Giá heo hơi giảm mạnh, người chăn nuôi lo lắng
Hơn 1 tháng nay, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giảm liên tục. So với mốc giá 4,3 triệu đồng/tạ ở quý I thì hiện nay giá heo hơi giảm đến gần 800 ngàn đồng/tạ. Theo tính toán của người chăn nuôi, để một con heo đúng tuổi xuất chuồng, người nuôi phải mất 3 – 3,5 tháng. Trong đó, chi phí đầu vào bao gồm: con giống, thức ăn, thuốc thú y, điện, nước... khoảng 3,6 - 3,8 triệu đồng/con. Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi sẽ không có lời, thậm chí lỗ vốn nếu tính cả công chăm sóc hoặc trong quá trình nuôi bị hao hụt đầu con.
Bà Huỳnh Thị Tuyết Mai ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “Các thương lái cho hay, hiện nay nguồn cung đang vượt cầu, một số công ty chăn nuôi lớn đang có chiến lược “xả hàng”, vì vậy thị trường đang bị khủng hoảng thừa. Vừa rồi, tôi xuất chuồng 2 tấn heo hơi, với mức giá 3,8 triệu đồng/tạ. Nếu không tính tiền công lao động thì huề vốn. Với tình hình giá heo hơi bấp bênh thế này tôi cũng chưa dám tái đàn trở lại, vì không biết giá heo có giảm nữa hay không”.
Do giá heo hơi đang biến động nên thị trường heo giống cũng bị tác động mạnh. Ông Phạm Hoàng Sơn - chủ trang trại chăn nuôi Ba Sơn ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười tâm sự: “Do giá heo hơi xuống thấp kéo theo giá heo giống giảm. Hiện giá heo con giảm trung bình từ 200 – 300 ngàn đồng/con, thị trường heo giống thời gian này cũng đang ngưng trệ”.
Mặc dù giá heo hơi ngoài thị trường đang giảm sâu khiến cho người chăn nuôi không khỏi lo ngại nhưng theo khảo sát của chúng tôi giá heo hơi tại các trại chăn nuôi lớn và hợp tác xã (HTX) vẫn còn đang trụ ở mức từ 4 – 4,1 triệu đồng/tạ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Phi Dũng - Giám đốc HTX heo Phú Bình, huyện Châu Thành cho biết: “Nhờ chăn nuôi với số lượng lớn và tập trung nên việc tiêu thụ của HTX cũng dễ dàng và giá cả cũng tốt hơn so với thị trường bên ngoài. Để sản phẩm tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, HTX luôn quan tâm đảm bảo chất lượng con giống đầu vào. Thời gian qua, HTX ưu tiên cải tạo chất lượng heo giống, lựa chọn con giống thuộc dòng thuần, cho tỉ lệ nạc cao. Do đó, heo ở HTX luôn có giá cao hơn so với thị trường bên ngoài”.
Một vấn đề đang gây bức xúc là việc giá heo hơi giảm khá sâu khiến cho người chăn nuôi lao đao song giá heo thịt bày bán tại các chợ giảm không đáng kể.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hân, một hộ chăn nuôi heo ở xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh nói: “Thương lái bảo là các chợ đang dội hàng nhưng khi mua thịt heo tại chợ, tôi thấy giá cả giảm không đáng kể. Thật tình tôi thấy bức xúc lắm vì mình bán heo hơi thì giá rẻ nhưng mua thịt heo thì giá lại đắt, tính đường nào thì mình cũng là người chịu thiệt”.
Theo ông Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y: “Từ năm 2012 đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm được kiểm soát chặt chẽ, không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Mặt khác, giá heo hơi liên tục duy trì ở mức cao từ đầu năm 2013 đến nay nên người chăn nuôi tái đàn làm cho số lượng heo tăng lên. Tuy chưa đến mức cung vượt cầu nhưng do thời điểm hiện nay không phải là mùa lễ, Tết nên lượng tiêu thụ không mạnh, làm cho giá heo giảm. Ngoài ra, một số thương lái cố tình ép giá người chăn nuôi với lý do heo xấu, chất lượng không cao. Trong điều kiện nuôi nhỏ lẻ thì việc bị thương lái ép giá là điều dễ hiểu”.
Có thể bạn quan tâm
Chiều 15/6, tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), Sở NN-PTNT tổ chức lễ phát động chiến dịch ra quân tiêu hủy rệp sáp bột hồng hại sắn. Tham dự buổi lễ có tiến sĩ Ignazio, chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT); tiến sĩ Bùi Xuân Phong, Phó phòng Quản lý sinh vật hại rừng Cục Bảo vệ Thực vật; tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT.
Sau cơn mưa lớn vào tối 13.6, nhiều nông dân trồng mì trên đất ruộng đã phải hối hả nhổ mì để chạy mưa do sợ mì bị thối củ.
Vài năm trở lại đây, phần lớn nông dân trồng lúa đều bán lúa tươi tại ruộng. Tuy vậy, phía sau là chuyện “cò” lúa hoành hành, thương lái kỳ kèo với nhiều chiêu bài khác nhau đã trở thành nỗi lo thường xuyên của nông dân mỗi khi bước vào mùa thu hoạch.
Câu chuyện làm giàu của ông Phùng Văn Vịnh (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) bắt đầu từ khóa học nghề do Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức năm 2011. Thời điểm ấy, hai vợ chồng ông Vịnh vẫn quẩn quanh với vài sào ruộng khoán, tất tả ngược xuôi nuôi các con ăn học, từ những kiến thức trồng nấm cơ bản học được qua lớp học nghề đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ông về việc làm kinh tế.
Năm 2015, tỉnh An Giang phấn đấu thực hiện cánh đồng lớn với tổng diện tích 71.670 ha, tăng 37.470 ha so với năm 2014 (năm 2014 diện tích tham gia 34.200 ha). Hiện có 14 doanh nghiệp tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn (CĐML).