng cho biết giá bán bò của trang trại khoảng 72.000 đồng/kg hơi, tương đương gần 300.000 đồng/kg thịt. Trong 3 năm qua, công ty Sao Đỏ đã xuất bán gần 2.000 con bò Úc; khách hàng chủ yếu ngoài tỉnh, từ TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội… Theo ông Nhị, giống bò Úc từ lâu nổi tiếng về phẩm cấp thịt ngon, được khách hàng ưa chuộng nên không lo về đầu ra.
Không dừng ở bò thịt, Công ty Sao Đỏ hiện đang xúc tiến nuôi bò sinh sản và vài năm nữa triển khai nhà máy chế biến thịt, sữa; đồng thời mở rộng nuôi thêm bò sữa để đạt tổng đàn 13.000 con theo dự án. Hiện đã có hơn 100 con bê Úc ra đời trên thảo nguyên M’Đrắk. Vị giám đốc tâm huyết với ngành chăn nuôi này cho biết sẽ đưa số bò sinh sản lên 2.000 con/năm, để ngoài phục vụ nuôi bò thịt, còn cung cấp cho nhu cầu cải tạo giống bò ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi đề cập đến các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa, cho biết: Đến nay, cả nước có gần 6.200 tàu cá đăng ký và được phê duyệt đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa.
Chiều 8-6, theo Viện Lúa ĐBSCL, nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ… đang bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm. Năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên nông dân giảm được khá nhiều về chi phí đầu tư, đồng thời tăng được năng suất lúa. Theo dự kiến, với khoảng 1,7 triệu ha lúa hè thu năm 2014, toàn vùng ĐBSCL sẽ thu về từ 7- 8 triệu tấn lúa.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, Việt Nam là nước XK mực, bạch tuộc lớn thứ 2 vào Hàn Quốc.
Xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) là nơi có mô hình trồng lúa chất lượng cao an toàn đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào năm 2008. Để đạt được kết quả này, nông dân trong xã đã kiên trì thực hiện qua nhiều năm với nhiều nội dung: IPM, “Cánh đồng sạch và xanh”, Chương trình “3 giảm 3 tăng”, dự án “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn” tiến tới mô hình lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề nuôi gián đất, nhưng khi triển khai đã bị yêu cầu tiêu hủy.