Tam nông khởi sắc

Những năm qua, kinh tế nông nghiệp huyện Duy Xuyên có bước chuyển biến rõ nét, nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện. Đồng thời tạo tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nông nghiệp bứt phá
Ông Phạm Đình Xuân – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, nông dân trên địa bàn huyện canh tác khoảng 3.800ha lúa mỗi vụ. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều khâu nên 5 năm gần đây năng suất lúa của Duy Xuyên tăng lên đáng kể. Nếu năm 2010 trở về trước năng suất lúa bình quân toàn huyện chỉ chừng 58 tạ/ha thì nay đã đạt 63 tạ/ha. Đặc biệt, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai dồn điền đổi thửa được 1.963ha đất lúa. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện xây dựng được 11 cánh đồng kỹ thuật với tổng diện tích 372ha, chủ yếu nằm ở các xã Duy Phước, Duy Sơn, Duy Hòa và thị trấn Nam Phước.
Các cánh đồng mẫu này chuyên sản xuất giống lúa thuần, lúa lai và lúa thương phẩm chất lượng cao, qua đó giúp nông dân tăng 20 - 30% giá trị kinh tế so với canh tác lúa thường. Ông Xuân cho biết thêm, từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33 về đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, huyện Duy Xuyên đã tiếp nhận và giải ngân khoảng 5 tỷ đồng tiền hỗ trợ nhằm tiếp sức cho các hợp tác xã và người dân mua sắm 77 máy cày, 64 máy gặt đập liên hợp, góp phần đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt 80%.
Theo ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên, hiện nay toàn huyện có tổng cộng 1.800ha đất màu. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng kéo hơn 100km đường dây điện ra hàng loạt cánh đồng nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho các loại cây trồng cạn. Tính đến thời điểm này Duy Xuyên đã xây dựng được 3 cánh đồng chuyên sản xuất rau với diện tích 23ha tại xã Duy Phước, Duy Trung, Duy Hòa và 2 cánh đồng chuyên canh tác cây công nghiệp ngắn ngày, thực phẩm với diện tích 118ha ở xã Duy Châu.
Bên cạnh đó, nông dân trên địa bàn huyện còn linh hoạt áp dụng mô hình chuyên canh, luân canh, xen canh nhiều loại hoa màu cho hiệu quả kinh tế cao. Qua khảo sát cho thấy, bình quân mỗi năm 1ha đất canh tác theo hướng này mang lại cho nhà nông khoảng 90 - 150 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với cách đây 5 năm. Những năm qua, các ngành chức năng của địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho 6 doanh nghiệp vào hợp tác làm ăn trên lĩnh vực nông nghiệp, qua đó giúp nhà nông yên tâm về chuyện đầu ra sản phẩm, đồng thời tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá. Đây là tiền đề quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng hoàn thành mô hình nông thôn mới.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Tháng 12.2013, xã Duy Trinh được UBND tỉnh chọn bổ sung làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới. Xác định đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn nên địa phương đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để thực hiện. Nhờ vậy, đến cuối tháng 6.2015 địa phương cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí, cán đích đúng hẹn so với kế hoạch đề ra. Bây giờ, về Duy Trinh, những con đường bùn đất một thời được thay bằng tấm bê tông chắc chắn. Nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp, xây mới.
Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng thông qua việc thực hiện thành công mô hình thu gom rác thải trong cộng đồng dân cư. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm. Hàng năm có hơn 86% số hộ được công nhận gia đình văn hóa, 3 trong số 4 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, qua hơn 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay 4 xã điểm của huyện gồm Duy Sơn, Duy Phước, Duy Trinh, Duy Hòa đã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận xã đạt chuẩn; các xã còn lại đều đạt 6 - 12 tiêu chí. Từ năm 2011 đến nay tổng nguồn vốn Duy Xuyên đầu tư cho chương trình này là hơn 2.388 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh, huyện cấp là 920,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 123 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 185,5 tỷ đồng, còn lại là huy động từ các kênh khác.
Thành tựu nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Duy Xuyên chính là tạo dựng cơ sở hạ tầng khang trang, bề thế và nhất là bài toán việc làm cho lao động nông thôn được giải quyết rốt ráo, thu nhập của người dân không ngừng nâng cao. “Tất cả những gì Duy Xuyên đạt được trong thời gian qua sẽ là nền tảng vững chắc để bước tiếp trên chặng đường mới, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp một cách bền vững, toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cạnh đó, chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối với nông dân. Đặc biệt, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa… nhằm tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân” - ông Năm nói.
Có thể bạn quan tâm

Để đạt kế hoạch đề ra, huyện chỉ đạo các xã chuẩn bị quỹ đất, ra quân nạo vét kênh mương, tu bổ các công trình thủy lợi, tạo nguồn nước tưới cho các loại cây trồng; các HTX thực hiện tốt các khâu dịch vụ về cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây; hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho nông dân...

Diện tích này chỉ phù hợp với các huyện miền xuôi, vì có diện tích rộng trên một cánh đồng, các hộ dân lại ở gần nhau nên cùng trồng, thâm canh đạt hiệu quả cao. Ngược lại, ở các huyện miền núi diện tích nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là ruộng bậc thang; các hộ dân lại ở xa nhau, việc tiếp cận kỹ thuật mới còn hạn chế, nên khó đạt diện tích để được hỗ trợ. Người dân rất cần được “kích cầu” để phát triển sản xuất, nhưng lại không đủ điều kiện để được hỗ trợ, nên đã khó lại càng khó khăn hơn.

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng được cán bộ, hội viên, nông dân huyện Nga Sơn hưởng ứng, phát triển có chất lượng và đi vào chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng vững mạnh và hiện đại.

Năm 2014 tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật, thủy sản trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, tính chất lây lan nhanh. Dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 13 xã thuộc 5 huyện làm 118 con gia súc mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 19 con lợn, 4 con bò.

Tin vui cho nông dân ĐBSCL trong những ngày giáp Tết, ngày 13/2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1180/VPCP-KTTH gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội lương thực Việt Nam thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo vụ ĐX 2014-2015.