Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Sản Xuất Cá Đối Mục

Mô Hình Sản Xuất Cá Đối Mục
Ngày đăng: 13/08/2013

Trong cái nắng chói chang của những ngày hè, chúng tôi tới thăm khu ương nuôi của Trường Cao đẳng Thuỷ sản. Hôm nay, tổ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện mô hình sản xuất giống cá đối mục của Sở KH&CN sẽ tiến hành xem xét kết quả thực tế của dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đối mục (Mugil cephalus Linnaeus, 1758) tại tỉnh Quảng Ninh” do Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh (trụ sở tại Trường Cao đẳng Thuỷ sản), chủ trì thực hiện.

Khi chúng tôi đến, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm mồ hôi nhễ nhại, đang mải miết kéo lưới bắt cá; trên bờ bà con nông dân nói cười hồ hởi, chờ để nhận con giống về nuôi. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội Nghề cá phường Hà An (TX Quảng Yên) vui vẻ nói với chúng tôi: “Khi nhận được tin Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản đã sản xuất thành công giống cá đối mục, bà con chúng tôi ai cũng mừng, cứ như sắp có một mùa bội thu lớn vậy.

Hôm nay đến đây nhận con giống (được Trung tâm cung cấp miễn phí), lại càng vui hơn, vì trông những con cá đối mục con rất khoẻ mạnh, có vẻ sẽ nuôi tốt đây. Những con giống này sẽ được bà con nuôi ghép cùng tôm, cua trong đầm và tôi nghĩ là sẽ có hiệu quả kinh tế cao. Chỉ mong Trung tâm sớm sản xuất đại trà giống cá đối mục này để nhân rộng mô hình…”

Trò chuyện với chúng tôi, Tiến sĩ Phạm Xuân Thuỷ, giảng viên Trường Đại học Nha Trang (đơn vị chuyển giao công nghệ của Dự án) cho biết: “Những con cá giống này là thành quả của quá trình chuyển giao công nghệ mà Trường Đại học Nha Trang đã tiếp nhận từ Học viện Sinh vật học (Trường Đại học Trung Sơn, Trung Quốc). Trong quá trình chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Nha Trang và Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện từng bước, từng khâu công nghệ và từng quy trình.

Chúng tôi đã chuyển giao và Trung tâm đã tiếp nhận thành công một số công nghệ như: thiết kế trại giống và xử lý môi trường nước; thu gom vận chuyển cá bố mẹ; nuôi vỗ cá bố mẹ; quy trình cho cá bố mẹ sinh sản, ấp nở trứng, thu ấu trùng; quy trình ương nuôi từ ấu trùng lên cá bột; từ cá bột lên cá hương; từ cá hương lên cá giống; quy trình phòng và trị bệnh cho cá v.v. Tôi thấy rất mừng vì qua kiểm tra, số lượng và kích thước con giống so với chỉ tiêu dự án đề ra đều vượt (hiện con giống đã có kích thước từ 12cm - 14cm, trong khi yêu cầu dự án là 6cm-8cm). Điều này thật đáng phấn khởi”.

Nói về ý nghĩa thực tiễn của mô hình, ông Vũ Công Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh, Chủ nhiệm dự án, chia sẻ: Trong những năm qua, việc nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Ninh phát triển mạnh và cũng đã thu được nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình suy thoái môi trường, dịch bệnh v.v. những năm gần đây xảy ra khá nhiều và trên diện rộng, đặc biệt là với con tôm... Với vai trò là đơn vị chuyên sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, Trung tâm chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để tìm ra giống thuỷ sản phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao để bà con đưa vào thay thế con tôm tại các đầm nuôi bị suy thoái môi trường.

Trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, thấy cá đối mục là một đối tượng có tính thích ứng rộng, phù hợp điều kiện tự nhiên ở Quảng Ninh. Giống cá này lại to, thịt ngon mà thức ăn chủ yếu là rong, tảo v.v. nên chi phí chăm nuôi thấp, hơn nhiều giống cá khác. Mặt khác, cá đối mục lại chịu được nhiệt độ lạnh nên nuôi được nhiều vụ, từ đó mà hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với những ưu thế như vậy, cá đối mục hoàn toàn có khả năng trở thành đối tượng mới nuôi tại Quảng Ninh, đặc biệt là với các vùng nông thôn, miền núi ít có điều kiện để đầu tư về khoa học kỹ thuật và chi phí thức ăn quá tốn kém…”. Có thể nói, thành công bước đầu của mô hình sản xuất giống cá đối mục đã góp phần làm cho “danh mục” giống nuôi trồng thuỷ sản tại Quảng Ninh phong phú hơn, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con ở các vùng ven biển.

Đồng thời, qua đó đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh và phục vụ cho xuất khẩu, thúc đẩy các dịch vụ hậu cần cho phát triển nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Và điều không kém phần quan trọng nữa là giống cá này đưa vào nuôi sẽ góp phần cải thiện môi trường cho các khu nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là khi môi trường nuôi tôm ở nhiều nơi đang bị suy thoái...


Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật Tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật

Đây là mô hình có tiềm năng phát triển theo hướng bền vững, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

12/10/2019
Trồng chanh tứ thời lãi hơn 10 triệu đồng/tháng Trồng chanh tứ thời lãi hơn 10 triệu đồng/tháng

Giống chanh tứ thời đang được trồng nhiều ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bởi đây là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao 100 - 130 triệu đồng/ha

14/10/2019
Chanh tứ mùa giúp nông dân hái ra tiền Chanh tứ mùa giúp nông dân hái ra tiền

Cùng với cây cam sành, cây chanh tứ mùa giúp nhiều hộ nông dân ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) “hái ra tiền”.

14/10/2019
Người nông dân từ bàn tay trắng trở thành ông chủ trang trại tiền tỷ Người nông dân từ bàn tay trắng trở thành ông chủ trang trại tiền tỷ

Với nguồn thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm từ sản xuất, chăn nuôi và làm dịch vụ nông nghiệp, ông Đạo Thanh Thích được tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc

16/10/2019
Thu nhập cao nhờ nuôi gà lai Hồ thả vườn Thu nhập cao nhờ nuôi gà lai Hồ thả vườn

Mô hình nuôi gà lai Hồ của gia đình anh Đoàn đã mở ra hướng mới cho nông dân nơi đây, nhất là khi khuyến nông tỉnh Bắc Giang đang tích cực nhân rộng chăn nuôi

17/10/2019